Dán giấy miễn tiếp bêu ảnh khách 'cà phê nâu lắc' lên mạng, coi chừng phạm pháp

Cộng đồng mạng xuất hiện video một phụ nữ vào quán gọi ly "cà phê nâu lắc" yêu cầu không đường. Sau đó, nhân viên đã mang một ly cà phê đen và sữa ra phục vụ. Lúc này người phụ nữ khẳng định sẽ không trả tiền.

Sự việc nữ khách hàng gọi "cà phê nâu lắc" gây xôn xao mạng xã hội. (Ảnh chụp màn hình clip MXH).

Tưởng chừng sự việc sẽ dừng lại ở đó nhưng một quán cà phê đã in hình khách dán trước cửa miễn tiếp và video quay người phụ nữ tại quán cũng được đưa lên mạng xã hội.

Chỉ ít ngày sau khi đoạn clip gốc hơn 14 triệu lượt xem được lan truyền, nhiều cư dân mạng nhanh chóng phát hiện nữ khách hàng trong vụ "cà phê nâu lắc có vị ngọt" thực chất là một diễn viên, bà từng xuất hiện vài giây ngắn ngủi trong một bộ phim của Đài truyền hình Việt Nam.

Điều này khiến nhiều người đặt ra nghi vấn drama này chỉ là dàn dựng, chiêu trò nhằm quảng bá cho quán cà phê.

Tuy nhiên về góc độ pháp luật, nhiều người đặt ra câu hỏi, hành vi quay video khách đưa lên mạng xã hội và dán hình người khác từ chối không tiếp khi tới quán có thể bị coi là hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm hay không?

Trao đổi với chúng tôi, Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư TP.Hà Nội, cho biết việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý, điều này đã được cụ thể hóa tại Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Người có hành vi tự ý chụp ảnh, quay và sử dụng hình ảnh mà không có sự đồng ý của người khác nếu xâm phạm đến nhân phẩm, danh dự của người đó thì được coi là hành vi vi phạm pháp luật”

Do đó, về góc độ pháp lý, hành vi đăng tải hình ảnh của khách hàng lên mạng xã hội và dán ảnh của họ ngoài cửa quán cà phê khi chưa được sự đồng ý của họ là hành vi xâm phạm hình ảnh cá nhân và được coi là vi phạm pháp luật.

Vì vậy, tùy theo tính chất, mức độ của hành vi, người vi phạm có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Dán giấy miễn tiếp và bêu hình ảnh khách hàng lên mạng xã hội coi chừng vi phạm pháp luật. (Ảnh chụp màn hình clip MXH).

Theo điểm e khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, sửa đổi bởi Nghị định 14/2022/NĐ - CP, người có hành vi sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng.

Trường hợp, nếu xác định hành vi đăng ảnh người khác lên MXH khi chưa được sự cho phép của người đó nhằm mục đích xúc phạm danh dự, nhân phẩm thì người thực hiện hành vi đăng tải có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm nhục người khác theo Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017.

Theo đó, người phạm tội có thể đối diện với mức phạt thấp nhất là phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm và cao nhất có thể lên đến 5 năm tù.

Ngoài ra, người vi phạm có thể bị áp dụng biện pháp xử phạt bổ sung cấm đảm nhiệm chức vụ, hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư TP.Hà Nội.

Bên cạnh đó, hành vi đăng ảnh người khác lên MXH có thể phải bồi thường thiệt hại do xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác theo Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015, bao gồm:Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; thiệt hại khác do luật quy định.

Ngoài các chi phí trên, người có hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác còn phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu.

Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Luật sư trao đổi thêm, theo khoản 2 Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015 đã quy định về việc sử dụng hình ảnh trong trường hợp sau đây không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ: Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng; Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.

Tùng Nguyễn