Phát triển du lịch trở thành sinh kế cho người dân địa phương ở Hà Nam

Đời sống nhiều người dân ở khu vực Chùa Địa Tạng Phi Lai được cải thiện khi di tích nơi đây phát triển thu hút du khách thập phương đến tham quan ngắm cảnh.

Sinh kế được tạo điều kiện để phát triển

Với thế mạnh phát triển du lịch tâm linh của mình, tỉnh à Nam đã cho phép các hoạt động thương mại như mua bán, dịch vụ của người dân được diễn ra ngay tại những quần thể tâm linh dưới sự chỉ đạo và giám sát của ban lãnh đạo khu di tích và ban lãnh đạo tỉnh. Nhờ đó, đời sống của người dân địa phương được cải thiện đáng kể khi vừa có thể duy trì được công việc cố định của mình, vừa có cơ hội được kiếm thêm thu nhập từ việc buôn bán tại các địa điểm du lịch.

Chị Phan Thị Định, chủ một gian hàng phụ kiện, đồ lưu niệm tại khu buôn bán trong quần thể khu du lịch tâm linh Tam Chúc chia sẻ: Từ ngày khu du lịch Tam Chúc mở cửa, đời sống của người dân chúng tôi được cải thiện đáng kể. Nhiều người dân địa phương có thêm thu nhập từ việc kinh doanh để trang trải cho cuộc sống.

Chị Phan Thị Định, chủ một gian hàng phụ kiện, đồ lưu niệm tại khu buôn bán trong quần thể khu du lịch tâm linh Tam Chúc.

Những năm trở lại đây, Chùa Địa Tạng Phi Lai tự và một số khu du lịch tâm linh khác trên địa bàn toàn tỉnh được nhiều người biết đến, lượng du khách thập phương xa gần tới tham quan, chiêm bái cũng tăng đáng kể. Từ đó, cơ hội việc làm của người dân được mở rộng hơn, các hàng quán của người dân địa phương cũng được tự do buôn bán, kinh doanh dưới sự cho phép và giám sát của Nhà Chùa và Ban Lãnh đạo tỉnh.

Gia đình chị Phạm Thị Hoa, chủ cửa hàng kinh doanh đồ ăn tại Chùa Địa Tạng Phi Lai là một trong những gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, chồng tai nạn mất một tay, giảm sức lao động, bất đắc dĩ chị trở thành lao động chính trong gia đình phải gánh gồng cuộc sống nuôi mẹ già và ba con nhỏ ăn học.

Chị Hoa, cho biết: "Mọi năm, tôi và các hộ kinh doanh ở đây được nhà chùa cho phép kinh doanh từ mồng 1 Tết âm lịch đến hết dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5. Năm nay Nhà Chùa có việc nên chúng tôi được tự do buôn bán đến hết tháng 3 âm lịch. Ngoài thời gian bán hàng ở khu di tích, thời gian còn lại trong năm tôi đi làm công nhân ở khu công nghiệp, chi tiêu tiết kiệm cũng đủ chi phí lo sinh hoạt cho gia đình. Nếu không bán hàng những tháng đầu năm mà chỉ sống bằng đồng lương công nhân eo hẹp không đủ chi phí để trang trải cuộc sống.

“Nhà chùa tạo điều kiện để người dân dựng lều kinh doanh buôn bán không thu bất kỳ khoản phí nào với mục đích giúp cho những gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn như chúng tôi có thêm thu nhập; đồng thời du khách thập phương cũng có chỗ dừng chân nghỉ mệt khi đến tham quan vãn cảnh ở đây. Hiểu được ý nghĩa cao đẹp đó nên các hộ kinh doanh ở đây luôn tuân thủ giữ gìn vệ sinh cảnh quan sạch đẹp, đồng thời bán hàng đúng giá, đúng chất lượng để "giữ chân" du khách thập phương quay trở lại với Chùa Địa Tạng Phi La", chị Hoa chia sẻ.

Cần nhiều nỗ lực để ngành du lịch tỉnh Hà Nam phát triển

Không thể phủ nhận rằng du lịch đã góp phần vào sự phát triển kinh tế, tăng thu ngân sách cho các địa phương, đồng thời, còn đóng góp đáng kể trong việc tạo ra sinh kế cho người dân. Thực tế cho thấy, ở vùng nào, việc khai thác và phát triển du lịch hiệu quả thì cộng đồng dân cư ở đó được hưởng lợi theo trên tất cả các mặt kinh tế-xã hội, văn hóa, đời sống...

Bởi vậy, khi được hỏi về tâm tư, mong ước của mình cho du lịch tỉnh nhà trong tương lai, không chỉ mình chị Định, chị Hoa mà dường như hầu hết bà con ở địa phương đều mong muốn du lịch tỉnh nhà sẽ phát triển hơn nữa trong tương lai để bà con có được công ăn việc làm trang trải cuộc sống hằng ngày.

Thu nhập gia đình chị Phạm Thị Hoa được cải thiện nhờ vào việc kinh doanh tại Chùa Địa Tạng Phi La.

Theo bà Trịnh Thị Tố Nga, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh Hà Nam: Hiện nay, Hà Nam đang thực hiện 2 đề án về du lịch đó là Đề án Nguồn nhân lực du lịch và Đề án Du lịch cộng đồng. Đây là điều kiện tốt để cộng đồng dân cư cung cấp các sản phẩm dịch vụ cho khách du lịch. Họ cũng chính là người giới thiệu, bảo vệ tài nguyên du lịch và được chia sẻ các nguồn lợi kinh tế do mô hình du lịch tạo ra.

"Phát triển du lịch gắn truyền thống với hiện đại, coi trọng chất lượng dịch vụ, đồng thời tạo điều kiện cho người dân, cộng đồng dân cư được tham gia, làm chủ và hưởng lợi từ chính hoạt động kinh doanh cung cấp dịch vụ cho khách du lịch. Đó sẽ là những mục tiêu lớn, dài hạn được tỉnh Hà Nam đặt ra không chỉ cho du lịch cộng đồng của địa phương mà còn góp phần chung cho sự phát triển của ngành du lịch trong những năm tới đây", bà Nga nhấn mạnh.

Trải qua hơn hai năm ngành du lịch bị “tê liệt”, tính đến nay tỉnh Hà Nam đã nỗ lực không ngừng nghỉ để có thể đưa du lịch của tỉnh khôi phục trở lại. Hiện nay, tỉnh Hà Nam đã và đang tích cực cụ thể hóa Nghị quyết số 12 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa 20 về việc đẩy mạnh phát triển thương mại-dịch vụ, trọng tâm là du lịch và dịch vụ logistics tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.