Đổi mới II: Thời cơ vàng không nên bỏ lỡ

Lời giới thiệu:

Hãy so sánh tình thế năm 1986 với ngày nay: Từ chỗ chiếc xe đạp được coi là tài sản quý, đến nay chúng ta đang lo đường phố tắc nghẽn với quá nhiều ô tô, xe máy. Từ chỗ phải nhập hạt mì để phân phối theo khẩu phần, đến nay chúng ta lại lo lắng mỗi khi giá gạo trên thế giới hạ xuống. Ngày nay chúng ta có cả một cộng đồng học sinh Việt Nam ở Đại học Harvard, cũng như các trường hàng đầu trên thế giới. Ngày nay các công ty ở Mỹ hay châu Âu đang phải tìm cách chặn hàng Việt tràn vào chiếm thị trường của họ.

Kể ra những điều này không phải để ngợi ca những thành tích. Nhiều người trong chúng ta chưa vừa ý với tốc độ đổi mới và phát triển, cũng như những bước lùi không mong muốn. Nhưng phải kể ra những điều này để thấy được động lực của Đổi mới II: Đưa đất nước thành công trong hội nhập và thoát khỏi tình trạng nước chậm phát triển. Đổi mới II là gì, thời cơ hay thách thức… tất cả đã được Thạc sĩ Đinh Trọng Thắng, cựu lưu học sinh Boston (Mỹ) từng bước làm rõ trong bài viết đáng chú ý dưới đây.

Bài viết phản ánh quan điểm của riêng cá nhân tác giả.

Công cuộc đổi mới, cải cách và phát triển trong 2 thập kỷ vừa qua có ý nghĩa lịch sử quan trọng. Có nhiều cơ sở để nhận định rằng 20 năm vừa qua là một trong những thời kỳ phát triển kinh tế mạnh mẽ và rực rỡ nhất trong suốt chiều dài lịch sử phát triển 4.000 năm của dân tộc Việt Nam.

Để thấy được tầm vóc lịch sử của quá trình phát triển 20 năm qua, cần ghi nhận nền kinh tế Việt Nam đã hầu như không đạt được sự tăng trưởng kinh tế đáng kể nào trong suốt hàng nghìn năm dưới quan hệ sản xuất phong kiến, sản xuất tự cung tự cấp và đóng cửa khép kín.

Đà tiến của nền kinh tế Việt Nam

Đổi mới đã thực sự là sự đổi đời với rất nhiều người dân Việt Nam. Quan trọng hơn, với 20 năm đổi mới, Việt Nam đã thay đổi hẳn cả phương thức sản xuất, hay nói rộng hơn là thay đổi phương thức phát triển của đất nước. Vị thế phát triển của đất nước được thay đổi căn bản. Như học giả Nguyễn Trung đã nhận định, đất nước đang đứng trước một thời cơ vàng để phát triển.

Trong 20 năm vừa qua, biến chuyển (tiến hoặc lùi) của kinh tế Việt Nam phụ thuộc chủ yếu vào tốc độ và chất lượng của cải cách. Khi nào cải cách được thúc đẩy, nền kinh tế tăng tốc.

Ảnh: Hoàng Hà

Ngược lại, khi cải cách bị trì hoãn, nền kinh tế ì ạch. Trong lịch sử 20 năm đổi mới vừa qua của Việt Nam, hầu như chưa có biện pháp cải cách theo hướng thị trường và hội nhập nào không tạo ra lợi ích cho người dân Việt Nam và nền kinh tế Việt Nam. Chỉ có những biện pháp trốn tránh cải cách, kìm hãm cải cách mới dẫn tới những hậu quả xấu cho nền kinh tế và người dân Việt Nam mà thôi. Những sự trì hoãn cải cách ngày hôm nay sẽ dẫn tới những hậu quả to lớn ngày mai.

20 năm đã quá đủ cho một sự thử nghiệm. Không còn hồ nghi gì nữa, chúng ta có thể kết luận đầy tin tưởng rằng: nền kinh tế thị trường cạnh tranh và hội nhập quốc tế đang và sẽ mang lại sự phồn vinh cho đất nước và người dân Việt Nam. Những thành quả phát triển mà thị trường mang lại là đủ lớn để bù đắp những ảnh hưởng xấu mà nền kinh tế thị trường có thể tạo ra. Nhà nước, xã hội và mỗi người dân cần tin tưởng hơn nữa vào sức mạnh và tính hiệu quả của thị trường cạnh tranh.

