Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) quy định thế nào về thị trường điện?

Ngày 4/5 bắt đầu ngày thứ 2 trong hội nghị lấy ý kiến dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi). Hội nghị lần này do Bộ Công Thương tổ chức với tổng cộng 7 chuyên đề được đưa ra lấy ý kiến. Trong ngày hôm qua (3/5) các đại biểu đã lần lượt đi qua 2 chuyên đề: Quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực và Phát triển điện năng lượng tái tạo và điện năng lượng mới.

Ngày 4/5 bắt đầu ngày thứ 2 trong hội nghị lấy ý kiến dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi)

Sáng nay, hội nghị tiếp tục với 3 chuyên đề: Thị trường điện và một số nội dung liên quan đến hoạt động mua bán trên thị trường điện; Giá điện và hợp đồng mua bán điện; Vận hành hệ thống điện, quản lý nhu cầu điện.

Đối với từng chuyên đề, tổ soạn thảo đã trình bày chi tiết với từng quy định trong dự thảo Luật để các đại biểu lắng nghe, góp ý.

6 chính sách lớn trong dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi)
Theo đại diện Cục Điều tiết Điện lực, Luật Điện lực hiện hành đã được sửa đổi, bổ sung nhiều lần sau gần 20 năm triển khai thi hành. Tuy nhiên, trước những thay đổi nhanh chóng của ngành điện và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, việc sửa đổi, bổ sung Luật Điện lực một lần nữa là cần thiết để đáp ứng thực tiễn hoạt động điện lực và sử dụng điện.

Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) bao gồm 9 chương, 94 điều, với nhiều nội dung mới phù hợp với xu hướng phát triển của ngành điện/năng lượng tại Việt Nam.

Dự thảo lần này được xây dựng với 6 chính sách lớn, bao gồm: Quy hoạch, đầu tư phát triển điện lực; phát triển năng lượng tái tạo; thị trường điện; cấp phép hoạt động điện lực; vận hành hệ thống điện; an toàn điện, an toàn đập, hồ chứa thủy điện.

Thị trường điện sẽ vận hành ra sao?
Điều 5 của dự thảo quy định về Chính sách phát triển điện lực của Việt Nam, nhấn mạnh việc phát triển bền vững dựa trên khai thác tối ưu mọi nguồn lực để đáp ứng nhu cầu điện năng phục vụ đời sống nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội. Chính sách này cũng nhấn mạnh việc xây dựng và phát triển thị trường điện lực theo nguyên tắc công khai, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh, có sự điều tiết của Nhà nước.

Nhà nước độc quyền trong việc điều độ hệ thống điện quốc gia, xây dựng và vận hành các nhà máy điện lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và vận hành lưới điện truyền tải.

Chính sách cũng khuyến khích áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong hoạt động điện lực, sử dụng điện nhằm tiết kiệm, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn năng lượng, bảo vệ môi trường.

Đối với vùng nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo, chính sách ưu tiên phát triển điện, thu hút mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng điện lực, đẩy nhanh quá trình điện khí hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được sử dụng điện để sản xuất và phục vụ đời sống.

Một số hình ảnh tại hội nghị:

Ông Trịnh Văn Yên - Công ty TNHH MTV Thí nghiệm Điện miền Bắc góp ý ý kiến liên quan đến Điều 79 kiểm định thiết bị điện, trong kiểm định an toàn điện

Ông Nguyễn Khắc Văn - Đại diện Sở Công Thương Hà Nội góp ý về việc bổ sung quy định về bảo vệ hành lang tubin điện gió cả trên biển và đất liền. Cây trồng trong hành lang an toàn phải đảm bảo khoảng cách. Cấm tiến hành công việc trong hành lang, trường hợp cần thực hiện phải có giấy phép. Bổ sung quy định về quy trình, trình tự thủ tục kiểm tra đảm bảo an toàn điện.

Ông Đào Minh Hải - Hội Bảo vệ người tiêu dùng đề nghị dự thảo về bảo vệ công trình điện và an toàn điện nên có các quy định mô tả chi tiết, giải thích rõ hơn, xác định rõ các hành vi và đối tượng cụ thể.

Ông Vũ Ngọc Dương – Phòng Thị trường điện trình bày mục 1 thuộc chương 5 với các nội dung về thị trường điện cạnh tranh.

Ông Hồ Sỹ Quang – chuyên viên Phòng Giá điện và Phí (Cục Điều tiết điện lực) trình bày Mục 2 chương 5, mua bán điện và dịch vụ cung cấp điện với 14 điều.

PGS.TS Nguyễn Thường Lạng – Trường Đại học Kinh tế Quốc dân góp ý về Điều 60, sửa các thuật ngữ để thống nhất về phân loại vùng theo như các luật hiện hành.

Ông Chu Văn Tiến - Hội Điện lực Việt Nam góp ý tổ soạn thảo nên quy định cho tình huống “ngừng thị trường” khi xảy ra biến cố lớn, quy định thẩm quyền có nên ngừng hay không ngừng thị trường.

Ông Trần Viết Nguyên - Tập đoàn Điện lực Việt Nam góp ý về Điều 64 quy định về quản lý nhu cầu điện, tiết kiệm điện.

Bà Trần Hồng Việt - Đại diện Lãnh sứ quán Đan Mạnh ý kiến về việc nên có sự bao trùm, bao quát, nhận diện các vấn đề có thể phát sinh trong thời gian tới. Ví dụ như các cấp độ phát triển thị trường điện, nên có quy định về thị trường cung cấp dịch vụ phụ trợ vì điều này có thể ảnh hưởng đến thị trường giá điện trong tương lai.

Bà Phạm Thùy Dung – Đại diện Tập đoàn Samsung, kiến nghị ban soạn thảo bổ sung quy định liên quan đến Điều 41 quy định về Quyền và nghĩa vụ của đối tượng tham gia thị trường điện cạnh tranh.

Ông Nguyễn Quang Thành – Tổng công ty Điện lực miền Bắc, góp ý ý kiến về điều 57 liên quan đến chính sách giá điện; Điều 13 về đầu tư xây dựng các dự án điện lực; Điều 15 về việc đầu tư phát triển điện ở nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo. Bổ sung quy định về an toàn điện gió, điện mặt trời.

Ông Dương Mạnh Cường – Công ty GIZ Việt Nam góp ý về Điều 38 liên quan đến quy định về các đối tượng tham gia thị trường điện cạnh tranh theo các cấp độ.

Ông Khương Thế Anh – Giám đốc Công ty Thủy điện Sơn La, góp ý về Điều 50 Quyền và nghĩa vụ của đơn vị phát điện.

Ông Ngô Sơn Hải – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN tham gia ý kiến về mục 2 mua bán điện và dịch vụ cung cấp điện

Ông Đỗ Sơn Hà – Công ty APC góp ý ý kiến liên quan đến mục Giấy phép hoạt động điện lực

Ông Vũ Quang Đăng - Đại diện Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) phát biểu tại hội nghị. Ông Đóng góp một số ý kiến liên quan đến Điều 75 Hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp.

Kết thúc phiên hội nghị buổi sáng, ông Nguyễn Thế Hữu – Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực ghi nhận ý kiến đóng góp của các đại biểu và cho biết xem xét trong quá trình chỉnh sửa bản dự thảo sắp tới.

Thế Duy