Đẩy mạnh công nghệ, đổi mới sáng tạo ngành thủy sản

Sản phẩm cá đù đỏ một nắng trong dự án “Chuỗi giá trị sản phẩm cá đù đỏ một nắng từ nuôi đến chế biến và tiêu thụ” đạt giải Nhì cuộc thi, tham gia triển lãm bên lề hội thảo.

Nhiều khó khăn, thách thức

Phát biểu tại hội thảo, ông Vũ Duyên Hải, Vụ phó Vụ Khai thác Cục Thủy sản đánh giá, ngành thủy sản Bà Rịa-Vũng Tàu nói riêng và cả nước nói chung đang đối mặt nhiều khó khăn, thách thức: phát triển không bền vững, mất cân đối giữa cường lực khai thác và khả năng nguồn lợi thủy sản, hiệu quả sản xuất thấp, sinh kế của ngư dân chậm cải thiện và không ổn định. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường và hệ sinh thái; yêu cầu chủ quyền của các nước trên biển Đông; xu thế gia tăng, lan rộng áp đặt rào cản kỹ thuật (như thẻ vàng EC);…

Tình hình xuất khẩu thủy sản cũng gặp nhiều khó khăn. Xuất khẩu thủy sản cả nước 10 tháng đầu năm đạt gần 7,5 tỷ USD, giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Các mặt hàng xuất khẩu chính (tôm, cá tra, cá ngừ) đều sụt giảm ở các thị trường trọng điểm như: CPTPP, Mỹ, châu Âu, Trung Quốc.

Để ngành thủy sản phát triển phải giải quyết đồng bộ 3 vấn đề: ngư dân-ngư nghiệp-ngư trường. Cấu trúc lại ngành theo hướng chuyển từ khai thác tài nguyên thiếu bền vững sang phát triển kinh tế thủy sản bền vững; cân bằng giữa khai thác, nuôi trồng, bảo tồn dựa trên xây dựng hệ sinh thái ngành hàng gồm có quản lý nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp và cộng đồng ngư dân. Tổ chức lại hoạt động thủy sản theo chuỗi giá trị minh bạch, giao quyền cho cộng đồng ngư dân và xây dựng mô hình đồng quản lý ngư trường, cảng cá, hạ tầng nuôi trồng thủy sản, chợ cá. Đồng thời ứng dụng công nghê cao, giảm chi phí sản xuất, cắt giảm khâu trung gian.

“Riêng Bà Rịa-Vũng Tàu cần tập trung bảo vệ môi trường, hệ sinh thái đặc hữu, cửa sông, san hô, cỏ biển đang là lợi thế của tỉnh. Đồng thời điều chỉnh cơ cấu nghề nghiệp, chuyển đổi sinh kế cho cộng đồng ngư dân và xây dựng hệ thống quản lý nghề cá thông minh”, ông Duyên Hải nói.

Theo Sở NN-PTNT, sản lượng thủy sản khai thác hàng năm của tỉnh khoảng 360 ngàn tấn và nuôi trồng thủy sản với sản lượng hơn 20.000 tấn/năm. Hiện tổng số tàu cá thuộc diện đăng ký quản lý của tỉnh là 4.663 tàu cá, trong đó tàu cá khai thác vùng khơi có 2.773 chiếc, chiếm 59%. Phần lớn các tàu cá được trang bị đồng bộ máy móc tiên tiến, hiện đại như máy tầm ngư, máy định vị, máy đo độ sâu, vô tuyến điện tầm xa... Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh hiện có 54 nhà máy chế biến xuất khẩu đạt tiêu chuẩn ISO, HACCP, Halal… với tổng công suất chế biến trung bình khoảng 250.000 tấn thành phẩm/năm, kim ngạch xuất khẩu khoảng 260 triệu USD/năm đến các thị trường: Trung Quốc, Hoa kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU,…

Giải Nhất cuộc thi Đổi mới sáng tạo ngành thủy sản 2023 thuộc về 2 học sinh lớp 11

Giải Nhất Cuộc thi Đổi mới sáng tạo ngành thủy sản năm 2023 thuộc về hai học sinh lớp 11 Lê Thành Đạt và Phạm Bùi Thanh Sang.

