Doanh nghiệp sản xuất 'sáng đèn' xuyên Tết

Tín hiệu vui từ các doanh nghiệp

Dịp tết cổ truyền năm nay, người lao động tại các doanh nghiệp được nghỉ 7 ngày theo quy định. Tuy nhiên, với một số doanh nghiệp như lọc dầu, điện, xi măng, sản xuất gạch ceramic, chế biến ... vẫn “đỏ lửa” rộn rã ngày đêm xuyên kỳ nghỉ Tết.

Giữ cho lửa lò luôn cháy, điển hình như Công ty CP Gang thép Thái Nguyên với hàng loạt nhà máy trực thuộc là Cán thép Thái Nguyên, Cán thép Lưu Xá… vẫn sản xuất bình thường trong suốt dịp Tết Nguyên đán. Theo đó, tại Nhà máy Cán thép Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên), không khí làm việc diễn ra nhộn nhịp. Từng mẻ thép thành phẩm được tập kết và bốc lên xe để xuất xưởng phục vụ thị trường. Mặc dù vậy, lãnh đạo và công nhân tại nhà máy vẫn hăng say lao động trong cả kỳ nghỉ.

Tại các khu công nghiệp của tỉnh Bắc Giang, có 27 doanh nghiệp tại 6 khu công nghiệp với tổng số gần 5.500 lao động làm việc xuyên Tết. Ảnh: Nam Khánh.

Thống kê cho thấy, tại các khu công nghiệp của tỉnh Bắc Giang, có 27 doanh nghiệp tại 6 khu công nghiệp với tổng số gần 5.500 lao động, trong đó có 395 lao động là người nước ngoài làm việc trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn. Thời gian từ ngày 9/2 đến hết ngày 14/2 (tức từ ngày 30 tháng Chạp đến hết mùng 5 Tết).

Trong khi đó, theo Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa), trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn có 10 doanh nghiệp với hơn 1.000 lao động tham gia hoạt động xuyên tết, phục vụ sản xuất, kinh doanh như: Công ty TNHH Điện Nghi Sơn 2 (150 lao động), Công ty TNHH Lionas MeTals (158 lao động), Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (200 lao động), Công ty Xi măng Nghi Sơn (250 lao động), Công ty CP Dịch vụ kỹ thuật PTSC Thanh Hóa (90 lao động), Công ty Nhiệt điện Nghi Sơn (250 lao động)...

Hay như Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn vẫn có gần 200 nhân sự vận hành trực tiếp ngày đêm trên công trường, không quản khó khăn, vất vả, miệt mài với nhiệm vụ duy trì và giữ gìn cho nhà máy vận hành liên tục, ổn định và an toàn.

Lãnh đạo Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn cho biết, không những duy trì hoạt động ổn định và liên tục trong dịp Tết Nguyên đán mà đơn vị còn điều chỉnh tăng công suất lên 120% so với thiết kế để hỗ trợ đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước. Với công suất hiện tại, mỗi ngày nhà máy đang cung cấp ra thị trường hơn 30.000 m3 sản phẩm xăng, dầu các loại.

Với Nhà máy Lọc dầu Dung Quất - Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) cũng đang vận hành ở mức 112% công suất thiết kế. Theo kế hoạch, trong tháng 2/2024, BSR sẽ sản xuất khoảng 618.000 tấn sản phẩm các loại, đáp ứng nhu cầu của thị trường tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn. Với tinh thần quyết tâm nỗ lực sản xuất xuyên Tết, lãnh đạo, Công đoàn Công ty đã trực tiếp kiểm tra tình hình sản xuất, động viên, chúc Tết người lao động BSR đang ứng trực, làm việc trong dịp Tết Giáp Thìn đem đến không khí phấn khởi và mong cầu may mắn ngay từ những ngày đầu năm...

Hoạt động sản xuất công nghiệp ghi nhận tăng trưởng rõ rệt

Theo Bộ Công Thương, hoạt động sản xuất công nghiệp đã ghi nhận sự tăng trưởng trở lại vào đầu năm 2024 khi những dấu hiệu ban đầu cho thấy nhu cầu cải thiện giúp số lượng đơn đặt hàng mới và sản lượng tăng trở lại. Cụ thể, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 01/2024 đạt mức 50,3 điểm, tăng so với mức 48,9 điểm của tháng 12/2023.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 01/2024 tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước (tăng 18,3%) và tăng trên diện rộng (60/63 địa phương có chỉ số IIP tăng). Đặc biệt, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 19,3%, dần lấy lại vai trò dẫn dắt phát triển công nghiệp.

Kết quả tích cực này tiếp nối đà phục hồi sản xuất từ quý IV/2023 nhờ các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ, các chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ trong giải ngân vốn đầu tư công, triển khai các dự án công nghiệp trọng điểm, kết quả thu hút, giải ngân vốn FDI năm 2023 giúp tăng năng lực sản xuất trong nước và sự phục hồi của thị trường thế giới.

Ngoài ra, Tết Nguyên đán vào tháng 2 cũng giúp sản xuất công nghiệp trong tháng 01/2024 đỡ bị ảnh hưởng như năm 2023 (tháng 01/2023 là tháng có Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán diễn ra trọn trong tháng nên số ngày làm việc ít hơn đã ảnh hưởng đến các chỉ số phát triển công nghiệp).

Bộ Công Thương cho biết thêm, chỉ số sản xuất tháng 01/2024 của hầu hết ngành trọng điểm cấp II tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao ở mức hai chữ số như: Sản xuất chế biến thực phẩm tăng 17,2%; sản xuất thuốc lá tăng 34,7%; dệt tăng 46,2%; sản xuất trang phục tăng 20,9%; sản xuất thiết bị điện tăng 43,3%; sản xuất giường tủ bàn ghế tăng 66,7%; sản xuất xe có động cơ tăng 24%...

Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực tháng 01/2024 đều tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó một số sản phẩm tăng cao ở mức hai chữ số như: Khí hóa lỏng LPG tăng 16,8%; xăng dầu các loại tăng 25,8%; thép cán tăng 59,6%; ô tô tăng 14,6%; xe máy tăng 18,6%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 57%; quần áo mặc thường tăng 25,8%; giầy dép da tăng 13,6%; phân NPK tăng 40,7%...

Năm 2023, mặc dù gặp nhiều khó khăn, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đã nỗ lực vượt thách thức để duy trì hoạt động, ổn định việc làm và thu nhập cho người lao động. Đồng thời là động lực cơ bản cho việc hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội.

Trong những ngày đầu năm mới, những tín hiệu vui đã về khi một số đơn hàng sản xuất quay trở lại, hoạt động sản xuất vẫn rộn rã ngày đêm xuyên kỳ nghỉ Tết kỳ vọng cộng đồng doanh nghiệp sản xuất công nghiệp sẽ đón nhận một năm khởi sắc, rực rỡ!

Duy Anh