'Cởi trói' để doanh nghiệp nhà nước tự chủ, sáng tạo, phát triển

Nắm giữ 60% nguồn lực của nền kinh tế

Thông tin tại tọa đàm “Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp: Nhìn lại và hướng tới” tổ chức ngày 26/9, ông Nguyễn Đức Trung, Phó cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến hết năm 2022, Việt Nam có khoảng 478 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và khoảng 198 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối.

Theo ông Trung, doanh nghiệp nhà nước đang nắm giữ nguồn lực lớn về vốn, tài sản, công nghệ, nhân lực chất lượng cao, đóng góp đáng kể vào ngân sách Nhà nước. Chỉ tính riêng các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, mặc dù chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong nền kinh tế (chưa đến 0,1% số doanh nghiệp hoạt động) nhưng lại nắm giữ nguồn lực lớn của nền kinh tế (chiếm khoảng 7% tổng tài sản và 10% vốn chủ sở hữu của toàn bộ doanh nghiệp trên thị trường).

Về hoạt động kinh doanh, Phó cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp thông tin, tính đến 30/6/2023, tổng doanh thu của các doanh nghiệp nhà nước đạt gần 690 nghìn tỷ đồng, đạt 50% kế hoạch năm 2023. Lãi phát sinh trước thuế là 67,4 nghìn tỷ đồng, đạt 63% so với kế hoạch năm 2023. Tổng lỗ phát sinh của cả khu vực doanh nghiệp nhà nước là 33,6 nghìn tỷ đồng. Tổng thuế và các khoản phát sinh nộp ngân sách Nhà nước là hơn 67,2 nghìn tỷ đồng, đạt 56% so với kế hoạch năm 2023.

Ông Nguyễn Đức Trung, Phó cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại tọa đàm

Ước cả năm 2023 tổng doanh thu của toàn khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt hơn 1,4 triệu tỷ đồng, tăng 4% so với kế hoạch đề ra. Tổng lãi phát sinh trước thuế của khu vực doanh nghiệp nhà nước năm 2023 ước đạt hơn 117,3 triệu tỷ đồng, tăng 9% so với kế hoạch đề ra. Tổng thuế và các khoản phát sinh nộp ngân sách Nhà nước của doanh nghiệp nhà nước cả năm 2023 ước đạt gần 129 nghìn tỷ đồng, tăng 7% so với kế hoạch. Ước tính năm 2023 các doanh nghiệp phát sinh lỗ khoảng gần 41,7 nghìn tỷ đồng.

“Có thể thấy trong bối cảnh tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp còn khó khăn chung do tác động của xung đột Nga - Ukraine và các bất ổn của kinh tế thế giới, các doanh nghiệp nhà nước cơ bản đã nỗ lực tổ chức sản xuất kinh doanh đạt kế hoạch đề ra, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô” - ông Trung đánh giá.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ông Trung cho rằng, hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước vẫn còn một số tồn tại, hạn chế.

Thứ nhất, là hiệu quả hoạt động chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ, chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng; một số dự án có lỗ lũy kế lớn.

Thứ hai, doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn chưa thể hiện rõ vai trò nổi bật trong việc dẫn dắt, tạo động lực, mở đường, hướng dẫn, thúc đẩy các thành phần kinh tế khác phát triển. Các tập đoàn kinh tế, tổng công ty chưa chú trọng đầu tư vào các ngành, lĩnh vực có tính dẫn dắt, tạo động lực.

“Mặc dù nắm giữ trên 60% nguồn lực của nền kinh tế, các tập đoàn, tổng công ty hầu như chưa có các dự án đầu tư phát triển quy mô đủ lớn để tạo động lực bứt phá, sức lan tỏa, hỗ trợ tái cơ cấu và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Năng lực cạnh tranh, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp nhà nước còn hạn chế” - ông Trung nói.

Thứ ba, một số dự án đầu tư còn chậm tiến độ triển khai; công tác thanh quyết toán các dự án xây dựng cơ bản kéo dài làm giảm hiệu quả sử dụng nguồn lực. Việc thực hiện các dự án đầu tư mới của doanh nghiệp nhà nước chưa được thúc đẩy. Tiến độ phê duyệt Đề án tái cơ cấu, chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh giai đoạn 2021-2025 còn chậm.

“Bế tắc” vì cơ chế không rõ ràng

Lý giải về những tồn tại, hạn chế, ông Hồ Sỹ Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp nêu nguyên 3 nhân chính.

Ông Hồ Sỹ Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phát biểu tại hội thảo

Thứ nhất, quyền, trách nhiệm đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với 19 tập đoàn, tổng công ty được chuyển từ 5 bộ về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tại cùng một thời điểm nên khối lượng công việc phát sinh lớn. Phạm vi, tính chất công việc rộng, phức tạp, liên quan đến 16 ngành kinh tế - kỹ thuật.

Thứ hai, nguồn lực còn thiếu và hạn chế cả về số lượng cũng như trình độ, năng lực cán bộ. Ủy ban vừa phải kiện toàn tổ chức, vừa phải thực hiện ngay và đầy đủ, đúng quy định của pháp luật chức năng, nhiệm vụ của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước.

Thứ ba, hệ thống hoàn thiện xây dựng mô hình Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tách bạch chức năng đại diện chủ sở hữu và chức năng quản lý nhà nước đối với cùng một đối tượng doanh nghiệp chưa được thể chế hóa bằng văn bản quy phạm pháp luật.

