Đã thực hiện các giải pháp hỗ trợ tài chính lên đến hàng trăm tỷ đồng cho người dân, doanh nghiệp

Nhiều giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất với giá trị hỗ trợ lớn, phạm vi hỗ trợ rộng đã và đang tiếp tục được triển khai trong thực tế.

Nhiều giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất với giá trị hỗ trợ lớn

Gửi kiến nghị tới Bộ Tài chính thông qua Ban Dân nguyện, cử tri TP. Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay tình hình giá cả các mặt hàng thiết yếu đều tăng, trong khi các loại thuế, phí không giảm, nhất là quy định về thuế thu nhập cá nhân ban hành đã lâu nhưng chưa được điều chỉnh; các ngành xuất khẩu chủ lực như khoáng sản, dệt may, da giày, đồ gỗ… đều bị sụt giảm đơn hàng; các công ty đều cắt giảm lao động, thu gọn quy mô hoạt động, thị trường bất động sản khó khăn…

Chính vì vậy, cử tri đề nghị tham mưu Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành không tăng thuế, phí, giá xăng dầu; những loại phí, lệ phí không hợp lý cần cắt giảm, bỏ những loại thuế lạc hậu, hạ lãi vay để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh dịch vụ,… đảm bảo mục tiêu thúc đẩy kinh tế, phục hồi kinh tế.

Cùng với đó, cử tri TP. Hồ Chí Minh cũng cho rằng, hiện nay hàng loạt chợ truyền thống cho đến siêu thị, trung tâm thương mại tại TP. Hồ Chí Minh đang rơi vào cảnh ế ẩm; nhiều công nhân, người lao động mất việc khiến họ dè dặt chi tiêu sinh hoạt. Cử tri đề nghị tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) cho năm 2024 và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để tái cấu trúc, đầu tư sản xuất, phát triển.

Trả lời kiến nghị của cử tri, Bộ Tài chính cho biết, trước ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và tác động của các vấn đề kinh tế, chính trị quốc tế đến sự phát triển kinh tế - xã hội của Đất nước, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân, Bộ Tài chính đã chủ động nghiên cứu, đề xuất, trình cấp có thẩm quyền cũng như ban hành theo thẩm quyền các giải pháp trong lĩnh vực tài chính với tổng quy mô hỗ trợ khoảng 700 nghìn tỷ đồng, đặc biệt là các giải pháp về gia hạn, miễn, giảm các khoản thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất (như gia hạn thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế thu nhập cá nhân (TNCN), thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB)) và tiền thuê đất; miễn, giảm thuế TNDN, thuế TNCN, thuế GTGT, thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường (BVMT), cùng nhiều khoản phí, lệ phí và tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế.

Tổng quy mô các giải pháp hỗ trợ năm 2020 khoảng 129 nghìn tỷ đồng, năm 2021 khoảng 145 nghìn tỷ đồng, năm 2022 khoảng 233 nghìn tỷ đồng. Năm 2023, với nhiều rủi ro, thách thức từ những biến động khó lường của tình hình thế giới ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp, người dân cũng như nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng. Để kịp thời, chủ động trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và tài chính - ngân sách của năm 2023, Bộ Tài chính đã khẩn trương nghiên cứu, đề xuất với các cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền các giải pháp về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất áp dụng cho năm 2023 với tổng giá trị hỗ trợ khoảng 196 nghìn tỷ đồng (trong đó: số tiền được gia hạn khoảng 121 nghìn tỷ đồng; số tiền được miễn, giảm khoảng 75 nghìn tỷ đồng).

Như vậy, trong thời gian qua, nhiều giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất với giá trị hỗ trợ lớn, phạm vi hỗ trợ rộng đã và đang tiếp tục được triển khai trong thực tế. Việc ban hành và thực hiện các giải pháp nêu trên cũng đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao của cộng đồng doanh nghiệp, người dân; góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh để đóng góp vào kết quả tích cực về phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, việc thực hiện các giải pháp hỗ trợ nêu trên cũng có ảnh hưởng nhất định tới việc triển khai công tác về ngân sách nhà nước. Mặc dù kết quả thu ngân sách nhà nước của năm 2022 là tích cực, nhưng từ cuối năm 2022 và đặc biệt những tháng đầu năm 2023 đến nay đã cho thấy xu hướng giảm.

