Doanh nghiệp mong được giãn nợ

Lãi suất cao, doanh nghiệp ngừng kế hoạch đầu tư

Những kỳ vọng vào sự phục hồi của ngành du lịch từng khiến bà Hoàng Thám Hoa, chủ một doanh nghiệp kinh doanh vận tải du lịch, khấp khởi sẽ nhanh chóng lấy lại chi phí đầu tư bỏ ra trong năm 2022 để tái khởi động sau thời gian kiệt quệ vì dịch bệnh. Tuy nhiên, thực tế “còn khó khăn hơn cả khi Covid, đặc biệt từ đầu năm 2023”, bà Hoa thở dài.

Các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn do lãi suất tăng cao, đơn hàng sụt giảm... Ảnh ITN

Khó khăn đó trước hết bởi chính sách về cơ cấu nợ, giãn thời hạn trả nợ, hoãn thời gian nộp một số loại thuế không còn hiệu lực. Bên cạnh đó, sự phục hồi của khách du lịch không được như kỳ vọng khiến doanh thu chưa thể bù đắp chi phí. Chưa kể, lãi suất ngân hàng không ngừng tăng cao. Nhiều đối tác không thể tiếp cận vốn khiến doanh nghiệp của bà Hoa rất khó khăn trong thu nợ. Khó khăn đang chồng chất với doanh nghiệp này.

“Năm nay khó khăn hơn cả lúc Covid” cũng là cảm nhận của Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean Phạm Văn Việt. Lúc dịch bệnh, doanh nghiệp chỉ khó khăn về đầu vào do Trung Quốc đóng cửa làm ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn cung nguyên phụ liệu thì nay khó khăn cả đầu vào lẫn đầu ra.

Hiện, doanh nghiệp của ông Việt có nhu cầu vay vốn để đầu tư 5 dây chuyền sản xuất mới, mỗi dây chuyền khoảng 5 triệu USD nhằm nâng cao chất lượng và giảm giá thành sản phẩm. Tuy nhiên, do lãi suất ngân hàng quá cao, “chúng tôi tạm dừng kế hoạch đầu tư này”. Ở phía đầu ra, đơn hàng đầu năm nay dù đã cải thiện hơn so với 6 tháng cuối năm ngoái, nhưng vẫn giảm 20% và dự báo khó khăn sẽ kéo dài hết quý II tới. Do đó, Việt Thắng Jean đang cố gắng để làm chuẩn định mức tồn kho tối thiểu; ngày sản xuất rút ngắn 50%, trong đó có lưu kho; hạn chế đầu tư; phát triển thêm các thị trường…

Khó khăn của doanh nghiệp thể hiện rõ trong số liệu Tổng cục Thống kê vừa công bố. Hai tháng qua, cả nước có 37.900 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, giảm 11,2% so với cùng kỳ năm trước trong khi số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cao hơn nhiều với 51.400 doanh nghiệp, tăng 14,5%.

Với vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định khó khăn, thách thức “ngày càng tăng”. Đó là thị trường xuất khẩu suy giảm; thị trường và doanh nghiệp bất động sản gặp nhiều khó khăn; rủi ro trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng… đã và đang tác động trực tiếp, rõ nét hơn đến hoạt động sản xuất - kinh doanh; thị trường tài chính, tiền tệ, lao động, việc làm trong nước. Trong khi đó, những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp dù rất được mong chờ, song thực tế triển khai rất chậm, khó tiếp cận, như gói hỗ trợ lãi suất 2%...

Tránh dồn toàn bộ nghĩa vụ nộp thuế dịp cuối năm

Trong khó khăn, cộng đồng doanh nghiệp đang rất trông mong vào chính sách của Nhà nước, trong đó có gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất trong năm 2023. Chính sách này đã được thực hiện trong 3 năm qua và mang lại nhiều tác động tích cực với nền kinh tế. “Khoản tiền thuế và tiền thuê đất được chậm nộp này có tác dụng như một khoản cho vay ngắn hạn giá rẻ của Nhà nước dành cho doanh nghiệp”, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhìn nhận.

Tuy nhiên, theo VCCI, thực tế triển khai chính sách hỗ trợ này cho thấy, việc dồn toàn bộ nghĩa vụ nộp thuế vào dịp cuối năm, tập trung vào tháng 12 gây nhiều khó khăn về dòng tiền cho doanh nghiệp. Thông thường, đây là dịp các doanh nghiệp cần nhiều vốn lưu động ngắn hạn để chuẩn bị cho các đơn hàng dịp tết và thưởng tết cho người lao động. Các ngân hàng thương mại cũng không muốn cho vay các khoản ngắn hạn vắt từ cuối năm này sang đầu năm sau, và yêu cầu khách hàng phải đáo hạn khoản vay trước ngày 31.12 hàng năm, do đây là thời điểm ngân hàng phải tuân thủ quy định về giới hạn tăng trưởng tín dụng. Bởi vậy, thời điểm 31.12 biến thành một nút thắt cổ chai về dòng vốn ngắn hạn của cả nền kinh tế, khi mà cầu về vốn lưu động thì cao nhưng cung lại thấp.

Theo dự thảo về gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất trong năm 2023, Bộ Tài chính vẫn quy định thời điểm cuối cùng phải nộp thuế là 31.12.2023. Tuy nhiên, theo VCCI, Bộ nên nghiên cứu và báo cáo Chính phủ, Quốc hội để có giải pháp cho vấn đề này. Khoản tiền thuế này không mất đi, các doanh nghiệp vẫn có nghĩa vụ nộp đầy đủ vào ngân sách nhà nước. Việc lùi thời hạn nộp thuế chỉ có ý nghĩa giúp điều hòa dòng tiền cho nền kinh tế, tránh tình trạng mất cân đối giữa các thời điểm trong năm.

Cùng với gia hạn các khoản thuế và tiền thuê đất, các doanh nghiệp rất trông chờ việc hạ lãi suất ngân hàng, đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước xem xét cho phép giãn nợ và giữ nguyên nhóm nợ đến hết năm nay để giảm bớt áp lực tài chính cho doanh nghiệp. “Ngân hàng cần rút ngắn chênh lệch lãi suất giữa vay và cho vay xuống chừng 2,5 - 3% thay vì hiện ở mức 4 - 5% là quá cao. Các chính sách hỗ trợ cần áp dụng cho hết năm 2023. Bởi trong lúc dòng tiền đang rất kẹt mà bắt doanh nghiệp phải trả nhiều khoản, lãi suất lại tăng thì không doanh nghiệp nào chịu nổi”, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean Phạm Văn Việt mong muốn.

Đan Thanh