Đưa Đồng Nai phát triển xứng tầm

Năm 2023 khép lại với nhiều “ngổn ngang” của Đồng Nai trên nhiều lĩnh vực. Bức tranh tăng trưởng có những nét chấm phá vui buồn: tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP, GRDP bình quân đầu người, kim ngạch xuất nhập khẩu, giải ngân vốn đầu tư công… không đạt như mong đợi.

Trong bối cảnh được đánh giá là “nhiều thách thức”, cả khách quan lẫn nội tại, thì 2024 lại là năm được xác định là “bản lề”, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ 2020-2025. Chính vì vậy, tinh thần của lãnh đạo tỉnh được xác định rõ, là “chỉ bàn tiến, không bàn lùi”, quyết tâm, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm để vượt qua mọi thách thức, trở ngại để thực hiện thành công những chỉ tiêu quan trọng.

Đầu xuân mới Giáp Thìn, Báo Đồng Nai giới thiệu cùng bạn đọc 4 cuộc trao đổi với 4 lãnh đạo UBND tỉnh: Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cùng 3 Phó chủ tịch UBND tỉnh: Nguyễn Sơn Hùng, Nguyễn Thị Hoàng và Võ Văn Phi.

Trước nhiều dự báo kinh tế thế giới lẫn kinh tế trong nước năm 2024 tiếp tục có nhiều biến động, đan xen giữa thách thức và cơ hội. Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức xác định, ngay từ đầu năm, phải triển khai ngay nhiều giải pháp để hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch đề ra.

Theo kế hoạch của tỉnh năm 2024, Đồng Nai sẽ phấn đấu đưa chỉ số GRDP tăng 6,5-7% so với năm trước, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 8%, nguồn vốn huyđộng toàn xã hội đạt 124 ngàn tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 148 triệu đồng/người/năm và thu ngân sách nhà nước đạt dự toán.

* Năm 2023, kinh tế gặp nhiều khó khăn, GRDP của tỉnh vẫn tăng trưởng cao hơn bình quân chung cả nước, tuy nhiên chưa đạt mục tiêu đề ra. Song, nếu nhìn nhận lạc quan hơn, chúng ta có thể thấy những “điểm sáng” nào, thưa ông?

Năm 2023, kinh tế thế giới tiếp tục phục hồi chậm do ảnh hưởng của chiến tranh, lạm phát, biến động tỷ giá, người tiêu dùng tiết kiệm chi tiêu đã ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN). Nhiều DN rơi vào tình trạng thiếu đơn hàng sản xuất, thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, công nhân thiếu việc làm, thu nhập giảm... Vì thế, kéo theo một số chỉ tiêu về kinh tế không đạt so với kế hoạch đầu năm.

Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức kiểm tra thực tế công tác giải phóng mặt bằng dự án 2 tuyến giao thông kết nối Sân bay Long Thành. Ảnh: Phạm Tùng

Tuy nhiên, từ đầu năm 2023, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục khó khăn, duy trì sản xuất kinh doanh; cộng đồng DN cũng nỗ lực để phục hồi, tìm kiếm thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước nên nhiều chỉ tiêu về kinh tế của Đồng Nai tuy không đạt kế hoạch năm nhưng vẫn cao hơn bình quân chung của cả nước.

Cụ thể, trong tổng số 31 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, có 9 chỉ tiêu vượt, 14 chỉ tiêu đạt và 8 chỉ tiêu không đạt. Riêng lĩnh vực kinh tế, năm 2023, GRDP của Đồng Nai đạt hơn 246,4 ngàn tỷ đồng, tăng trưởng 5,3% so với năm trước đó, cao hơn bình quân chung cả nước là 0,25%. Trong đó, giá trị sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, bán lẻ hàng hóa dịch vụ, doanh thu từ vận tải, huy động vốn đầu tư toàn xã hội giữ mức tăng trưởng cao gấp 1,5-2 lần so với bình quân cả nước.

Đặc biệt, Đồng Nai xếp thứ 2 cả nước về xây dựng các xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Đây là sự nỗ lực lớn của tỉnh, của cộng đồng DN và người dân Đồng Nai.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà và Quyền chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức kiểm tra Sân bay quốc tế Long Thành. Ảnh : Khắc Giới

* Với vai trò một “đại công trường” lớn, năm 2023, nhiều dự án trọng điểm của quốc gia, tỉnh đã khởi công, nhưng tiến độ chậm. Ngay từ đầu năm 2024, Đồng Nai triển khai những giải pháp gì để đẩy nhanh tiến độ?

