Điều đọng lại trong một bộ phim

Từ ngày 23 đến 25-2, khán giả Nha Trang đã được xem bộ phim “Đào, phở và piano” của đạo diễn Phi Tiến Sơn. Tuy không có cảnh xếp hàng dài để mua vé như những địa phương khác, nhưng sau khi có thông tin phim được chiếu ở rạp Beta Nha Trang (số 10 Hoàng Hoa Thám), gần như vé của 5 suất chiếu mỗi ngày đã nhanh chóng được bán hết.

Bộ phim đáng xem

Điểm đáng chú ý của phim “Đào, phở và piano” trước hết đến từ tên gọi, khi trực tiếp nêu tên những hình ảnh vốn gắn bó với đời sống của người dân Hà Nội. Hệ thống nhân vật cũng không được đặt tên gọi cụ thể mà chỉ chung chung là chàng trai, cô gái, họa sĩ, cậu bé đánh giày, ông bán phở. Nội dung phim xoay quanh câu chuyện chiến đấu của nhân vật nam chính (do ãn Quốc Đam đóng). Dù nhận những sự hoài nghi của đồng đội, nhưng anh vẫn luôn cố gắng chứng minh quyết tâm, lý tưởng, lòng yêu nước của mình. Anh viết đơn tình nguyện vào đội cảm tử quân; xung phong ra ngoại ô để lấy vũ khí về cho đơn vị. Và trong những thời khắc buộc phải lựa chọn giữa tình yêu cá nhân với tình yêu nước, anh đã chọn cách “sống mãi với thủ đô”, chiến đấu với kẻ địch đến hơi thở cuối cùng. Nhìn chung, đây là một bộ phim về đề tài chiến tranh được thể hiện không nặng nề nhưng vẫn làm bật nổi lên tinh thần quả cảm, tình yêu nước thiêng liêng của những người dân thủ đô.

Hình ảnh giới thiệu phim “Đào, phở và piano”.

Trong phim có nhiều phân đoạn lãng mạn, trữ tình, những tình tiết hài hước. Nhiều cảnh quay tạo được ấn tượng đối với người xem, như: Hình ảnh bát phở; cảnh đám cưới ở nơi chiến hào; hình ảnh cô gái mặc áo dài trắng ôm bom ba càng lao vào xe tăng địch; người họa sĩ già thắp nến để vẽ tranh trên bức tường… Diễn xuất của các diễn viên tương đối tròn vai; một số câu thoại cũng nhận được sự ưa thích của khán giả. Khách quan nhìn nhận thì đây là một bộ phim đáng xem, dù vẫn còn nhiều sạn.

Kích thích trí tò mò

Trong gần 1 tháng qua, trên mạng xã hội nổi lên "cơn sốt” về phim “Đào, phở và piano”. Đây được xem là hiện tượng lạ đối với một bộ phim đề tài chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, được làm theo đơn đặt hàng của Nhà nước. Cái sự lạ này không đến từ chiến lược truyền thông bài bản của đơn vị sản xuất mà xuất phát từ sự “truyền miệng” của cư dân mạng. Khi bộ phim được đề nghị chiếu rộng rãi cho khán giả cả nước xem thì khán giả ở Nha Trang cũng bắt kịp xu hướng để sở hữu tấm vé đi xem phim nhằm thỏa mãn trí tò mò. Với những khán giả từng xem nhiều phim về đề tài chiến tranh do các hãng phim Nhà nước làm thì nội dung, diễn biến, hình thức nghệ thuật của “Đào, phở và piano” không có nhiều điều ấn tượng. Nhưng điều may mắn của bộ phim là “bỗng dưng” thu hút được giới trẻ, để rồi có được một vị trí nhất định trong lòng đối tượng khán giả mà bất cứ nhà làm phim nào cũng mong muốn hướng tới.

Ngồi trong rạp phim, với rất nhiều khán giả học sinh, sinh viên tự nguyện bỏ tiền mua vé đi xem, chúng tôi thỉnh thoảng được nghe những câu hỏi đại loại như: Bom ba càng là loại bom gì? Sao lại có thể đi xuyên nhà này qua nhà khác như thế? Cảm tử quân thuộc lực lượng nào?... Và trả lời cho những câu hỏi trên đều chung một đáp án: Search Google xem. Vậy mới thấy, cái được trước hết từ sức hút của“Đào, phở và piano” chính là đã tạo nên sự tò mò của khán giả về lịch sử đất nước, cụ thể là lịch sử về kháng chiến chống thực dân Pháp của người dân Hà Nội. Từ sự tò mò đó, các bạn trẻ hôm nay đã đi tìm hiểu những thông tin về giai đoạn lịch sử đó của đất nước, để biết về một thời quân dân Hà Nội vùng đứng lên, biết về phong thái, cốt cách của người Hà Nội khi đánh giặc ngoại xâm rất mãnh liệt, anh dũng, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh nhưng vẫn có nét hào hoa, lãng mạn, lạc quan của những con người đất kinh kỳ. Hình ảnh nhân vật nam chính vượt qua súng đạn, hiểm nguy để mang cho được cành đào về cắm nơi chiến lũy; hay hình ảnh bát phở bò được kỳ công nấu đúng chuẩn vị Hà Nội; rồi việc cô gái lặn lội từ vùng tản cư về lại ngôi nhà của mình chỉ để tìm cây đàn piano; người họa sĩ già dành hết bút lực, cảm xúc để vẽ nên tác phẩm để đời về cuộc kháng chiến…, tất cả cho thấy tình yêu nước, trách nhiệm của người dân thủ đô với cuộc kháng chiến của dân tộc. Nhưng dù trong hoàn cảnh ác liệt nhất, mỗi người dân Hà Nội đều thể hiện được tâm hồn, chất nghệ sĩ của riêng mình.

Lâu nay, có rất nhiều dự án phim về lịch sử, văn hóa đất nước, dân tộc do các hãng phim Nhà nước làm từ nguồn kinh phí ngân sách, nhưng để thực sự thu hút khán giả, có sức sống trong lòng khán giả thì lại có quá ít phim làm được. Thậm chí, có những phim được đầu tư lớn, chất lượng nghệ thuật, nội dung tư tưởng rất tốt và năm nào cũng chiếu đi, chiếu lại trên nhiều kênh khác nhau nhưng vẫn không được khán giả quan tâm nhiều. Qua hiện tượng của phim “Đào, phở và piano”, nên chăng những người làm phim nhà nước cần nhìn nhận lại cách đưa những tác phẩm điện ảnh như thế này đến công chúng, để từ đó thực sự hoàn thành tốt nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục, phổ biến lịch sử, văn hóa đất nước, dân tộc.

Bộ phim “Đào, phở và piano” do Công ty Cổ phần Phim truyện 1 sản xuất theo đơn đặt hàng của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Phim lấy bối cảnh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân dân thủ đô hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến vào tháng 12-1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bên cạnh những diễn viên gạo cội như: ần Lực, Trung Hiếu, Anh Tuấn, Nguyệt Hằng…, phim có sự tham gia của những diễn viên trẻ tài năng như: Doãn Quốc Đam, Cao Thị Thùy Linh... và ca sĩ Tuấn Hưng.

GIANG ĐÌNH