Gặp anh hùng La Văn Cầu, huyền thoại 'chặt đứt cánh tay, phá tan đồn địch'

Những ký ức vẹn nguyên

Đón chúng tôi trong căn hộ ấm cúng giữa lòng Hà Nội, Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân La Văn Cầu luôn nở nụ cười thân thiện, gần gũi.

Dù ở tuổi xưa nay hiếm nhưng giọng nói vẫn khỏe và hào sảng, ông kể về những những năm tháng chiến đấu chống quân thù, cùng đồng đội luôn sẵn sàng hy sinh, chiến đấu đến giọt máu cuối cùng…

Anh hùng La Văn Cầu (Ảnh: Huyền Minh)

Kể về cuộc đời binh nghiệp của mình, Anh hùng La Văn Cầu cho biết, năm 1948, theo lời kêu gọi của Tổ quốc, mới 16 tuổi ông đã xung phong lên đường đánh giặc. “Các đồng chí tuyển quân nói tôi còn nhỏ, chưa đi được.

Nhưng tôi đã quyết tâm, không thay đổi. Tôi nói với đồng chí tuyển quân, tôi còn nhỏ nhưng có thể làm liên lạc cho đại đội; khi có thể chắc cây súng, tôi sẽ chiến đấu", Đại tá La Văn Cầu kể.

Ông đã tham gia 2 chiến dịch lớn với tổng cộng hơn 25 trận đánh, trong đó trận đánh đồn Đông Khê trong Chiến dịch biên giới Thu - Đông từ ngày 16 đến 18/9/1950 là đáng nhớ nhất, bởi cánh tay phải của ông vĩnh viễn nằm lại chiến trường.

“Khoảng 10 giờ đêm 17/9/1950, tôi được Đại đội trưởng gọi đến giao nhiệm vụ ôm bộc phá đánh vào lô cốt của địch tại cứ điểm Đông Khê. Đến chừng nửa đêm, tôi được lệnh dùng bộc phá đánh vào một lô cốt lớn của địch ngay trước tiền duyên, mở đường cho đồng đội tiến lên. Trong lúc chuẩn bị tiến lên, tôi bị hai viên đạn bắn trúng. Một viên trúng má phải và viên kia trúng tay phải khiến tôi ngã xuống ngất lịm.

Anh hùng La Văn Cầu và mẹ tại Sân bay Gia Lâm - Hà Nội trong lần được gặp Bác Hồ đầu năm 1955. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Tỉnh lại, tôi nghĩ ngay tới nhiệm vụ phải phá bằng được lô cốt nên cố nhổm dậy. Tôi đưa tay trái sờ lên đầu, lên ngực thấy không sao, mừng quá, định vọt tiến thì thấy chỉ còn tay trái cử động được, cánh tay phải không còn cảm giác”, giọng ông chùng xuống, đôi mắt rưng rưng.

“Cánh tay phải bị thương cứ lủng lẳng, vướng vào cột dây thép khiến tôi đau hơn cả lúc trúng đạn. Tôi nghĩ đằng nào cũng bị thương rồi, nhiệm vụ còn dang dở, thà chặt luôn tay cho đỡ vướng.

Nghĩ là làm, tôi nhờ Tiểu đội trưởng Nông Văn Thêu giúp mình chặt cánh tay bị thương rồi tiếp tục dùng tay trái ôm bộc phá áp sát lô cốt địch, giật liền cả hai nụ xòe và chạy về phía sau. Sau tiếng nổ lớn, tôi lại ngất đi. Trong lúc ấy, các đồng đội đã thay tôi tiếp tục ôm bộc phá lao lên diệt các lô cốt khác của địch...”, ông xúc động, không giấu được niềm vui chiến thắng.

“Không biết ngất bao lâu nhưng khi tỉnh lại, tôi thấy lô cốt đã tan tành, chỉ còn một đống gạch trắng xóa, bóng các anh xung kích từng loạt, từng loạt nhảy vào vị trí Đông Khê. Trận Đông Khê giành thắng lợi hoàn toàn nhưng nhiều đồng chí, đồng đội của tôi đã anh dũng hy sinh”.

Sau 29 ngày đêm chiến đấu quyết liệt, anh dũng và mưu trí, chiến dịch Biên giới Thu - Đông 1950 đã giành thắng lợi. Chiến công của chiến sĩ trẻ La Văn Cầu khi ấy trở thành hiện tượng, tấm gương sáng cổ vũ phong trào thi đua giết giặc lập công trong toàn quân, trở thành lá cờ đầu trong phong trào thi đua sử dụng bộc phá công đồn - hình thức chiến thuật mới của quân đội ta từ Chiến dịch Biên giới năm 1950.

