Đấu thầu vàng, vàng miếng SJC khó xuống dưới 82 triệu đồng/lượng

Căng thẳng Trung Đông vẫn tác động mạnh đến á vàng thế giới

Theo ân hàng Nhà nước (NHNN), trong phiên đấu thầu ngày mai 24/4, tổng khối lượng vàng miếng dự kiến đấu thầu là 16.800 lượng vàng.

Thời gian tổ chức đấu thầu vàng miếng vào lúc 10 giờ sáng ngày 22/4. Ảnh minh họa

Loại vàng bán ra là vàng miếng do NHNN tổ chức sản xuất. NHNN nêu rõ, tỷ lệ đặt cọc khi tham gia đấu thầu là 10%, giá tham chiếu để tính giá trị đặt cọc là 81,8 triệu đồng/lượng. Bên cạnh đó, khối lượng đấu thầu tối thiểu một thành viên được phép đặt thầu chính là khối lượng đặt thầu dự kiến của mỗi thành viên.

Khối lượng đấu thầu tối thiểu một thành viên được phép đặt thầu là 14 lô, tương đương 1.400 lượng, khối lượng tối đa là 20 lô, tương đương 2.000 lượng. Bước giá dự thầu là 10.000 đồng/lượng.

NHNN cũng quy định mỗi thành viên dự thầu chỉ được đăng ký một mức giá tối thiểu bằng hoặc cao hơn giá sàn do NHNN công bố. Thời gian tổ chức đấu thầu vào lúc 10 giờ sáng ngày 22/4.

Việc đấu thầu vàng của NHNN được đưa ra trong bối cảnh giá vàng thế giới gần đây liên tục phá đỉnh, kéo theo đà tăng trong nước. Mỗi lượng vàng miếng SJC giao dịch quanh ngưỡng 84-85 triệu đồng, tăng gần 15% so với đầu năm.

Diễn biến giá vàng trong nước, đầu tuần, giá vàng các thương hiệu được điều chỉnh tăng mạnh vượt 84 triệu đồng/lượng. Vào giữa tuần, giá kim loại này tăng, giảm mạnh nhưng vẫn giữ quanh mốc 84 triệu đồng/lượng.

Đóng cửa phiên cuối tuần, vàng miếng được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC mua vào 82 triệu đồng/lượng và bán ra 84 triệu đồng/lượng. Tương tự, vàng nhẫn cuối tuần được SJC mua vào 74,8 triệu đồng/lượng và bán ra 76,7 triệu đồng/lượng.

Giá vàng trong nước đã điều chỉnh giảm khi NHNN chủ động thông tin kế hoạch đấu thầu vàng miếng, dù vậy biên độ tăng vẫn gấp đôi giá vàng thế giới.

Trên thị trường thế giới, căng thẳng ở Trung Đông tiếp tục tạo động lực đẩy giá vàng tăng trong tuần này. Kết thúc tuần, giá vàng đứng ở mức 2.391,2 USD/ounce, tăng khoảng 40 USD so với cuối tuần trước.

Cả tuần này, giá vàng thế giới tăng 2,2%, đánh dấu tuần tăng thứ 5 liên tiếp. Động lực cho xu hướng tăng giá của vàng là nhu cầu mua vàng phòng ngừa rủi ro địa chính trị và việc các ngân hàng trung ương duy trì mua ròng kim loại quý này cho dự trữ quốc gia.

Quy đổi theo tỷ giá niêm yết tại ngân hàng, giá vàng thế giới tương đương 73,47 triệu đồng/lượng. So với giá vàng thế giới quy đổi, giá bán vàng miếng SJC đang cao hơn 10,53 triệu đồng/lượng, giá vàng nhẫn cao hơn 3,23 - 3,88 triệu đồng/lượng.

Vàng chỉ giảm trong ngắn hạn

Ông Huỳnh Trung Khánh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cố vấn Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam cho rằng, số lượng 16.800 lượng vàng miếng SJC được NHNN đưa ra đấu thầu vào đầu tuần tới là khá ổn, nguồn cung sẽ được tăng lên, chắc chắn sẽ kéo giảm mức chênh lệch với giá vàng thế giới.

