Cơ chế tài chính, ngân sách cho Thủ đô

Luật Thủ đô (sửa đổi)

Hà Nội với nhiều hoạt động sôi động, thu hút sự quan tâm của người dân Thủ đô và du khách (màn đồng diễn áo dài trên phố đi bộ Hồ Gươm vào tháng 10/2023)

Về cơ chế tài chính, ngân sách cho Thủ đô (Điều 35, Điều 36), một số ý kiến tán thành với nhiều nội liên quan đến lĩnh vực tài chính, ngân sách tại dự thảo Luật.

Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị bổ sung chính sách thu của thành phố Hà Nội để tạo nguồn lực; quy định mức trần nợ vay của TP (tương tự như Hồ Chí Minh), cho phép TP phát hành trái phiếu quốc tế; về để lại tiền thu từ đất, có ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể tỷ lệ, có ý kiến đề nghị cho phép Hà Nội giữ lại toàn bộ nguồn thu này;…

Một số ý kiến cơ bản nhất trí với quy định tại dự thảo, nhưng đề nghị tiếp tục nghiên cứu để quy định cơ chế đặc thù để giúp cho thành phố Hà Nội chủ động sử dụng hiệu quả nhất nguồn cải cách tiền lương còn dư; quy định tiêu chí cụ thể khi sử dụng kinh phí chi thường xuyên thực hiện dự án cải tạo, mở rộng hoặc xây dựng mới các hạng mục trong các cơ sở đã có, khi thực hiện nội dung này không phải thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công;

Đối tượng được hỗ trợ tại điểm d khoản 1 Điều 36 dự thảo Luật là quá rộng, cân nhắc về thời hạn được tạm ứng Quỹ dự trữ tài chính; rà soát để bảo đảm nguyên tắc “không cho phép dùng ngân sách của cấp này để chi cho nhiệm vụ cấp khác và không được dùng ngân sách địa phương này để chi cho địa phương khác”…

Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo dự kiến tiếp thu, giải trình: Dự thảo Luật quy định dư nợ vay của TP không phụ thuộc vào hạn mức trần, tổng mức vay và bội chi ngân sách TP Hà Nội hằng năm do Quốc hội quyết định, Thủ tướng Chính phủ giao.

Quy định này nhằm giúp TP có thể huy động được nguồn lực đầu tư từ vốn vay để tập trung phát triển các dự án quan trọng. Đặc biệt trong thời gian tới, TP đẩy mạnh phát triển các tuyến đường sắt đô thị, nhu cầu về vốn có thể lên đến 1 triệu tỷ đồng và xa hơn là mục tiêu phát triển kết nối đường sắt đô thị đến các đô thị trong Vùng Thủ đô.

Từ đó, giúp TP triển khai nhanh, làm đồng bộ về mặt hạ tầng, đồng bộ về mặt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, tránh tình trạng manh mún, chậm tiến độ do phụ thuộc vào nguồn vốn, không đồng bộ về kỹ thuật như hiện nay tại các dự án đã triển khai theo hình thức vay ODA và vốn từ ngân sách.

Việc vay vốn sẽ được TP cân nhắc kỹ, xây dựng rõ ràng, khả thi về phương án sử dụng vốn, phương án trả nợ vay, được báo cáo, thông qua tại Thành ủy, HĐND TP, báo cáo trình Quốc hội và Chính phủ quyết định. Vì vậy, vẫn bảo đảm sự kiểm soát đối với nợ công quốc gia của Trung ương.

Để tiếp tục hoàn thiện, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu để bảo đảm việc thực hiện được thuận lợi (như: có thể xác định khoản được giữ lại cho ngân sách; thời hạn tạm ứng từ Quỹ dự trữ tài chính…) nhưng đồng thời tạo được cơ chế giúp Hà Nội có thêm nguồn lực để phục vụ nhiệm vụ trọng điểm, cụ thể do TP đề xuất.

Trong đó, có cả việc chi cho di dời, hỗ trợ di dời các cơ quan, đơn vị, cơ sở của Trung ương và TP theo quy hoạch; quy định cụ thể hơn về cho phép áp dụng một số phí, lệ phí chưa được quy định trong danh mục phí, lệ phí; sử dụng kinh phí chi thường xuyên thực hiện dự án cải tạo, mở rộng hoặc xây dựng mới các hạng mục trong các cơ sở đã có…

Bảo Lâm