Doanh nghiệp tư nhân 'muốn lớn' phải duy trì năng lực nội sinh

TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)

Là người đầu tiên tham luận tại Diễn đàn kinh tế - xã hội Việt Nam 2023 đầu tuần này, với bài trình bày dài 15 phút, PGS. TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã nêu nghịch lý: "Doanh nghiệp tư nhân là lực lượng rất giỏi chống chịu, sống dai nhưng chậm lớn, khó trưởng thành. Tuổi thọ doanh nghiệp thấp, tôi tin rằng thấp hơn nhiều so với trung bình thế giới".

Vị chuyên gia này dẫn chứng, tuổi thọ của doanh nghiệp có thể nhìn thấy qua số liệu doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Theo đó, có 2/3 số doanh nghiệp thành lập mới dừng hoạt động sau 1 năm.

Đáp lại ý kiến này, bà Lê Hồng Thủy Tiên, Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG), nói rất trăn trở trước ý kiến cho rằng doanh nghiệp Việt giỏi chống chịu, sống dai nhưng chậm lớn, khó trưởng thành. Theo bà Tiên, không phải doanh nghiệp muốn chậm lớn.

"Ngoài những doanh nghiệp dùng thuốc tăng trọng lớn nhanh, hay các doanh nghiệp "chết yểu", vẫn còn nhiều doanh nghiệp chân chính, đầu tư tìm tòi, học hỏi để lớn và trưởng thành một cách vững chắc nhưng còn vướng cơ chế, thiếu chính sách mang tính chiến lược bền vững", đại diện IPPG nói.

Thực tế, đây không phải là vấn đề mới, nhưng lại là nỗi day dứt bấy lâu của các nhà hoạch định chính sách, giới chuyên gia cũng như cộng đồng doanh nghiệp.

Gặp TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) bên hành lang diễn đàn kinh tế - xã hội năm 2023, câu hỏi của Mekong ASEAN về doanh nghiệp tư nhân dường như chạm đến những điều mà vị chuyên gia này luôn tâm niệm. Ông nói, doanh nghiệp tư nhân trong nước yếu thế toàn diện, không chỉ hội nhập yếu, mà yếu cả năng lực cạnh tranh trên chính sân nhà.

Phân tích rõ hơn về thế yếu của doanh nghiệp tư nhân, ông Cung cho biết, nền kinh tế mở nhưng mức độ mở và năng lực hội nhập của doanh nghiệp tư nhân trong nước còn thấp, chưa tận dụng hết cơ hội hội nhập kinh tế quốc tế mang lại để đóng góp cho sự thịnh vượng của quốc gia.

Một mặt, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư nước ngoài, tận dụng sự chuyển dịch dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Mặt khác, doanh nghiệp nội địa cũng phải có nhiều "đại bàng", đủ sức "hợp đàn" với "đại bàng quốc tế", nắm bắt công nghệ cốt lõi, dẫn dắt chuỗi giá trị sản xuất.

Bên cạnh đó, TS. Nguyễn Đình Cung đề cập đến yếu tố tiếp cận nguồn lực. Vấn đề đặt ra với các doanh nghiệp vừa và nhỏ khi huy động vốn tín dụng là tài sản thế chấp. Theo đó, nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng không tiếp cận được nguồn vốn đủ lớn để phát triển. Nghịch lý doanh nghiệp Việt không lớn lên được và không muốn lớn cũng từ đây.

Tạo thuận lợi tối đa để "tiếp sức" cho cộng đồng doanh nghiệp

Câu hỏi đặt ra làm thế nào để có thể huy động được nguồn lực nội sinh của doanh nghiệp?

"Phải khẳng định, kinh tế tư nhân là một khu vực kinh tế không thể thiếu. Kinh tế tư nhân không lớn, kinh tế không thể phát triển; doanh nghiệp tư nhân không hội nhập, đất nước không thể phồn vinh", TS. Nguyễn Đình Cung tâm niệm.

Theo ông, doanh nghiệp Việt đang rơi vào tình trạng hết sức khó khăn. Trong khó khăn khủng hoảng, suy nghĩ đầu tiên của doanh nghiệp là phải tồn tại vượt qua. Để tồn tại thì luôn phải cơ cấu lại sản phẩm, thị trường, quản trị, phải tiết giảm chi phí...

Trong cái khó ló cái khôn, có nhiều doanh nghiệp đã chớp được cơ hội. Tuy nhiên, hơn bao giờ hết, cộng đồng doanh nghiệp cần sự hỗ trợ để vượt qua khó khăn. TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng cần phải tiếp tục giữ vững mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, cải cách cải thiện môi trường kinh doanh và tạo không gian thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp.

Ông nhận định, thiết thực nhất, cấp bách nhất là cắt giảm chi phí như là giảm lãi suất, giảm phí, thuế, miễn phí, miễn thuế giúp doanh nghiệp giảm được một phần chi phí, mặt khác tăng cầu tiêu dùng. Những giải pháp này đều đã và đang được thực hiện, tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, thời gian tới, cần thực hiện một cách nhất quán, đồng bộ, mạnh mẽ và hiệu quả.

