Đề nghị các 'ông lớn' chip hàng đầu Hoa Kỳ sớm mở văn phòng đại diện tại Việt Nam

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Bộ trưởng Dũng đã có một số hoạt động tại San Francisco và Thung lũng Silicon trước thềm Đối thoại kinh tế Việt Nam - Hoa Kỳ. Đáng chú ý, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT đã có cuộc gặp gỡ với lãnh đạo một số công ty chip hàng đầu Hoa Kỳ.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng làm việc với Công ty ARM tại Silicon Valley.

Cụ thể, sáng 23/6/2024 (theo giờ địa phương), Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng làm việc với Công ty ARM tại Silicon Valley.

Ông Will Abby, Phó Chủ tịch điều hành kiêm Giám đốc kinh doanh ARM, cho biết công nghệ của ARM hiện diện trong hơn 95% điện thoại thông minh và các hệ điều hành phần mềm trên toàn ế giới. 70% dân số thế giới sử dụng sản phẩm dựa trên chip của ARM. Hiện nay, ARM đang độc quyền về kiến trúc chip (các doanh nghiệp thiết kế chip đều phải sử dụng kiến trúc chip của ARM).

Các doanh nghiệp về thiết kế chip tại Việt Nam đều là khách hàng của ARM và đang do bộ phận ARM Hàn Quốc phụ trách. ARM hiện chưa có đại diện, văn phòng tại Việt Nam. ARM đang nghiên cứu phương án mở văn phòng tại Việt Nam, tuy nhiên chưa có định hướng cụ thể. Tính đến tháng 6/2024, giá trị vốn hóa của ARM đã tăng lên 165 tỷ USD, doanh thu năm 2024 là 3.2 tỷ USD.

Cùng với đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng làm việc với Công ty Marvell tại Slicon Valley. Marvell là công ty hàng đầu về thiết kế chip của Hoa Kỳ, được thành lập vào năm 1995, công ty có hơn 6.500 nhân viên tính đến năm 2024, với hơn 10.000 bằng sáng chế trên toàn thế giới và doanh thu hàng năm là 5,5 tỷ USD, được định giá khoảng 160 tỷ USD.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng làm việc với Công ty Marvell tại Slicon Valley.

Tại Việt Nam, Marvell đã hoạt động kể từ năm 2013. Sau 10 năm xuất hiện ở thị trường Việt, công ty hiện có khoảng 400 nhân viên, trong đó 97% nhân sự là kỹ sư chất lượng cao, trình độ cao trong thiết kế vi mạch và điện tử. Marvell Việt Nam hiện có 2 văn phòng ở TP.HCM.

TS. Lợi Nguyễn, Phó Chủ tịch Cao cấp về mảng kết nối quang và đồng của Marvell, ông là nhân vật quan trọng đứng sau Inphi Corporation, công ty đã được Marvell mua lại với giá 10 tỷ USD từ năm 2021. Marvell đang xây dựng Trung tâm Thiết kế Vi mạch tại thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng với khoảng 400 kỹ sư và dự kiến sẽ mở rộng trong thời gian tới. Qua đây, các kỹ sư của Marvell Việt Nam được tham gia vào hầu hết các dòng sản phẩm khác nhau và được làm với những công nghệ mới nhất, thậm chí là những dự án 3 và 2 nano.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết Việt Nam đã xây dựng và triển khai Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030 và Đề án Phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050.

Trong đó, Đề án xác định mục tiêu đến năm 2030 đào tạo được 50 nghìn kỹ sư bán dẫn, trong đó có 15 nghìn kỹ sư thiết kế. Chính phủ Việt Nam đã chỉ đạo hết sức quyết liệt để tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi nhất cho các dự án đầu tư công nghệ cao, đặc biệt là trong lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo; chuẩn bị sẵn sàng hạ tầng, nguồn nhân lực, thể chế để thu hút, hợp tác với các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới.

Bộ trưởng Dũng mong muốn Marvell mở rộng đầu tư, nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam để biến Việt Nam thành cứ điểm quan trọng hàng đầu của Tập đoàn Marvell. Ông đề nghị Marvell tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh, nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam, đóng góp vào sự phát triển của hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn Việt Nam.

Ngoài ra, Bộ trưởng đề nghị Marvell nghiên cứu mở văn phòng đại diện, trung tâm R&D tại NIC Hòa Lạc nhằm đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh, hợp tác nghiên cứu, và giới thiệu công nghệ mới...

Đồng thời, Bộ trưởng đề nghị ARM nghiên cứu, sớm có kế hoạch hợp tác đầu tư tại Việt Nam; hợp tác với Việt Nam trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; kết nối các đối tác của ARM tại châu Á và trên thế giới để đầu tư tại Việt Nam. Ngoài ra, ARM sớm mở văn phòng đại diện, trung tâm R&D tại NIC Hòa Lạc nhằm đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh, hợp tác nghiên cứu và giới thiệu công nghệ mới...

Thy Lê