Nếu Nhà nước chưa thực sự tin tưởng vào thị trường và doanh nhân, mà xét cho cùng thị trường được cấu thành bởi người dân, thì đó cũng chính là một biểu hiện của việc Nhà nước sự chưa tin tưởng đủ mức vào nhân dân. Luật pháp và các biện pháp quản lý phải được xây dựng dựa trên sự tin tưởng của Nhà nước đối với tính lương thiện, trung thực, và sẵn sàng tuân thủ luật pháp của đa số người dân, trong đó có các doanh nhân.

Mục tiêu đã rõ ràng: cải cách để xây dựng một nền kinh tế thị trường hội nhập quốc tế. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để nhanh chóng đi tới mục tiêu đó.

Do vậy, trong điều kiện hiện nay, để thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển, để giải quyết các nguy cơ tụt hậu của nền kinh tế thì trước hết và quan trọng nhất, Việt Nam không có cách nào khác phải THÚC ĐẨY mạnh mẽ hơn nữa các cải cách cơ cấu và thể chế theo hướng thị trường và hội nhập quốc tế.

Từ tầm nhìn đó, có thể thấy nguy cơ lớn nhất đối với triển vọng phát triển của Việt Nam là cải cách bị kìm hãm hoặc không đủ tốc độ. Và không chỉ còn là nguy cơ, cải cách đã trì trệ và có nhiều khả năng sẽ tiếp tục trì trệ trong những lĩnh vực quan trọng sau đây:

- Cải cách doanh nghiệp nhà nước

- Cải cách cơ chế đầu tư nhà nước và mua sắm công

- Cải cách hệ thống ngân hàng, tài chính

- Cải cách hệ thống thuế

- Cải cách hành chính và nhà nước

Mỗi một sự chậm chạp hoặc ùn tắc trong những hướng cải cách trên đều gây ra những tác hại vô cùng to lớn đối với đà tiến của nền kinh tế Việt Nam.

Đồng thời, tốc độ và chất lượng của cải cách lại phụ thuộc vào tốc độ và chất lượng của sự thay đổi tư duy và nhận thức của xã hội. Thực tế quá trình cải cách kinh tế ở Việt Nam cho thấy những thay đổi về tư duy và quan niệm chính trị có ý nghĩa mở đường dẫn tới những biện pháp cải cách cụ thể. Nói cách khác, cải cách phụ thuộc nhiều vào quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Không có cam kết chính trị đủ mạnh, không có cải cách hữu hiệu.

Đại hội Đảng lần thứ X đang đứng trước một thời cơ lịch sử để phát động một làn sóng đổi mới mới, Đổi mới lần thứ II. Cùng với Đổi mới II, Việt Nam sẽ dấn thân mạnh mẽ hơn vào cải cách và hội nhập, tiến nhanh và vững chắc hơn tới mục tiêu thịnh vượng và trở thành nước công nghiệp hóa vào năm 2020.

Mong mỏi Đại hội Đảng lần thứ X tới đây sẽ đưa ra những cam kết chính trị cương quyết và đột phá, mở đường cho một bước ngoặt lịch sử về cải cách và hội nhập vì lợi ích của toàn dân tộc.

Khi đó, khoảng thời gian 5 năm tới sẽ là thời gian lấy đà và chuẩn bị thật sự tích cực, cả về tư duy, thể chế và kết cấu hạ tầng vật chất. Với một cơ chế kinh tế thị trường cạnh tranh thuần khiết hơn, cùng với sự hoàn thành của nhiều công trình kết cấu hạ tầng chiến lược vào khoảng những năm 2009-2010, thập kỷ 2010-2020 sẽ là giai đoạn bùng nổ của nền kinh tế Việt Nam, đưa đất nước ta hoàn toàn thoát khỏi cảnh nghèo nàn và tụt hậu.

Thời cơ vàng của đất nước không thể bị bỏ lỡ.

Điểm khác biệt của Đổi mới II

Tiếp theo dòng lập luận trên, có thể ủng hộ một kết luận tuy đơn sơ nhưng thuyết phục với nhiều người: càng sớm có kinh tế thị trường, càng sớm hội nhập kinh tế quốc tế, càng sớm có nhiều sự cạnh tranh trên thị trường, thì đời sống của người dân, sức cạnh tranh của nền kinh tế và sức mạnh của đất nước càng nhanh chóng được cải thiện.