“Phải xác định giao Ủy ban chỉ quản lý vốn ở công ty mẹ hay cả ở các công ty con, cháu. Nếu quản cả các dự án của các công ty con, công ty cháu thì sẽ phải đấu thầu. Cùng đó là mối quan hệ giữa chủ sở hữu và cơ quan quản lý vốn nhà nước. Nếu các doanh nghiệp nhà nước thực hiện nhiệm vụ chính trị thì trách nhiệm thế nào còn kết hợp cả nhiệm vụ xã hội thì ra sao?” - ông Hùng nêu vướng mắc.

Tọa đàm “Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp: Nhìn lại và hướng tới”

Cần giải pháp đột phá để “cởi trói” cho doanh nghiệp nhà nước

Gợi mở về việc tái cấu trúc mô hình quản lý của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước trong thời gian tới, Tiến sĩ Võ Trí Thành, Chuyên gia kinh tế, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, Ủy ban Quản lý vốn về nguyên tắc phải là nhà đầu tư, mà có thể ví với mô hình công ty quản lý quỹ. Một công ty quản lý quỹ có thể có nhiều quỹ khác nhau, có quỹ thuần thị trường, có quỹ thuần chính trị, an ninh, công nghệ lõi… Mỗi loại hình này có trách nhiệm và cuộc chơi khác nhau. Một số nước như Singapore đã có mô hình tương tự như vậy.

Bên cạnh đó, phải đảm bảo được tính linh hoạt. Ủy ban quản lý vốn thì có thể linh hoạt quyết định đầu tư, điều chuyển từ nơi thừa ở tập đoàn này sang tập đoàn khác, có thể đầu tư mua thêm, nâng cấp công nghệ, thoái vốn khỏi một công ty khác… Các động thái này linh hoạt theo đòi hỏi của thị trường, xu hướng, công nghệ…

“Trước mắt, cần những bước đi để hoàn thiện, nâng cao dần, khắc phục tồn đọng về pháp lý, chức năng, phân cấp…. Từ bước đi tiệm cận ấy kết hợp với các “sandbox” thí điểm quyền tự chủ, quyền đầu tư, lương thưởng, tiếp cận nghiên cứu triển khai…” - ông Thành khuyến nghị.

Trong khi đó, để tháo gỡ khó khăn, khắc phục hạn chế cho doanh nghiệp nhà nước, đại diện Cục Phát triển doanh nghiệp đề nghị xây dựng Đề án doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn.

Theo đó, Đề án lấy các doanh nghiệp quy mô lớn, có năng lực công nghệ và đổi mới sáng tạo để thực hiện vai trò mở đường, dẫn dắt trong việc đầu tư phát triển trong một số ngành, lĩnh vực mới, có tính chất quan trọng của nền kinh tế. Tăng cường cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cho một số tập đoàn quy mô lớn, có đủ năng lực thực hiện một số nhiệm vụ có tính chiến lược, dẫn dắt phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Đề án này sẽ lựa chọn một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty để thực hiện vai trò mở đường, dẫn dắt trong 4 lĩnh vực: công nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo, tài chính ngân hàng và kết cấu hạ tầng.

Các tiêu chí lựa chọn một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty để đưa ra các giải pháp nhằm phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt, bao gồm: Có tiềm lực về tài chính, đạt yêu cầu về quy mô xét trên tiêu chí tổng tài sản (dự kiến trên 20.000 tỷ đồng), có kết quả tài chính ổn định (ROE cao hơn mức 6%); Có thương hiệu tại thị trường trong nước, đảm bảo các quy định pháp luật về cạnh tranh; có định hướng mở rộng sang thị trường nước ngoài; Có hệ thống quản trị tốt trên cơ sở áp dụng các Nguyên tắc quản trị của OECD; đạt chuẩn Basel II trở lên đối với lĩnh vực ngân hàng, có năng lực hấp thụ và làm chủ khoa học công nghệ, hình thành năng lực sản xuất mới có tính tự chủ và tăng khả năng thích ứng, chống chịu của nền kinh tế; Nhà nước nắm giữ 100% vốn hoặc đã cổ phần hóa/có định hướng đa dạng hóa sở hữu tại Công ty mẹ, Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở lên.

Từ đó, Đề án đề xuất thực hiện một số chính sách thí điểm (chưa được quy định tại các Luật hiện hành) áp dụng các tập đoàn kinh tế, tổng công ty được lựa chọn trong khoảng thời gian 5 năm kể từ khi ban hành; sau đó tổng kết, đánh giá và điều chỉnh chính sách cho phù hợp để thực hiện vai trò mở đường, dẫn dắt.

Những chính sách này nhằm nâng cao hiệu quả quản lý theo mục tiêu trong một số nội dung về quản lý, sử dụng vốn nhà nước; đẩy mạnh phân cấp cho cơ quan đại diện chủ sở hữu và giao quyền chủ động cho doanh nghiệp về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp...

Theo ông Trung, các doanh nghiệp nhà nước cần phải hiện diện với một năng lực mới, diện mạo mới, thay vì chỉ đơn thuần trở thành một công cụ để điều tiết vĩ mô nền kinh tế.

“Để làm được điều đó, cần đưa ra những giải pháp có tính đột phá để cởi trói cho doanh nghiệp nhà nước, để doanh nghiệp nhà nước được tự chủ, sáng tạo, phát triển trong một môi trường kiến tạo” - ông Trung nhấn mạnh.

Ngân Thương