Chủ động thêm nhiều giải pháp

Trong thời gian tới, cùng với việc triển khai quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ đã được ban hành, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành theo dõi sát tình hình thực tế, dự báo tình hình phát triển kinh tế - xã hội để nghiên cứu, đề xuất trình cấp có thẩm quyền các giải pháp áp dụng cho năm 2024 gắn với công tác xây dựng, giao dự toán ngân sách nhà nước hàng năm để bảo đảm khả năng cân đối của ngân sách nhà nước cũng như để các địa phương chủ động trong việc thực hiện dự toán cân đối ngân sách địa phương.

Cụ thể, trước mắt sẽ khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả chính sách giảm (2%) thuế suất thuế GTGT như đã áp dụng năm 2023 đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 10% theo Nghị quyết số 110/2023/QH15 ngày 29/11/2023 về Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV và Nghị định số 94/2023/NĐ-CP ngày 28/12/2023 của Chính phủ quy định chi tiết chính sách giảm 2% thuế suất thuế GTGT nêu trên để nhanh chóng đưa giải pháp này đi vào cuộc sống, đến ngay với các đối tượng gặp khó khăn cần hỗ trợ. Dự kiến thực hiện giải pháp này số tiền thuế được giảm khoảng 25 nghìn tỷ đồng.

Ngày 18/12/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp và thông qua Nghị quyết về mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trong năm 2024, theo đó tiếp tục thực hiện mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trong năm 2024 như Nghị quyết số 30/2022/UBTVQH15 ngày 30/12/2022. Dự kiến thực hiện Nghị quyết này sẽ giảm thu ngân sách nhà nước năm 2024 khoảng 42,5 nghìn tỷ đồng.

Ngoài ra, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 63/2023/TT-BTC ngày 16/10/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của một số Thông tư quy định về phí, lệ phí của Bộ Tài chính nhằm khuyến khích sử dụng dịch vụ công trực tuyến (có hiệu lực từ 01/12/2023 và áp dụng đến hết năm 2025). Với mức giảm phí, lệ phí từ 10% đến 50%, dự kiến thực hiện chính sách này sẽ hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khoảng 100 tỷ đồng/năm.

Đồng thời, Bộ Tài chính đã và đang chủ động, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát mức thuế suất thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh trong nước.

Đối với kiến nghị liên quan đến việc cắt giảm các loại phí, lệ phí không hợp lý, Bộ Tài chính đề nghị cử tri kiến nghị với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ về các khoản phí, lệ phí không hợp lý cần bãi bỏ để các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tổng hợp và đề xuất sửa đổi, bổ sung Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí.

Đối với giá xăng dầu, Bộ Tài chính cho biết, Nhà nước thực hiện quản lý giá xăng dầu theo cơ chế thị trường; tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh theo quy định của pháp luật. Cơ chế điều chỉnh giá xăng dầu trong nước hiện nay được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 80/2023/NĐ-CP ngày 17/11/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01/11/2021 và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu với nguyên tắc cơ bản là: “Giá bán xăng dầu được thực hiện theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước”. Hiện nay, Bộ Công Thương được giao chủ trì điều hành giá bán xăng dầu, Bộ Tài chính là cơ quan phối hợp.

Trong quá trình điều hành giá, khi giá xăng dầu tăng cao hoặc việc tăng giá ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính áp dụng các biện pháp bình ổn giá thông qua các công cụ tài chính và Quỹ bình ổn giá xăng dầu nhằm góp phần ổn định giá hoặc không để giá tăng quá cao, gây tác động bất lợi đến phát triển kinh tế - xã hội, mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội.

Thùy Linh