Đại biểu Quốc hội đánh giá cao chính sách tài khóa hỗ trợ nền kinh tế

“Tiềm lực tài chính quốc gia ngày càng vững mạnh”

Theo đại biểu ốc hội Trần Văn Lâm - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, vượt qua sóng gió, Bộ Tài chính đã điều hành chính sách tài khóa - ngân sách một cách chủ động. linh hoạt, tài tình khi vừa hỗ trợ được cho doanh nghiệp, vừa đảm bảo nguồn thu ngân sách, kéo giảm bội chi và nợ công… góp phần làm cho tiềm lực tài chính quốc gia ngày càng vững mạnh.

Kinh tế Việt Nam đã có những mốc tăng trưởng ấn tượng thời gian qua.

Hơn nửa nhiệm kỳ đã qua là chừng đó thời gian đất nước ta phải đối mặt và vượt qua nhiều sóng gió, thách thức và đang sẵn sàng bước vào giai đoạn phát triển mới. Làm nên kết quả đó, có sự đóng góp rất quan trọng chính sách tài khóa.

Chính sách tài khóa tiên phong và đóng góp tối đa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội

Bộ trưởng ộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định, trong điều hành, Bộ Tài chính sẽ bám sát Nghị quyết 13 của Đảng, lãnh đạo ngành Tài chính quốc gia phục vụ phát triển ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển kinh tế - xã hội bền vững, đi tiên phong và đóng góp tối đa các mục tiêu triển khai phát triển kinh tế- xã hội.

Thời gian tới, tiếp tục điều hành chính sách tài chính - NSNN theo hướng tập trung ưu tiên hoàn thiện thể chế chính sách tài chính - ngân sách; đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường công tác hiện đại hóa, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm nhận định, chưa bao giờ đất nước ta có được nền tảng tài chính quốc gia vững mạnh như hiện nay. Trong 4 năm qua (2020 - 2023), gói hỗ trợ về tài khóa lên tới khoảng 700 nghìn tỷ đồng, giúp doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế sớm phục hồi và tăng trưởng.

“Trong hoàn cảnh khó khăn, dịch bệnh, các kế hoạch tài chính, ngân sách trung hạn và hàng năm đều được triển khai thực hiện đạt và vượt kế hoạch; đảm bảo các nhu cầu chi định kỳ và đột xuất; bội chi thấp hơn dự toán; nợ công, nợ chính phủ nằm trong giới hạn an toàn; dư địa cho chính sách tài khóa được triển khai tích cực, hiệu quả…” - đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm nhấn mạnh.

Trả lời phỏng vấn TBTCVN, một số đại biểu Quốc hội đánh giá cao nỗ lực điều hành của Bộ Tài chính thời gian qua. Các đại biểu cùng chung nhận định: Chính sách tài khóa thời gian qua góp phần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân cho rằng, trong 3 năm khó khăn khi nước ta phải đối phó với đại dịch Covid-19, nhưng thu ngân sách không giảm, nợ công lại kéo giảm rất ngoạn mục. Nợ công và nợ Chính phủ bảo lãnh vẫn ở mức bền vững, ổn định quanh khoảng 36% GDP trong năm 2023, trước khi giảm xuống khoảng 34,4% vào năm 2025, thấp hơn nhiều so với ngưỡng 60% được Quốc hội đề ra và vẫn ở mức bền vững.

Cũng theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, các khoản vay được cơ cấu lại với chi phí thấp, kỳ hạn dài. Việt Nam được đánh giá là một trong số quốc gia nợ công giảm. Đây là yếu tố quan trọng và là dư địa thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.

Chính sách tài khóa phải thận trọng hơn

Còn nhớ vào cuối năm ngoái, khi trả lời phỏng vấn báo chí, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, toàn ngành Tài chính đã nỗ lực phấn đấu để hoàn thành nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước để góp phần đóng góp vào thành tựu chung của cả nước. Trong năm 2023, Chính phủ đã giảm thuế và miễn giảm tiền thuê đất cho người dân và doanh nghiệp khoảng 200 nghìn tỷ đồng; tuy nhiên, ngân sách vẫn đảm bảo tiến độ và đạt được kế hoạch đề ra.

Hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi là mục tiêu ưu tiên của chính sách tài khóa.

“Điều này thể hiện việc quản lý, điều hành chính sách tài khóa của Chính phủ một cách linh hoạt, mở rộng. Đồng thời, tăng các khoản chi, như chi đầu tư xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng, chi phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19...” - người đứng đầu ngành Tài chính nói.

Trong bối cảnh phải triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng, Bộ Tài chính đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Thu NSNN trong những tháng gần đây có hiện tượng suy giảm. Điều đáng lo ngại hơn là trong thời gian tới, các giải pháp về chính sách giảm thuế được ban hành với quy mô lớn sẽ ảnh hưởng đến tiến độ thu ngân sách.

Để đảm bảo mục tiêu thu NSNN, Bộ Tài chính đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp như trong ngắn hạn, tăng cường quản lý thu NSNN, chống thất thu, trốn thuế, đặc biệt là nguồn thu từ các hoạt động thương mại điện tử, hoạt động kinh tế phát sinh từ nền kinh tế số, nguồn thu từ tài sản, kinh doanh bất động sản…

Về lâu dài, trong công tác quản lý thu, tập trung triển khai hiệu quả Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030, đẩy mạnh hiện đại hóa công tác quản lý thuế gắn với cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, tạo thuận lợi cho người nộp thuế. Tiếp tục triển khai điện tử hóa, số hóa các khâu trong công tác quản lý thuế...

Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên TBTCVN, một số đại biểu Quốc hội đồng tình cho rằng, về dài hạn, các chính sách phải xây dựng trên nguyên tắc can thiệp có mục tiêu, không thực hiện các chính sách hỗ trợ hay can thiệp đại trà. Chính sách cần xác định rõ thời kỳ áp dụng để bảo đảm tính linh hoạt, nghĩa là có lộ trình cụ thể.

Về lâu dài, các gói hỗ trợ tài khóa cũng cần phải tính toán thận trọng hơn. Bởi trên thực tế, các chính sách tài khóa đưa ra một loạt các giải pháp nhất là về thuế, phí, lệ phí đã trực tiếp đi vào cuộc sống, doanh nghiệp cũng như người dân được thụ hưởng, thì về lâu dài cần cân nhắc để tránh ảnh hưởng tới các mục tiêu về cân đối ngân sách.

Các chính sách vĩ mô phải “chia lửa” với chính sách tài khóa

Theo một số chuyên gia kinh tế, những năm qua, chính sách tài khóa đã tỏ rõ vai trò của mình trong hỗ trợ nền kinh tế, người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên các chính sách khác vẫn còn mờ nhạt. Các chính sách vĩ mô khác cũng phải “chia lửa” với chính sách tài khóa, bởi hiện nay doanh nghiệp vẫn khó khăn về vốn, về thủ tục, đầu tư…

Nền kinh tế cũng rất cần nguồn vốn từ khu vực tư nhân, đặc biệt là nguồn vốn được chuyển tải thông qua thị trường tiền tệ và thị trường vốn. Do vậy, các chính sách và công cụ của thị trường tiền tệ, và thị trường vốn sẽ có vai trò hết sức quan trọng trong những năm tới đây. Nguồn vốn đầu tư từ NSNN hay chi tiêu chính phủ không thể thay thế được và không nên thay thế khu vực tư nhân. Nền kinh tế sẽ phát triển bền vững, với cấu trúc chắc chắn, bền vững hơn nếu như có sự cân bằng giữa các trụ cột như chi tiêu của Chính phủ, đầu tư tư nhân, tiêu dùng của người dân và xuất nhập khẩu.

Về dài hạn, tiếp tục nghiên cứu, mở rộng cơ sở thuế trên cơ sở rà soát tổng thể hệ thống chính sách thuế để sửa đổi, bổ sung các khoản thuế còn chưa phù hợp; tăng thuế suất đối với các hàng hóa, dịch vụ mà Nhà nước không khuyến khích sản xuất, tiêu dùng; rà soát, loại bỏ những ưu đãi thuế không còn phù hợp…

Minh Anh