"Trong khó khăn, niềm tin vô cùng quan trọng, sự đồng hành của cơ quan chức năng giúp doanh nghiệp tin sau mùa đông, mùa xuân sẽ đến, tin vào cơ hội đầu tư trong tương lai, sang năm, sang năm nữa, kinh tế sẽ sáng lên. Để doanh nghiệp tin được thì nói phải đi đôi với làm, chính sách phải thực thi nhanh chóng", TS. Cung tâm niệm.

Song song đó, theo vị chuyên gia này, cần cải cách môi trường kinh doanh. Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, doanh nghiệp đều cần một thể chế chắc chắn, rõ ràng, minh bạch và có thể dự báo được những thời cơ, thách thức để doanh nghiệp tiên liệu được trong hoạt động của mình, yên tâm đầu tư, mở rộng kinh doanh sản xuất, TS. Nguyễn Đình Cung nêu quan điểm.

Từ góc độ doanh nghiệp, ông đánh giá nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, những nước phát triển đang thay đổi tư duy, củng cố nền tảng và tăng tính tự lực, tự cường để từ đó thay đổi chuỗi cung ứng.

Xu thế mới về tăng trưởng xanh, chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn đang trở thành tiêu chuẩn, quy chuẩn của sản xuất, tiêu dùng. Chính vì thế, để duy trì tăng trưởng xuất khẩu sẽ đòi hỏi các doanh nghiệp trong nước phải thay đổi.

"Không thể tiếp tục dựa trên lợi thế chi phí thấp mà phải đầu tư để có thể đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất và chuyển đổi sản xuất nhanh hơn, tuần hoàn, giảm phát thải.

Song song với đó là phải đa dạng hóa thị trường, tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi tối đa cho xuất khẩu, khuyến khích đổi mới sáng tạo và áp dụng khoa học công nghệ. Đổi mới sáng tạo cũng phải trở thành động lực nội sinh của doanh nghiệp để doanh nghiệp dám lớn, muốn lớn", TS. Cung nhìn nhận.

Bên ngoài không thuận, bên trong phải nỗ lực bội phần

Theo TS. Cung, nguồn lực không được đầu tư vào sản xuất kinh doanh sẽ là nguồn lực "chết". Nhân tài, trí tuệ không được sử dụng vào sản xuất kinh doanh sẽ là nguồn lực "chết". Để phát huy hết nguồn lực và trí lực vào sản xuất kinh doanh cũng như sự phát triển kinh tế, hơn hết cần thể chế, chính sách có sự bổ sung, thay đổi cho phù hợp với thực tế.

Trong thời gian của nhiệm kỳ chỉ còn 2 năm, với các mục tiêu rất cụ thể trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung, phát triển cộng đồng doanh nghiệp nói riêng, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, việc cần làm đầu tiên, cấp bách là hóa giải được tâm lý không muốn lớn, không dám lớn.

Trong bối cảnh bình thường, việc đạt được các mục tiêu trên đã rất khó khăn, trong bối cảnh bên ngoài không thuận, bên trong phải nỗ lực bội phần. Trước mắt, phải làm sống động lại, duy trì năng lực nội sinh của doanh nghiệp Việt Nam, hỗ trợ để họ tồn tại chớp lấy thời cơ, dám nghĩ lớn, dám làm lớn, dẫn dắt sản xuất kinh doanh, tiến sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

TS. Nguyễn Đình Cung

Bối cảnh kinh tế thế giới với nhiều biến động nhanh, khó lường làm gia tăng rủi ro đến thị trường tài chính, tiền tệ, an ninh năng lượng, an ninh lương thực và thương mại toàn cầu. Doanh nghiệp đang phải trải qua một giai đoạn đầy khó khăn.

Nhà điều hành, giới chuyên gia và cả cộng đồng doanh nghiệp có lẽ đã và đang đầy trăn trở về những sách lược phát triển dài hạn, những chương trình hỗ trợ phục hồi cấp bách, nhằm khơi thông động lực tăng trưởng, tạo không gian tăng trưởng thực chất và hiệu quả cho nền kinh tế, để doanh nghiệp tận dụng thời cơ, phục hồi và phát triển.

Trở thành điểm sáng "trong bức tranh xám màu" của kinh tế toàn cầu là thành tựu từ sự cương quyết mà linh hoạt, nhanh chóng mà chắc chắn trong điều hành kinh tế vĩ mô Chính phủ.

Song khó khăn vẫn còn đó, doanh nghiệp đang chờ, những bàn thảo, quyết định của các nhà hoạch định có lẽ phải nhanh hơn nữa, quyết liệt hơn nữa.

Thị trường và cơ hội đang chờ, doanh nghiệp có lẽ phải nỗ lực hơn nữa, dẻo dai hơn nữa, tận dụng tốt các nguồn lực nội sinh hơn nữa.

Bởi như TS. Võ Trí Thành đã nói, có một nguồn lực mà chúng ta dễ bỏ quên, lãng phí, đó là thời gian. Thời gian là chi phí cơ hội, là điều để hôm nay bắt nhịp với ngày mai.

Kiều Chinh