Đồng Nai đang triển khai hàng trăm dự án trên các lĩnh vực. Trong đó, có nhiều dự án quan trọng cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh, như: Cảng hàng không quốc tế Long Thành; các dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành, Biên Hòa - Vũng Tàu, Dầu Giây - Liên Khương; đường Vành đai 3, Vành đai 4, các tuyến đường kết nối với cảng hàng không…

Trở ngại lớn nhất là hầu hết các dự án qua địa bàn Đồng Nai đều phải thu hồi đất của các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức để thực hiện, trong đó đặc biệt khó là phải thu hồi đất của nhiều hộ dân. Tôi có thể lấy ví dụ dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành phải thu hồi khoảng 5 ngàn ha đất của hơn 5 ngàn hộ dân; đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có diện tích đất thu hồi lên đến 290ha của 3,4 ngàn hộ dân nằm trên 2 địa phương TP.Biên Hòa và H.Long Thành…

Dĩ nhiên, khi diện tích đất thu hồi lớn, số lượng hộ dân bị ảnh hưởng lớn thì công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng sẽ rất khó khăn, trong đó thách thức lớn nhất là tỉnh phải xây dựng được các khu tái định cư để di dời người dân đến ở.

* Vừa qua, Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch vùng Đông Nam bộ để tạo thuận lợi cho các địa phương trong vùng thực hiện nhanh quy hoạch tỉnh, quy hoạch thành phố nhằm phát triển phù hợp với tiềm năng. Đồng Nai sẽ làm gì để đẩy nhanh tiến độ quy hoạch quan trọng này?

Thời gian qua, tiến độ thực hiện quy hoạch tỉnh còn chậm, gây ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong đó, có những dự án trên một số lĩnh vực như: giao thông, du lịch, bất động sản, thương mại dịch vụ… bị chậm trễ do ảnh hưởng của quy hoạch.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh và quyền chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức thực hiện nghi thức khởi công nhà ở xã hội tại H. Trảng Bom. Ảnh: H.Giang

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên nhưng chủ yếu do Đồng Nai tập trung nhiều dự án hạ tầng kỹ thuật quan trọng của quốc gia, của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nên trong quá trình thực hiện, các quy hoạch cập nhật vào quy hoạch tỉnh cần nhiều thời gian để rà soát, đối chiếu, lấy ý kiến các bộ, ngành, sở, ngành địa phương cho phù hợp. Khối lượng công việc quá lớn nên dù tỉnh đã tập trung thực hiện nhưng tiến độ vẫn chậm so với kế hoạch đã đề ra.

Song cần xác định rõ, quan điểm của Đồng Nai trong quy hoạch là “chậm nhưng chắc”, để khi quy hoạch được phê duyệt thì sẽ tạo sự đồng bộ, thống nhất, cho các nhà đầu tư có thể triển khai nhanh dự án trên các lĩnh vực.

Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức kiểm tra thực tế công tác giải phóng mặt bằng dự án 2 tuyến giao thông kết nối Sân bay Long Thành. Ảnh: Phạm Tùng

* Nhiều doanh nghiệp đang chờ đợi quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030 được phê duyệt để yên tâm đầu tư các dự án lớn tại Đồng Nai. Ông có thể cho biết, dự kiến khi nào quy hoạch tỉnh sẽ hoàn thành và được Chính phủ phê duyệt?

Hiện nay, Đồng Nai đã hoàn thành hồ sơ quy hoạch và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Dự kiến trong quý I-2024, quy hoạch của tỉnh sẽ được phê duyệt và đưa vào triển khai. Khi đó, các sở, ngành, địa phương sẽ căn cứ vào quy hoạch tỉnh để điều chỉnh quy hoạch đất đai cho phù hợp. Một khi có quy hoạch đầy đủ, các chủ đầu tư có thể “tăng tốc” trong thi công các dự án để sớm hoàn thành đưa vào khai thác.

* Mục tiêu của Đồng Nai là đến năm 2030 sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 của Việt Nam. Để điều này trở thành hiện thực, tỉnh sẽ chọn đột phá từ những lĩnh vực nào?

Tôi tin rằng mục tiêu này là có cơ sở. Khi Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các đường cao tốc: Biên Hòa - Vũng Tàu, Bến Lức - Long Thành, Dầu Giây - Liên Khương, đường Vành đai 3, Vành đai 4, cầu Cát Lái, các khu công nghiệp mới được thành lập… đưa vào khai thác, Đồng Nai sẽ trở thành nơi thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư trong nước, nước ngoài vào công nghiệp, thương mại dịch vụ, logistics, bất động sản… Và đây là cơ sở để Đồng Nai đặt mục tiêu trở thành địa phương có nền kinh tế lớn thứ 3 của cả nước.

* Xin cảm ơn đồng chí.