Cuộc thi Đổi mới sáng tạo ngành thủy sản năm 2023 nhận được 39 dự án tham gia với nhiều lĩnh vực khác nhau: công nghệ cho khai thác, chế biến, nuôi trồng thủy sản, công nghệ thông tin, chuyển đối số… Trong đó có cả các giải pháp mới được phát triển trong cuộc thi và các giải pháp đã bắt đầu được đưa ra thị trường.

Cuộc thi có sự tham gia của đông đảo người dân và chuyên gia, DN trong ngành thủy sản với nhiều dự án hay, thiết thực, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điểm đặc biệt năm nay là, giải Nhất đã thuộc về hai thí sinh nhỏ tuổi nhất: Lê Thành Đạt và Phạm Bùi Thanh Sang (học sinh lớp 11 Trường THPT Trần Văn Quan) với dự án “Thiết bị giám sát, điều khiển và cảnh báo nồng độ các khí độc trong hầm cá của tàu, ghe”. Các dự án “Chuỗi giá trị sản phẩm cá đù đỏ một nắng từ nuôi đến chế biến và tiêu thụ”, “Cơ giới hóa công tác xếp dỡ thủy sản tại cảng cá” của Phân viện nghiên cứu hải sản phía Nam đạt 2 giải Nhì.

Phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo

Tại hội nghị, các đại biểu, cơ quan, ban ngành đã góp ý nhiều giải pháp đổi mới sáng tạo, giải pháp về công nghệ để nâng cao giá trị ngành thủy sản trong khai thác hải sản, nuôi trồng thủy sản và chế biến xuất khẩu, như: Ứng dụng hệ thống tời thủy lực cho nghề lưới chụp; đèn LED cho nghề lưới vây, lưới chụp kết hợp ánh sáng dưới nước; hệ thống xếp dỡ hàng từ boong tàu lên cảng cá; công nghệ đá sệt; công nghệ nano UFB trong bảo quản thủy sản; máy làm đá lát từ nước biển; mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trung hòa carbon; giải pháp xử lý nước thải cho cơ sở chế biến thủy sản,…

Theo ông Phạm Quang Nhật, Giám đốc Sở KH-CN, triển khai thực hiện Đề án của Chính phủ về phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển gắn với xây dựng các trung tâm kinh tế biển mạnh, trong đó Bà Rịa-Vũng Tàu là trọng điểm phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển ở vùng Đông Nam Bộ mở rộng với khai thác, nuôi trồng hải sản, dịch vụ nghề cá là một trong các lĩnh vực chính trong chủ trương lớn để phát triển kinh tế biển và ven biển của tỉnh.

Thời gian qua, hoạt động đổi mới sáng tạo trong ngành thủy sản đã được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo quyết liệt, ưu tiên nguồn lực triển khai thực hiện. Đổi mới sáng tạo ứng dụng với các công nghệ tiên tiến-hiện đại trong khai thác, nuôi trồng, bảo quản, chế biến thủy sản giúp nâng cao giá trị sản phẩm thủy sản của doanh nghiệp và quan trọng hơn là bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản cho tương lai.

Đại biểu tham quan mô hình thiết bị xử lý, lọc dầu diesel cho tàu cá của Công ty Hiệp lực phát triển Việt bên lề hội thảo.

Cụ thể Sở đã hỗ trợ nhiều DN ngành thủy sản xây dựng hệ thống xử lý nước thải để sản xuất sạch hơn, hoặc áp dụng các hệ thống quản lý vào sản xuất, ứng dụng các đề tài, nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm vào DN. Với chương trình hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tỉnh đã hỗ trợ hơn 300 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 100 DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, 5 tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp.

Bên cạnh đó, từ năm 2020, Sở KH-CN phối hợp Cục Thủy sản, Sở NN-PTNT và các đơn vị liên quan tổ chức thường niên Cuộc thi Đổi mới sáng tạo ngành thủy sản Bà Rịa-Vũng Tàu để tìm kiếm, phát triển các giải pháp công nghệ, đổi mới sáng tạo hướng tới nâng cao giá trị, giải quyết các vấn đề của ngành thủy sản tỉnh. Nhiều giải pháp của cuộc thi đã được ứng dụng hiệu quả vào hoạt động khai thác hải sản của tỉnh như Dự án máy lọc nước biển thành nước ngọt, Dự án Ứng dụng hệ thống mini bù nhiệt cho hầm chứa đá ướp lạnh thủy sản, dự án Thiết bị xử lý dầu Diesel áp dụng cho tàu cá.…

Bài, ảnh: NGUYÊN MINH