Diễn biến mới về đề xuất điều tra chống bán phá giá HRC Trung Quốc của Tập đoàn Hòa Phát (HPG)

Tập thể 12 doanh nghiệp tôn mà và ống thép Việt Nam đã có các lập luận bác bỏ tư cách nguyên đơn của Tập đoàn Hòa Phát.

Tập thể 12 doanh nghiệp tôn mạ và ống thép Việt Nam có tổng sản lượng sản xuất chiếm 85% thị phần ngành tôn mạ trong nước đã làm đơn bác bỏ tư cách nguyên đơn của Tập đoàn òa Phát trong việc nộp đơn đề nghị khởi xướng điều tra và áp thuế chống bán phá giá thép cán nóng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Theo đó, 12 doanh nghiệp tôn mạ và ống thép Việt Nam gồm: Công ty Cổ phần ập đoàn Hoa Sen (mã cổ phiếu HSG), Công ty Cổ phần Thép Nam Kim (mã cổ phiếu NKG), Công ty Cổ phần Tôn Đông Á (mã cổ phiếu GDA), Công ty Cổ phần Thép TVP, Công ty Tôn Phương Nam, Công ty Cổ phần Tôn Pomina, Công ty Cổ phần Sản xuất Thép Vina One, Công ty Cổ phần Sản xuất Kinh doanh Thép Việt Nhật, Công ty Cổ phần Kim khí Nam Hưng, Công ty Cổ phần Thép Bình Dương, Công ty TNHH Sản xuất Lê Phan Gia Bình Dương, Công ty Cổ phần Thép Việt Thành Long An, đã tiếp tục gửi công văn lên Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương, Cục Phòng vệ thương mại, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Hiệp hội Thép Việt Nam.

Nội dung công văn khẳng định Tập đoàn Hòa Phát hoặc một trong số các công ty con của Tập đoàn Hòa Phát (mã cổ phiếu HPG) không đủ tư cách pháp lý để nộp đơn đề nghị khởi xướng điều tra và áp thuế chống bán phá giá đối với thép cán nóng (HRC) nhập khẩu từ Quốc.

Cụ thể, các doanh nghiệp trên đã trích dẫn dữ liệu Hải quan, có 5 công ty con của Tập đoàn Hòa Phát nhập khẩu HRC từ Trung Quốc trong giai đoạn từ ngày 1/1/2019 đến ngày 29/2/2024. Trong đó, lượng nhập khẩu năm ngoái đạt 305.000 tấn, gấp nhiều lần so với năm 2022.

Dữ liệu Hải quan nhập khẩu cho thấy, 5 công ty con của Tập đoàn Hòa Phát nhập khẩu các mác thép HRC từ Trung Quốc, mà các mác thép HRC này hoàn toàn nằm trong năng lực sản xuất của Tập đoàn Hòa Phát, cũng như Tập đoàn Hòa Phát đang bán các mác thép HRC này tại cả thị trường nội địa và xuất khẩu.

“Như vậy, Tập đoàn Hòa Phát có sản xuất và bán nội địa, xuất khẩu các mác thép HRC mà các công ty con của Tập đoàn Hòa Phát nhập khẩu từ Trung Quốc trong giai đoạn từ ngày 1/1/2019 - 29/2/2024. Tập đoàn Hòa Phát, các công ty con của Tập đoàn Hòa Phát đang làm đồng thời 5 việc: Nhập khẩu HRC từ Trung Quốc; nộp đơn đề nghị điều tra chống bán phá giá chính sản phẩm HRC mà các công ty con của Tập đoàn Hòa Phát đang nhập khẩu từ Trung Quốc; sản xuất HRC mà các công ty con của Tập đoàn Hòa Phát đang nhập khẩu từ Trung Quốc; bán HRC tại thị trường nội địa; bán HRC tại thị trường xuất khẩu", công văn của tập thể 12 doanh nghiệp tôn mạ nêu rõ.

Theo các doanh nghiệp, trong bối cảnh cung HRC nội địa đang chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu HRC của toàn Việt Nam, thì rõ ràng có sự tự xung đột giữa 5 việc Tập đoàn Hòa Phát và các công ty con của Tập đoàn Hòa Phát đang thực hiện nêu trên.

"Nói cách khác, hành động nộp đơn đề nghị khởi xướng điều tra chống bán phá giá HRC nhập khẩu từ Trung Quốc chỉ hướng đến mục đích duy nhất là làm tăng giá nhập khẩu HRC từ Trung Quốc vào Việt Nam, từ đó tăng vị thế thống lĩnh thị trường để tăng giá bán HRC nội địa, dẫn đến tối đa hóa lợi nhuận cho Tập đoàn Hòa Phát và các công ty con của Tập đoàn Hòa Phát, không phải để bảo vệ cho ngành sản xuất HRC nội địa, bất chấp các tác động nghiêm trọng đến các doanh nghiệp tôn mạ và ống thép Việt Nam nói riêng và các ngành nghề khác nói chung, đặc biệt là ngành nông lâm thủy hải sản trước nguy cơ bị Trung Quốc trả đũa thương mại và những hệ lụy tiêu cực có thể xảy ra cho nền kinh tế Việt Nam”, đại diện tập thể 12 doanh nghiệp tôn mạ nhấn mạnh.

