FiinGroup: Khách quốc tế đến Việt Nam không muốn trải nghiệm châu Âu thu nhỏ như Phú Quốc

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê (GSO), trong 10 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đón gần 10 triệu lượt khách quốc tế, gấp 4,2 lần so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, con số này chỉ bằng 69% so với năm 2019, thời điểm trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra.

Một số dự báo nhận định, hết năm 2023, Việt Nam có thể đón 13 triệu lượt khách du lịch quốc tế, thậm chí có thể hơn. Bởi vì, cuối năm là “mùa” du lịch cao điểm trong những ngày nghỉ lễ Giáng sinh và năm mới.

Theo báo cáo của FiinGroup, những tín hiệu tăng trưởng của ngành du lịch trong thời gian qua khá tốt nếu so với những năm sau đại dịch COVID-19, tuy nhiên, sự phục hồi vẫn còn chậm.

Ảnh minh họa. (Nguồn: DP)

FiinGroup cho rằng, Việt Nam đặt mục tiêu 13 - 15 triệu lượt khách quốc tế với mức tiêu bình quân khoảng 1.150 USD, đây sẽ là nguồn ngoại tệ lớn cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam nói chung và cho cán cân thanh toán nói riêng.

Tuy nhiên, ngành du lịch Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức chưa thể giải quyết. Đơn cử, du lịch khá tự phát và manh mún, chưa có quy hoạch đồng bộ trong chiến lược phát triển bền vững gắn bảo tồn thiên nhiên. Điều này dẫn đến việc ít du khách quốc tế trở lại. Thực tế tại Phú Quốc, Sapa là những ví dụ điển hình.

“Khách du lịch đến Việt Nam hướng đến trải nghiệm môi trường, phong cảnh tự nhiên, nét văn hóa được bảo tồn… chứ không muốn trải nghiệm Châu Âu thu nhỏ như Phú Quốc”, báo cáo của FiinGroup nêu.

Đồng thời, du lịch tâm linh còn phản cảm ở nhiều nơi, chiếm không gian của địa danh tiềm năng để phát triển du lịch.

FiinGroup cũng cho rằng, chuỗi giá trị trong ngành du lịch còn gặp phải nhiều vấn đề đối với giá dịch vụ, phương tiện di chuyển, chất lượng nhà hàng, khách sạn, hành vi “chặt chém khách”.

Theo ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, trong 10 tháng vừa qua, ngành du lịch đã cố gắng hết sức nhưng còn nhiều điều chưa đạt được. Tuy khách tăng nhanh, trong đó có khách nội địa nhưng tốc độ đã suy giảm. Ông đề nghị điều chỉnh thời hạn triển khai một số chính sách trong thời gian COVID-19, cơ cấu lại thị trường quốc tế, đẩy mạnh xúc tiến du lịch và đổi mới hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, nhất là việc huy động nguồn lực.

“Về huy động các nguồn lực để triển khai nhanh các công việc, mấu chốt là vấn đề nguồn lực. Các doanh nghiệp chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nguồn lực quá yếu. Tôi đề nghị cho phép các doanh nghiệp được tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi từ phía Nhà nước và cơ cấu lại thị trường quốc tế, đẩy mạnh xúc tiến du lịch", ông Vũ Thế Bình cho biết.

Ngoài ra, các chuyên gia trong ngành du lịch còn đề xuất Chính phủ, các Bộ tiếp tục thúc đẩy các đàm phán, hiệp định song phương, đa phương với các quốc gia để có các chính sách thuận lợi hơn về thị thực, hỗ trợ các hoạt động mở đường bay mới thúc đẩy nhu cầu của người dân, du khách.

Định Trần