Anh hùng La Văn Cầu tại Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ Nhất, năm 1952. (Ảnh nhân vân cung cấp)

Kiên cường, bình dị giữa cuộc sống đời thường

Sau trận Đông Khê, nhìn cánh tay phải bị tháo khớp đến bả vai, cũng có lúc ông hoang mang… Tuy nhiên, những bi quan ấy chỉ là thoáng qua chứ không làm ông mất phương hướng. Ông nhanh chóng thích nghi với hoàn cảnh mới, xác định sẽ biến tay trái trở thành tay phải. Sau 3 tháng luyện tập, ông có thể dùng tay trái như tay phải, kể cả việc khó như bắn súng.

“Tôi xác định phải tự lực, tập làm mọi việc bằng một tay với tinh thần lạc quan, hy vọng vào cuộc sống tươi đẹp phía trước. Chừng nào trái tim còn đập, tôi vẫn còn muốn được cống hiến, cống hiến thay cả phần đồng đội để xứng đáng với sự hy sinh của họ. Đây là điều tôi luôn tâm niệm trong suốt cuộc đời”, Anh hùng La Văn Cầu nói.

Xác định rõ tư tưởng, La Văn Cầu tập trung học văn hóa và chính trị. Ông tiếp tục ở lại trong quân đội với công việc tuyên huấn, chuyên trách công tác thanh niên. Năm 1952, tại Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ Nhất, chiến sĩ trẻ La Văn Cầu được vinh dự là một trong 7 chiến sĩ đầu tiên được phong danh hiệu "Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân".

Với thành tích đặc biệt, ông vinh dự được gặp và ăn cơm cùng Bác Hồ. Sau đó, ông được phân công về công tác ở Phòng Tổ chức quân khu I, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam… cho đến tháng 8/1996 thì nghỉ hưu.

Anh hùng La Văn Cầu thăm lại chiến trường xưa. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Giờ đây, ở tuổi 93, Đại tá La Văn Cầu sống một cuộc sống giản dị cùng người vợ đảm đang, hiền hậu. Những lúc khỏe mạnh, ông vẫn tưới cây, quét nhà và dành nhiều thời gian đọc báo, xem thời sự, trò chuyện với người bạn đời.

“Điều tôi tiếc nuối nhất là bị thương quá sớm, không tham gia được nhiều trận đánh. Vì vậy trong mọi công việc, tôi luôn làm thật tốt để đóng góp phần nhỏ bé cho đất nước trong thời bình. Tôi tự hào vì đã góp phần vào chiến thắng vĩ đại của dân tộc. Không có kẻ thù nào ngăn được bước tiến của dân tộc ta, bước chân của thế hệ trẻ Việt Nam”, ông chia sẻ.

Kể về chuyện xây dựng gia đình, ông đã gặp người bạn đời tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ I, năm 1952. Khi ấy mới 16 tuổi, bà cũng là Chiến sĩ Thi đua toàn quốc. Sau đó nhờ đồng đội vun đắp, ông bà trở thành vợ chồng, đám cưới được tổ chức năm 1958 và sinh được 4 người con.

Cuộc đời của Anh hùng La Văn Cầu được đưa vào bài tập đọc của sách giáo khoa tiểu học ở Việt Nam. Tên ông được dùng để đặt cho nhiều trường học và một số con đường ở Thủ đô Hà Nội, TP Vũng Tàu, TP Nam Định và một khu phố ở thị trấn Nam Sách, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương.

Ông là trường hợp đặc biệt hiếm có ở Việt Nam và trên thế giới khi đang còn sống đã được đặt tên đường. Ông được vinh danh công dân Thủ đô ưu tú năm 2019 tại Hội nghị Biểu dương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt tiêu biểu.

Anh hùng La Văn Cầu trở thành biểu tượng trong trái tim của bao thế hệ Việt Nam là minh chứng hào hùng nhất cho sự hy sinh quên mình vì Tổ quốc, vì độc lập dân tộc.

Phẩm chất kiên cường, tự lực của ông đại diện cho phẩm chất của bao thế hệ bộ đội Cụ Hồ từ thời chiến đến thời bình, là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo.

Huyền Minh

Báo Lao động Xã hội

Kỷ niệm 49 năm Ngày 30/4 và Ngày Quốc tế Lao động 1/5

LĐXH