Điện Biên lắng nghe tâm tư người lao động tại các doanh nghiệp có tổ chức công đoàn

Đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp tham gia hội nghị, trao đổi ý kiến bảo đảm thực hiện tốt hơn các chính sách dành cho người lao động.

Dự hội nghị, có đại diện lãnh đạo các cơ quan: Bảo hiểm xã hội, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cùng đại diện lãnh đạo, công đoàn của 41 doanh nghiệp.

Thông tin về tổ chức, hoạt động của các cấp công đoàn trên địa bàn tỉnh, bà Lầu Thị Thanh Hương, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động ỉnh Điện Biên, cho biết: Hiện nay Liên đoàn Lao động tỉnh đang quản lý, chỉ đạo 13 công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở với tổng số 943 công đoàn cơ sở, 31.022 đoàn viên. Trong đó, doanh nghiệp nhà nước có 9 công đoàn cơ sở với 500 đoàn viên (chiếm 0,95% số công đoàn cơ sở và 1,6% tổng số đoàn viên công đoàn trong toàn tỉnh); doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước có 32 công đoàn cơ sở với 2.164 đoàn viên (chiếm 3,4% số công đoàn cơ sở và 6,98% tổng số đoàn viên công đoàn trong toàn tỉnh).

Ông Tẩn Minh Long, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh phát biểu tại hội nghị.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; sự hỗ trợ kịp thời của Liên đoàn Lao động tỉnh, hoạt động của công đoàn các cấp trong toàn tỉnh thời gian qua được đảm bảo, hỗ trợ kịp thời đoàn viên công đoàn. Việc làm, đời sống của đoàn viên, người lao động trong các tổ chức công đoàn tương đối ổn định; nhiều doanh nghiệp đã quan tâm chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho người lao động; quan tâm đầu tư trang thiết bị, môi trường làm việc bảo đảm an toàn, thuận lợi, các chế độ chính sách cho người lao động được đảm bảo. Thu nhập bình quân khối hành chính sự nghiệp đạt 6.050.000 đồng/người/tháng; khối sản xuất kinh doanh đạt 5.200.000 đồng/người/tháng.

Đánh giá cao hoạt động của tổ chức công đoàn trong các doanh nghiệp đã luôn quan tâm, thực hiện tương đối kịp thời các chế độ, chính sách cho người lao động, tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Bảo hiểm xã hội tỉnh Điện Biên cũng lưu ý một số doanh nghiệp cần cập nhật thường xuyên các quy định mới về chính sách bảo hiểm, mức đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động; trong trường hợp doanh nghiệp gặp sự cố ảnh hưởng khách quan mà chậm đóng bảo hiểm cho người lao động thì cần kịp thời thông tin đến bảo hiểm xã hội để được hướng dẫn thực hiện các thủ tục bảo đảm quyền lợi cho người lao động.

Đại diện công đoàn Tập đoàn Mường Thanh trao đổi kinh nghiệm thực hiện các hoạt động chăm lo đoàn viên, người lao động gắn với mục tiêu phát triển của tập đoàn.

Cảm ơn sự đồng hành của các doanh nghiệp, các công đoàn cơ sở thuộc doanh nghiệp đã luôn đồng hành cùng Liên đoàn Lao động tỉnh quan tâm, thực hiện các chính sách cho người lao động, ông Tẩn Minh Long, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cũng chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp trong thời gian qua đã chịu ảnh hưởng nặng nề dịch bệnh Covid-19, biến động giá cả thị trường... làm một số doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm cho người lao động. Song với sự hỗ trợ kịp thời của cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh thì cơ bản các chế độ, chính sách, quyền lợi của các doanh nghiệp đã được bảo đảm.

Đồng chí Tẩn Minh Long mong muốn, thời gian tới, các doanh nghiệp, lãnh đạo doanh nghiệp khác tiếp tục dành nhiều hơn sự quan tâm đến thành lập tổ chức công đoàn, kết nạp đoàn viên là người lao động, bảo đảm đúng quyền lợi cho đoàn viên người lao động.