“Với mức giá tham chiếu sát 81,8 triệu đồng/lượng mà NHNN đưa ra đấu thầu, có thể các đơn vị sẽ bỏ thầu cao hơn giá sàn khoảng 100.000-200.000 đồng, tức khoảng 81,9-82 triệu đồng/lượng. Tùy vào nhu cầu của từng đơn vị họ sẽ đưa mức giá tham dự thầu khác nhau” - ông Khánh dự đoán.

Chuyên gia Trần Duy Phương dự đoán, sau đấu thầu, giá vàng SJC nếu có giảm cũng chỉ về mốc 82 triệu đồng/lượng; không thể thấp hơn giá tham chiếu mà NHNN đưa ra đấu thầu. Trừ trường hợp giá vàng thế giới sụt mạnh một vài trăm USD thì vàng SJC sẽ có giá dưới 80 triệu đồng/lượng” - ông Phương phân tích. Còn với vàng nhẫn 9999, theo nhận định của ông Phương, khi vàng SJC được tăng cung sẽ tác động tới giá vàng nhẫn.

Chuyên gia phân tích thị trường Everett Millman của Công ty Gainesville Coins kỳ vọng, thị trường vàng sẽ tiếp tục biến động mạnh vào tuần tới. Chuyên gia này dự báo, phạm vi hoạt động của vàng trong tuần tới sẽ được mở rộng. Theo Millman, giá vàng sẽ dao động trong khoảng 100 USD theo cả hai hướng. Theo đó, giá vàng có thể tăng lên 2.500 USD/ounce hoặc giảm xuống mức 2.250 USD/ounce hoặc 2.200 USD/ounce.

Các chuyên gia thuộc Sachs mới đây đưa ra dự báo lạc quan về triển vọng giá vàng. Goldman Sachs khẳng định thị trường vàng giờ đã tăng trưởng không ngừng lại được, đồng thời nâng dự báo giá vàng từ mức 2.300USD lên 2.700USD/ounce vào thời điểm cuối năm nay.

“Thị trường vàng đang trong tình trạng quá mua và chắc chắn sẽ cần đến sự điều chỉnh. Tuy nhiên xu thế dài hạn vẫn là tăng giá bởi căng thẳng địa chính trị gia tăng, ngoài ra, bầu cử Mỹ chuẩn bị diễn ra trong tháng 11, nhu cầu mua vàng trú ẩn của nhà đầu tư vẫn tăng” - chuyên gia của Goldman Sachs dự báo.

Ngoài việc biến động theo giá vàng thế giới, giá vàng trong nước còn được thúc đẩy bởi yếu tố cung cầu. Nguồn cung bị hạn chế trong khi cầu vẫn tăng, khiến giá vàng trở nên đắt đỏ. Số lượng gần 17.000 lượng vàng đưa ra đấu thầu là con số khá lớn. Theo các chuyên gia, đấu thầu vàng miếng SJC được kỳ vọng giúp tăng cung vàng, sẽ làm tâm lý thị trường bớt căng, từ đó hành vi mua bán vàng của người dân sẽ thay đổi. Từ đó, giảm cơn sốt giá trong ngắn hạn do biến động trên thị trường thế giới vẫn đang trong xu hướng tăng.

NHNN cho biết, trường hợp không mua được vàng từ thị trường quốc tế do đối tác không đủ cung vàng theo nhu cầu, NHNN quyết định hủy kết quả thầu.

NHNN cho vận hành nghiệp vụ đấu thầu vàng trở lại nhằm tăng tính công khai, minh bạch và tăng nguồn cung vàng trong nền kinh tế Việt Nam để qua đó giảm chênh lệch giữa trong nước và quốc tế cũng như chênh lệch giữa giá vàng SJC với giá vàng của các thương hiệu khác. Nhưng đó chỉ là giải pháp trước mắt. Trong bối cảnh thế giới có quá nhiều biến động, NHNN lẽ ra nên tăng mua vàng dự trữ hơn là đưa vàng ra bán đấu thầu. Giải pháp căn cơ nhất, dài hạn nhất, đúng thông lệ quốc tế nhất là cho phép xuất nhập khẩu vàng tự do và áp dụng chính sách thuế phù hợp. (TS. Lê Xuân Nghĩa - chuyên gia kinh tế)

Thảo Nguyên