Chúng ta chưa hề phải nuối tiếc về một biện pháp cải cách nào khác. Ngược lại, chúng ta có quá nhiều nuối tiếc về những chậm chạp cải cách, những sự bỏ lỡ thời cơ và những hệ quả tai hại lâu dài của chúng.

Do vậy, phương hướng của Đổi mới II (xin giới hạn vấn đề trong lĩnh vực kinh tế) đã rất rõ ràng: thúc đẩy nhanh hơn nữa và mạnh mẽ hơn nữa quá trình cải cách xây dựng nền kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Đổi mới II, thời cơ lớn hơn, khát vọng lớn hơn, nguy cơ cũng lớn hơn, do vậy hành động cụ thể phải nhanh chóng hơn và cương quyết hơn.

Từ tầm nhìn đó, mục tiêu của Đổi mới II là: xây dựng càng sớm càng tốt nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế ở nước ta. Tuy đích đến không hề thay đổi, Đổi mới II sẽ khác biệt với con đường đổi mới và cải cách hiện nay ở tốc độ của cải cách. Không có lý do gì để biện hộ cho việc tiếp tục duy trì tốc độ cải cách chậm chạp, và sau đó tiếc nuối về những thời cơ đã bị bỏ lỡ, như những năm vừa qua. Đổi mới II thực chất là quá trình tăng tốc các biện pháp cải cách cụ thể đã được chỉ ra từ rất lâu nhưng đã và đang được thực hiện chậm chạp, thậm chí ở một số lĩnh vực đang bị trì trệ và có khả năng thụt lùi.

Không quá khó khăn để các nhà kinh tế trong và ngoài nước đề xuất những biện pháp cải cách cụ thể cần được thực hiện trong Đổi mới II. Ngay cả những người dân bình thường cũng có thể nêu ra rất nhiều biện pháp cải cách tuy dễ nhận ra nhưng vô cùng hữu ích, ví dụ như cần đẩy nhanh cải cách hệ thống doanh nghiệp nhà nước; đẩy nhanh quá trình gia nhập WTO; giảm bớt độc quyền nhà nước trong các lĩnh vực như viễn thông, điện lực, giao thông; cải cách hệ thống mua sắm công và đầu tư của Nhà nước để tăng hiệu quả và tránh lãng phí; tăng tính cạnh tranh và sức ép thị trường trên các lĩnh vực y tế, giáo dục v.v…

Có nhiều biện pháp cụ thể dễ được nhất trí như vậy, xoay quanh 4 trục chính: 1- giải điều tiết (deregulation - giảm luật lệ và sự can thiệp trực tiếp của Nhà nước tới doanh nghiệp và thị trường); 2- xã hội hóa nền kinh tế (tăng cường vai trò của khu vực kinh tế tư nhân, Nhà nước giả lại quyền quyết định sản xuất kinh doanh cho người dân, và cải cách khu vực doanh nghiệp Nhà nước); 3- hội nhập quốc tế (mở cửa thương mại và đầu tư, tham gia vào các tổ chức kinh tế quốc tế); 4- minh bạch hóa (cải cách hành chính và quản lý Nhà nước). Định hướng chung của những cải cách này là xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập kinh tế quốc tế. Với hai la bàn thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế, không quá khó khăn để nêu ra các khuyến nghị chính sách cải cách kinh tế cụ thể.

Những đề nghị cải cách như trên là không mới bởi vì đó chính là hướng đi tất yếu của Đổi mới. Hướng đi này đã được Đảng và Nhà nước khẳng định và từng bước thực hiện trong suốt 20 năm nay. Đổi mới II không nằm ngoài đường hướng chung đó. Tuy nhiên, như đã nói, Đổi mới II khác biệt về chất so với quá trình đổi mới hiện nay ở tốc độ thực hiện cải cách. Nói một cách giản lược, mục tiêu của Đổi mới II là tăng tốc mạnh mẽ quá trình cải cách về thể chế và chính sách theo hướng kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế đang diễn ra hiện nay ở đất nước ta.

Hơn nữa, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN không chỉ đơn thuần mang ý nghĩa kinh tế và thương mại, mà còn có ý nghĩa là một lối suy nghĩ khác. Chẳng hạn, các quan hệ kinh tế thị trường trước hết là các quan hệ của các cá nhân, dựa trên động cơ là lợi ích cá nhân và tự do cá nhân, từ đó tạo ra sự dấn thân của mỗi cá nhân để khai phá và sáng tạo về tư duy, thử nghiệm và đổi mới về hoạt động thực tiễn. Động lực cá nhân cần được coi là một động lực cơ bản cho sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Đổi mới II phải chú trọng hơn tới lĩnh vực này.

