Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi)

Theo đó, dự thảo Luật này gồm 8 chương, 62 điều (tăng 04 điều so với Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011, trong đó, sửa đổi, bổ sung nội dung 35 điều, xây dựng mới 05 điều, bỏ 01 điều).

Cần sửa đổi Luật Phòng, chống mua bán người nhằm khắc phục hạn chế, khó khăn hiện nay, bảo đảm đáp ứng tốt hơn yêu cầu đẩy mạnh phòng, chống mua bán người trong thời gian tới.

Bên cạnh những quy định chung, dự thảo đã đề xuất những quy định cụ thể về phòng ngừa mua bán người; phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người; tiếp nhận, xác định và bảo vệ người trong quá trình xác định là nạn nhân, nạn nhân; hỗ trợ người trong quá trình xác định là nạn nhân, nạn nhân; quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức về phòng chống mua bán người; hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người.

Đáng chú ý, dự thảo Luật bổ sung 01 điều (Điều 32) về đối tượng bảo vệ gồm: (1) Người trong quá trình xác định là nạn nhân, nạn nhân; (2) Người thân thích của người trong quá trình xác định là nạn nhân, nạn nhân là người có quan hệ với người trong quá trình xác định là nạn nhân, nạn nhân gồm: Vợ, chồng, bố đẻ, mẹ đẻ, bố chồng, mẹ chồng, bố vợ, mẹ vợ, bố nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi; ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột; cụ nội, cụ ngoại, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, cháu ruột.

Đồng thời, sửa đổi, bổ sung quy định về tiếp nhận người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, nạn nhân; xác định nạn nhân bị mua bán trong nước; tiếp nhận, xác minh người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, nạn nhân được giải cứu; tiếp nhận, xác minh người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, nạn nhân từ nước ngoài trở về; căn cứ để xác định nạn nhân; giải cứu, bảo vệ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định nạn nhân. Trong đó, tại Điều 29 dự thảo Luật quy định rõ về căn cứ xác định nạn nhân, theo đó, về căn cứ xác định nạn nhân phù hợp với quy định của Điều 150, Điều 151 Bộ luật Hình sự và Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 150 về tội mua bán người và Điều 151 về tội mua bán người dưới 16 tuổi của Bộ luật Hình sự (Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐTP) theo hướng quy định một người có thể được xác định là nạn nhân khi người đó là đối tượng của việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc thủ đoạn khác theo quy định pháp luật về hình sự để thực hiện một trong các hành vi quy định tại Điều 2 Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐTP và bổ sung quy định về các nguồn tài liệu, chứng cứ để xác định nạn nhân và một số căn cứ khác để xác định nạn nhân đã được quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 5 Nghị định số 62/2012/NĐ-CP ngày 13/8/2012 của Chính phủ quy định căn cứ xác định nạn nhân bị mua bán và bảo vệ an toàn cho nạn nhân, người thân thích của họ.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung các quy định về bảo vệ người trong quá trình xác định là nạn nhân, nạn nhân (Điều 33) theo hướng dẫn chiếu pháp luật có liên quan (tố tụng hình sự, tố cáo) và giữ nguyên quy định về một số biện pháp bảo vệ (giữ bí mật về việc cung cấp tài liệu, chứng cứ của người trong quá trình xác định là nạn nhân, nạn nhân, người thân thích của họ; giữ bí mật các thông tin về đời tư, đặc điểm nhân dạng, nơi cư trú, làm việc, học tập và các thông tin khác có liên quan đến người trong quá trình xác định là nạn nhân, nạn nhân, người thân thích của họ; hạn chế phạm vi đi lại, giao tiếp của người trong quá trình xác định là nạn nhân, nạn nhân, người thân thích của họ; bố trí nơi tạm lánh cho người trong quá trình xác định là nạn nhân, nạn nhân, người thân thích của họ); thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ (Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Giám đốc Cơ sở bảo trợ xã hội, Giám đốc Cơ sở hỗ trợ nạn nhân; thủ trưởng Cơ quan đại điện Việt Nam ở nước ngoài) đối với đối tượng này được quy định tại Nghị định số 62/2012/NĐ-CP.

Việc sửa đổi, bổ sung này nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc về tiếp nhận, xác định, xác minh nạn nhân hiện nay, đồng thời, bảo đảm phù hợp với Hiến pháp năm 2013, thống nhất của pháp luật hình sự về tội phạm mua bán người và quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (khi Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) có hiệu lực thì các thông tư liên tịch hướng dẫn quy định của Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011 sẽ bị bãi bỏ).

Toàn văn Dự thảo được đăng trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an để lấy ý kiến đóng góp trong thời gian 60 ngày kể từ ngày đăng. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể xem toàn văn dự thảo và tham gia đóng góp ý kiến tại đây.

Theo bocongan.gov.vn