Danh tiếng ngành sushi băng chuyền Nhật rơi vào nguy cơ sau hàng loạt bê bối

Ngành công nghiệp sushi băng chuyền giá bình dân của Nhật Bản đã gây tranh cãi trong tháng này sau vụ bắt giữ một giám đốc điều hành hàng đầu trong ngành. Động thái này đang gia tăng sức ép lên các doanh nghiệp giá rẻ do lạm phát tăng và đồng yên yếu.

Nhiều vụ bê bối trong ngành sushi băng chuyền Nhật

Ông Kappa Create, giám đốc điều hành chuỗi cửa hàng sushi lớn thứ 4 Nhật Bản Kappa Sushi, đã bị cảnh sát Tokyo bắt giữ vì nghi ngờ lấy cắp dữ liệu hoạt động từ đối thủ cạnh tranh Hama Sushi, nơi ông từng làm việc.

Cảnh sát cũng yêu cầu các công tố viên điều tra Kappa Create vì tình nghi vi phạm pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh.

Dữ liệu bị nghi ngờ lấy cắp bao gồm danh sách chi phí cho thực đơn và dữ liệu nhà cung cấp - thông tin quan trọng đối với bất kỳ chuỗi nhà hàng nào.

Ngành sushi băng chuyền Nhật đang đối mặt với hàng loạt khó khăn. Ảnh: Nikkei.

Theo các tờ báo địa phương, cảnh sát không tiết lộ liệu ông Kappa Create thừa nhận hay bác bỏ các cáo buộc chống lại mình hay không, nhưng ông Kappa Create đã tuyên bố từ chức vào ngày 3/10 và nói rằng công ty sẽ "tăng cường giáo dục" cho các giám đốc và nhân viên về tuân thủ các quy định.

"Chúng tôi sẽ nỗ lực ngăn chặn những vụ việc tương tự để lấy lại niềm tin từ xã hội", Tsuyoshi Yamakado, tân chủ tịch của Kappa, cũng cam kết trong một cuộc họp báo.

Vụ bê bối của Kappa không phải là lần đầu tiên một chuỗi cửa hàng sushi lớn bị cáo buộc vi phạm quy định làm ăn trong ngành này.

Vào tháng 6, Sushiro, chuỗi cửa hàng sushi lớn nhất Nhật Bản với khoảng 600 cửa hàng, đã bị Cơ quan phụ trách các vấn đề của người tiêu dùng khiển trách vì quảng cáo món sushi nhím biển đặc biệt theo mùa – món họ không còn để bán vào thời điểm đó.

Theo công ty mẹ của Sushiro, Food & Life Companies, món sushi được đề cập "đã bán được nhiều hơn dự kiến và dẫn đến tình trạng khan hiếm hàng." Công ty này cũng cho biết họ "thiếu kiến thức về luật" liên quan tới quảng bá các sản phẩm và dịch vụ. Cơ quan này đã ra lệnh cho Sushiro không được tái phạm.

Seiichiro Samejima, nhà phân tích chính tại Viện nghiên cứu Ichiyoshi ở Tokyo, nói rằng các công ty nhỏ lẻ có thể không quá mạnh trong việc quản trị và đặc biệt là trong một ngành thiếu người dẫn đầu. Chuyên gia này dự đoán rằng còn nhiều "vụ bê bối vẫn có thể sẽ bị phanh phui".

Tình thế ngày càng khó khăn

Lịch sử phát triển của ngành sushi kiểu băng chuyền, hay kaiten-zushi, bắt nguồn từ những năm 1950. Từ nhà hàng đầu tiên ở Osaka vào năm 1958, cách làm này đã gây ấn tượng mạnh với thị giác khi các món sushi chất lượng cao di chuyển dọc theo băng chuyền trải dài xung quanh nhà hàng.

Không giống như các nhà hàng cao cấp, phong cách sushi bình dân này, với giá khởi điểm từ 100 yên (0,70 USD) cho một hoặc hai miếng, khiến món sushi trở nên dễ tiếp cận hơn. Sau sự sụp đổ của bong bóng kinh tế vào đầu những năm 1990, món ăn này trở nên phổ biến trong thời kỳ giảm phát.

Từ đó, các chuỗi cửa hàng sushi đã phát triển đáng kể trong thập kỷ qua với thực đơn ngày càng trở nên phù hợp với gia đình khi có thêm mì ramen và món tráng miệng với giá từ 300 đến 400 yên. Cách làm này đã thúc đẩy mức chi tiêu trung bình của khách hàng.

Ngay cả trong thời kỳ đại dịch COVID-19, các chuỗi cửa hàng sushi này vẫn hoạt động tốt nhờ dịch vụ mang đi và giao hàng tận nơi. Theo báo cáo của công ty nghiên cứu Teikoku Databank, thị trường này đã tăng trưởng khoảng 60% trong giai đoạn 2011- 2021, đạt 740 tỷ yên (5,1 tỷ USD).

Tuy nhiên, sự tăng trưởng nhanh chóng của ngành công nghiệp này gần đây đã dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt giữa bốn chuỗi hàng đầu: Sushiro, Kura Sushi, Hama Sushi và Kappa Sushi.

Nhiều nhà khai thác đang chuyển trọng tâm từ các vùng ngoại ô đến các địa điểm đô thị, chẳng hạn như các ga tàu lớn, để nắm bắt nhu cầu từ nhân viên văn phòng và khách du lịch. Một số công ty đã mở rộng ra thị trường quốc tế như Singapore, Đài Loan và Thái Lan. Kura Sushi có kế hoạch mở rộng hơn gấp bốn lần số cửa hàng của mình ở Mỹ và châu Á, lên đến 400 cửa hàng vào năm 2030.

Thêm vào môi trường cạnh tranh khốc liệt là chi phí thủy sản và hậu cần ngày càng tăng, đặc biệt là sau khi bùng nổ cuộc xung đột Nga - Ukraine vào tháng Hai. Các biện pháp trừng phạt kinh tế của Nhật Bản đối với Nga bao gồm lệnh cấm nhập khẩu một số loại hải sản khiến giá cả cao hơn.

Đồng yên yếu, hiện đang dao động ở mức thấp nhất trong 24 năm so với đồng đô la Mỹ, cũng là một vấn đề đối với các doanh nghiệp sushi băng chuyền. Ngành công nghiệp này được biết đến với chi phí đầu vào cao, có thể lên tới 50% doanh thu khi họ phải cung cấp lớp phủ sushi cao cấp với giá cả phải chăng.

Trong khi đó, khi cá nhập khẩu đắt tiền hơn sẽ khiến lợi nhuận giảm đi. Cả Sushiro và Kura Sushi trong tháng này đã tăng giá loại sushi rẻ nhất của họ, cắt giảm các món 100 yên hàng đầu đã có từ những năm 1980.

Các công ty này đang hy vọng sẽ duy trì đà tăng trưởng bằng cách tăng giá, tuy nhiên, một số người nghi ngờ chiến lược đó.

Một chuyên gia trong ngành cho biết: "Phần lớn khách hàng của các nhà hàng sushi giá bình dân đều là các gia đình địa phương nhạy cảm về giá cả. Vì vậy, có thể đặt ra câu hỏi rằng liệu một đợt tăng giá đồng đều có mang lại thành công hay không".

An Bình