Như vậy, để thúc đẩy Đổi mới II, vấn đề chủ yếu đặt ra không phải là câu hỏi “đâu là những biện pháp cải cách cần được thực hiện?”, mà rào cản lớn nhất là “làm thế nào để nhanh chóng thực hiện những biện pháp cải cách đó?” Chúng ta đã biết rõ rất nhiều cải cách cần được thực hiện, tuy nhiên chúng ta hoàn toàn chưa chắc chắn về việc làm thế nào để biến những cải cách đó thành thực tế.

Thách thức và trở ngại là khổng lồ. Trong đó thách thức lớn nhất là sự chậm trễ thay đổi tư duy. Như nhà kinh tế học lỗi lạc J. Keynes đã nói đại ý: “Điều khó khăn không phải là học thêm lý thuyết mới, mà khó khăn lớn nhất là làm sao quên đi lý thuyết cũ”. 20 năm là quãng thời gian đủ dài để chúng ta học hỏi được nhiều kiến thức mới về kinh tế thị trường, nhưng chưa đủ để chúng ta quên đi nhiều thói quen cũ và suy nghĩ cũ của thời kỳ kinh tế tập trung bao cấp. Những di sản của thời kỳ kinh tế tập trung quan liêu bao cấp, cả về tư duy và tổ chức vẫn còn khá sâu đậm và không dễ phai nhòa trong bộ máy quản lý Nhà nước cũng như trong tâm lý người dân Việt Nam. Bên cạnh đó, Nhà nước và nhân dân chưa tin tưởng đủ mức vào thị trường cũng như chưa tin tưởng đủ mức lẫn nhau.

Gần đây, đã có nhiều ý kiến phê phán việc Nhà nước chưa tin tưởng đủ mức vào tính lương thiện, trung thực, và sẵn sàng tuân thủ luật pháp của đa số người dân, trong đó có các doanh nhân. Tuy nhiên, cũng cần đặt vấn đề theo chiều ngược lại. Đó là nhiều người dân cũng chưa tin tưởng đủ mức vào tính lương thiện, trung thực, và sẵn sàng tuân thủ luật pháp của Nhà nước[1]. Điều này được nhận xét bởi Đặng Kim Sơn[2] “…Hiện tượng hai cách nói, hai cách viết, hai cách làm, hai nguồn thu nhập… tạo cho con người, tổ chức, địa phương hai cách sống thật và giả. Trên dưới không thật với nhau, cán bộ và quần chúng không thật với nhau, thủ trưởng và nhân viên không thật với nhau, thày giáo và học trò không thật với nhau, bố mẹ với con cái không thật với nhau. Thật giả lẫn lộn, lừa lẫn nhau dẫn đến lừa cả mình và đánh mất lòng tin”.

Trong điều kiện thiếu lòng tin nghiêm trọng như vậy, thật khó có sự nhất trí của xã hội để khởi động Đổi mới II.

Để khởi động Đổi mới II, cần có một sự đột phá của Đảng và Nhà nước, qua đó tạo ra sự nhất trí chung của xã hội, để thúc đẩy cương quyết hơn nữa và mạnh mẽ hơn nữa quá trình cải cách kinh tế. Nhằm thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn thiếu lòng tin giữa các tác nhân trong nền kinh tế, dẫn tới ràng buộc và trì hoãn Đổi mới II, Đảng và Nhà nước cần có vai trò đột phá bằng những tuyên bố và hành động cương quyết và kịp thời thể hiện lòng tin mãnh mẽ đối với cải cách, thị trường và nhân dân. Những vấn đề không còn thật phù hợp với thực tế như “bóc lột”, “vai trò chủ đạo của doanh nghiệp Nhà nước”, “thành phần kinh tế”... cần được bàn luận và giải quyết triệt để tại Đại hội.

Tin tưởng rằng Đại hội Đảng X sắp tới sẽ là một cột mốc đột phá đánh dấu một giai đoạn cải cách và phát triển kinh tế mới, với tốc độ nhanh hơn, chất lượng cao hơn và bền vững hơn, của đất nước. Đó là Đổi mới II.

Đinh Trọng Thắng

---------------------------------------

[1] Dựa theo ý của Vũ Hoàng Linh, Nghiên cứu sinh tiến sĩ kinh tế tại Đại học Minnesota, Hoa Kỳ.

[2] Sách: “Ba cơ chế: Thị trường, Nhà nước, cộng đồng”, tr. 267