Doanh nghiệp bất động sản phải tự chịu trách nhiệm với tiền 'đọng' trong đất

Doanh nghiệp vay vốn để phát triển dự án thì tổ chức tín dụng phải kiểm soát để dòng vốn tín dụng được sử dụng đúng mục đích. Ảnh:TL

PV: Doanh nghiệp bất động sản hiện vẫn đang rất khó khăn về vốn, trong khi vốn ngân hàng lại đang ở trạng thái khá dồi dào nhưng vẫn không cho vay được, quan điểm của ông về tình trạng này như thế nào?

Ông Nguyễn Quốc Hùng: Theo tôi, các doanh nghiệp bất động sản trước hết cần tự xem xét lại những quyết định của mình khi bỏ tiền đầu tư vào đất nông nghiệp, hoặc khu vực đất đai chưa được phê duyệt, chưa được quy hoạch. Việc này không thể đẩy hết trách nhiệm cho chính quyền, cũng như bắt ngân hàng phải gánh trách nhiệm chung.

Hiện nay, dòng tiền “đọng” rất nhiều ở đất đai không đủ thủ tục pháp lý và theo phản ảnh của các doanh nghiệp bất động sản thì có tới hơn 70% là những khó khăn liên quan đến các vấn đề pháp lý. Thủ tục pháp lý không đầy đủ, dự án không hoàn thiện được, thậm chí nhà xây rồi nhưng giấy tờ pháp lý chưa đủ thì cũng không đủ điều kiện để bán cho người dân. Với những dự án như vậy, ngân hàng có bơm vốn vào thì cũng không hiệu quả.

Ngân hàng sẵn sàng dành vốn cho những dự án thực, nhu cầu thực, có đầy đủ pháp lý, có hiệu quả cho xã hội. Thực tế cho thấy, có những ngân hàng sẵn sàng cho vay dự án bất động sản với lãi suất thấp hơn gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng, nhưng không cho vay được vì thủ tục pháp lý của dự án chưa đầy đủ.

PV: Doanh nghiệp bất động sản có phản ánh một số vướng mắc về quy định các trường hợp ngân hàng không được cho vay, hoặc những quy định buộc phải phong tỏa các khoản đặt cọc, bảo lãnh… Việc này có làm hạn chế quyền tự do kinh doanh và đầu tư của doanh nghiệp và người dân không?

Ông Nguyễn Quốc Hùng: Pháp luật không cấm cá nhân và tổ chức góp vốn vào các hoạt động kinh doanh của các cá nhân và tổ chức khác, vốn đó nếu là vốn tự có của tổ chức cá nhân thì họ góp vốn bao nhiêu, đầu tư vào đâu cũng được. Tuy nhiên, vốn đó nếu là vốn vay ngân hàng thì họ phải tuân thủ theo quy định pháp luật về hoạt động của tổ chức tín dụng và quy định nội bộ của ngân hàng.

Bởi lẽ, nguyên tắc cho vay của tổ chức tín dụng là khách hàng phải sử dụng vốn đúng mục đích và vốn vay phải chịu sự kiểm tra trước, trong và sau khi cho vay. Khi ngân hàng cho khách hàng vay với mục đích góp vốn vào bên thứ 3 để kinh doanh thì phải kiểm soát được vốn vay, nhưng thực tế cho thấy một số trường hợp nếu cho vay bên góp vốn là bên thứ 3 thì ngân hàng không thể đến kiểm tra vốn vay (trừ trường hợp có thỏa thuận 3 bên cho phép ngân hàng kiểm tra sổ sách chứng từ liên quan).

PV: Tuy nhiên, dự án nào cũng đều phải trải qua mọi giai đoạn: Từ khi sơ khai rồi mới dần hoàn thiện thủ tục, giấy tờ pháp lý… do đó cũng phải có giải pháp nào đó để có thể có vốn cho dự án ban đầu rồi sau đó mới dần hoàn thiện hồ sơ giấy tờ pháp lý, thưa ông?

Ông Nguyễn Quốc Hùng: Nhiều doanh nghiệp rất “ưa chuộng” loại cho vay qua bên góp vốn nhưng thủ tục pháp lý chưa hoàn thiện, việc này có thể tránh được việc kiểm soát dòng tiền… Tôi cho rằng, doanh nghiệp đầu tư dự án lớn cần có vốn lớn để đầu tư, mong muốn của các cá nhân, tổ chức góp vốn thực hiện dự án cũng là thực tiễn trong hoạt động kinh doanh.

Tuy nhiên, doanh nghiệp vay vốn để phát triển dự án thì tổ chức tín dụng phải kiểm soát để dòng vốn tín dụng được sử dụng đúng mục đích, đúng dự án đã được phê duyệt cho vay, tránh trường hợp chủ đầu tư sử dụng vốn sai mục đích, chẳng hạn như có thể họ lại mang tiền đi mua đất chưa hoàn thiện giấy tờ pháp lý ở chỗ khác.

Theo đó để có vốn cho dự án, ngân hàng có thể tham gia như một bên góp vốn bằng hình thức đồng tài trợ để các ngân hàng cùng thẩm định, cùng giải ngân, cùng kiểm soát vốn vay. Nếu làm được như vậy, dự án sẽ không bao giờ thiếu vốn và triển khai rất nhanh gọn.

PV: Xin cảm ơn ông!

Cần phát huy vai trò phối hợp giữa hiệp hội ngành nghề

Ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết, để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp bất động sản vượt qua khó khăn, ngoài các giải pháp mà Chính phủ đưa ra, cần phát huy vai trò các hiệp hội ngành nghề, để khi gặp khó khăn, các tổ chức này sẽ thay mặt các doanh nghiệp làm việc với nhau để tìm cách tháo gỡ, tìm tiếng nói chung

Chí Tín