Đáng chú ý, tập thể 12 doanh nghiệp tôn mạ và ống thép Việt Nam cho rằng, Tập đoàn Hòa Phát hoặc một trong số các công ty con không đủ điều kiện làm nguyên đơn trong việc nộp đơn đề nghị khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với HRC nhập khẩu từ Trung Quốc.

Các doanh nghiệp dẫn quy định của Luật Quản lý Ngoại Thương số 05/2017/QH14 khẳng định Tập đoàn Hòa Phát hoặc một trong số các công ty con của Tập đoàn Hòa Phát không đủ tư cách đại diện cho ngành sản xuất trong nước với hai trường hợp.

Theo đó, trường hợp bên nguyên đơn là công ty mẹ, tức Tập đoàn Hòa Phát, 5 công ty con của Tập đoàn Hòa Phát có nhập khẩu HRC từ Trung Quốc trong giai đoạn từ ngày 1/1/2019 - 29/2/2024. Tập đoàn Hòa Phát trực tiếp kiểm soát 5 công ty con này với tỷ lệ sở hữu hơn 99,9%.

Do đó, Tập đoàn Hòa Phát không đủ tư cách pháp lý nộp đơn đề nghị khởi xướng điều tra, vì không được xem là nhà sản xuất trong nước theo Mục a, Khoản 1, Điều 5 của Nghị định 10/2018/NĐ-CP: Bên này trực tiếp hoặc gián tiếp kiểm soát bên kia.

Trong trường hợp bên nguyên đơn là một trong số các công ty con của Tập đoàn Hòa Phát thì 5 công ty con của Tập đoàn Hòa Phát có nhập khẩu HRC từ Trung Quốc trong giai đoạn từ ngày 1/1/2019 - 29/2/2024. Bên nguyên đơn là công ty con của Tập đoàn Hòa Phát và 5 công ty con của Tập đoàn Hòa Phát nhập khẩu HRC từ Trung Quốc đều trực tiếp bị kiểm soát bởi công ty mẹ là Tập đoàn Hòa Phát.

Do đó, không có công ty con nào của Tập đoàn Hòa Phát đủ tư cách pháp lý nộp đơn đề nghị khởi xướng điều tra vì không được xem là nhà sản xuất trong nước theo Mục b, Khoản 1, Điều 5 của Nghị định 10/2018/NĐ-CP: Cả hai bên đều trực tiếp hoặc gián tiếp bị kiểm soát bởi một bên thứ ba.

Trước đó, 09 doanh nghiệp tôn mạ, bao gồm Tập đoàn Hoa Sen và Thép Nam Kim đã có công văn gửi đến Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương, Cục Phòng vệ thương mại, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Hiệp hội Thép Việt Nam với lập luận “không có căn cứ pháp lý để đề nghị khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với thép HRC nhập khẩu từ Trung Quốc”.

Đồng thời, phân tích những tác động đến ngành thép Việt Nam nói riêng và toàn bộ nền kinh tế - xã hội Việt Nam nói chung nếu Việt Nam quyết định áp thuế chống bán phá giá đối với thép HRC nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam.

Tại Họp báo Thường kỳ tháng 3/2024, trả lời về vấn đề trên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho rằng, trên thực tế, sẽ có rất nhiều luồng ý kiến thể hiện những quan điểm khác nhau đối với vụ việc.

Căn cứ theo các quy định hiện hành, Bộ Công Thương sẽ thực hiện đầy đủ các quy trình, thủ tục từ khâu tiếp nhận hồ sơ, nghiên cứu hồ sơ, yêu cầu bổ sung hồ sơ, đánh giá tính hợp lệ,... để xem xét nếu đầy đủ thì mới tiến hành khởi xướng điều tra. Quá trình điều tra cũng được triển khai chặt chẽ để đi đến quyết định có hay không áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.

“Như vậy, cần phải có đầy đủ cơ sở khoa học, thực tiễn, các chứng cứ chứng minh cho việc nên hay không nên thực hiện các biện pháp. Trong vụ việc này, Bộ Công Thương hiện vẫn đang xem xét, tiếp tục yêu cầu các bên liên quan cung cấp, bổ sung thêm hồ sơ và chưa đưa ra kết luận cuối cùng là có khởi xướng điều tra hay không.” - Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân thông tin.

Duy Quang