Công nghệ AI có thể 'gác gôn' về nhạy cảm giới trong tác phẩm báo chí

Giám đốc TUVA Communication Đinh Trần Tuấn Linh chia sẻ về công nghệ AI trong hoạt động báo chí. (Ảnh: TH)

Trong khuôn khổ Chương trình tập huấn truyền thông về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2024 do UN Women tổ chức từ ngày 12-14/6 vừa qua tại Quảng Ninh, các đại biểu tham dự đã có một buổi tập huấn về vai trò của AI trong báo chí truyền thông với sự chia sẻ thông tin phong phú từ Giám đốc TUVA Communication (công ty truyền thông ứng dụng công nghệ số đồng hành cùng các dự án phát triển xã hội) Đinh Trần Tuấn Linh.

Buổi tập huấn về vai trò của AI trong báo chí giúp các đại biểu có cái nhìn thực tiễn hơn với "đồng nghiệp" AI trong công tác báo chí hiện nay; thấy rõ "đồng nghiệp" này đã đang và sẽ có thể làm được những gì trong quy trình sản xuất tác phẩm báo chí hiện nay.

Qua trao đổi, các đại biểu thở phào rằng: AI khó có thể thay thế các phóng viên báo chí và sẽ có thể trở thành một "người bạn" đồng hành để các phóng viên báo chí làm nên những tác phẩm báo chí tốt hơn. Bên cạnh đó, các nhà hoạt động công nghệ luôn luôn tư duy đặt con người làm trong tâm trong quá trình phát triển công nghệ AI, hạn chế tối đa kịch bản các sản phẩm AI "cướp việc làm" của lực lượng lao động.

Ông Đinh Trần Tuấn Linh chia sẻ rằng hiện nay AI đã có thể khả năng hỗ trợ sản xuất một lượng tin bài báo chí số lượng lớn trong một thời gian rất ngắn dựa trên cơ sở nhập liệu như từ khóa, khả năng quét các vấn đề nổi cộm trong ngày ở các lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, AI vẫn gặp phải một số khó khăn trong các khâu quan trọng như biên tập, đạo đức nghề nghiệp (quyền tác giả hay các tiêu chuẩn báo chí).

Các phóng viên, biên tập viên báo chí thảo luận về vai trò và sự ảnh hưởng của AI trong tác nghiệp. (Ảnh: TH)

Tại buổi tập huấn, các đại biểu được trực tiếp sử dụng các ứng dụng AI sản xuất tin bài. Việc chỉ cần nhập các từ khóa đơn giản như tên các ca sĩ, diễn viên nổi tiếng, các vấn đề xã hội nổi lên trong ngày... chỉ khoảng 3 phút sau các "nhà báo AI" đã cho ra hàng chục các tác phẩm báo chí hoàn toàn khác nhau khiến các đại biểu ngỡ ngàng.

Trong truyền thông về bình đẳng giới, AI cũng có những "năng lực" đáng ghi nhận. Tại buổi trao đổi, ông Đinh Trần Tuấn Linh đã chia sẻ một ứng dụng công nghệ AI có thể được xem như thang đo về độ nhạy cảm giới trong tác phẩm báo chí. Với "bộ nhớ" đã được lập trình là những tiêu chuẩn về bình đẳng giới do UN Women đề ra, ứng dụng này có thể chấm điểm bất cứ tác phẩm báo chí nào và đưa ra những lập luận tỉ mỉ cho số điểm đó.

Thông qua những thao tác đơn giản, các đại biểu tham gia thực hành ứng dụng có thể biết được số điểm về độ nhạy giới của các tác phẩm báo chí về giới, dựa trên những tiêu chí tin cậy của UN Women. Rõ ràng, đây sẽ là một công cụ hữu dụng cho các nhà báo hoạt động về giới, giúp họ tự tin hơn về các đề tài mình triển khai liên quan tới vấn đề giới.

Rõ ràng công nghệ AI đang len lỏi vào từng ngõ ngách của hoạt động báo chí, việc làm chủ công nghệ AI với mỗi phóng viên, cán bộ báo chí truyền thông là cần thiết để hướng đến một nền báo chí chuyên nghiệp, hiện đại và nhân văn.