Giải mã trào lưu thụt rửa cà phê qua hậu môn trên TikTok

Trào lưu thụt rửa đại tràng bằng cà phê được lan truyền trên nhiều nền tảng. Ảnh: Innovative_Medicine.

“Hết hẳn táo bón với cách này, mời cả nhà cùng xem…”.

Đó là câu mở đầu thu hút sự chú ý từ hàng triệu người dùng của một video được chủ kênh đăng tải lên nền tảng video TikTok.

Nội dung video chia sẻ cách người này sử dụng một loại bột cà phê “chuyên dụng” cùng các bước chi tiết để thụt rửa đại tràng thông qua đường hậu môn. Song song với đó là những lợi ích được chỉ ra nhờ phương pháp này, thậm chí có cả phòng tránh bệnh ung thư.

Tuy nhiên, trong y học chính thống, việc làm sạch ruột được coi là không cần thiết vì hệ tiêu hóa của cơ thể có khả năng tự loại bỏ chất thải, độc tố cũng như vi khuẩn. Việc tự thụt tháo không có chỉ định của bác sĩ có thể thúc đẩy việc đi ngoài, gây tiêu chảy và mất nước, rối loạn điện giải.

Tràn lan clip dạy thụt rửa bằng cà phê

Cụ thể, để “làm sạch” đại tràng bằng cà phê, video này hướng dẫn người xem sử dụng cà phê “chuyên dụng dành riêng cho việc thải độc đại tràng” đun sôi với nước lọc.

Video hướng dẫn chi tiết các bước thụt rửa đại tràng bằng cà phê.

Nước cà phê được cho vào túi, này được treo cao lên, trong khi đầu dây còn lại cắm khoảng vào hậu môn. Lúc này, người thực hiện được yêu cầu nằm thả lỏng để dung dịch nước cà phê chảy vào cơ thể.

Sau khi truyền hết túi dung dịch, người thực hiện có thể xoa bụng và đi vệ sinh để thải bỏ toàn bộ cặn bã trong cơ thể.

Lý do sử dụng cà phê được người này giải thích rằng: “Cà phê có tính sát khuẩn, hỗ trợ gan thải độc, từ đó làm rã phân trong đường ruột”.

Cuối video, chủ kênh khẳng định táo bón là nguyên nhân của tất cả loại bệnh tật, đặc biệt là ung thư. Do đó, phương pháp này cũng được xem là giúp phòng tránh ung thư sớm.

Trên Tik Tok và nhiều nền tảng mạng xã hội khác, việc thụt tháo đại tràng bằng cà phê (hay cafe enema) cũng được rất nhiều người chia sẻ cùng những lợi ích "thần kỳ" cho sức khỏe.

Nhiều video, bình luận cũng được chia sẻ với nội dung ủng hộ phương pháp thụt rửa cà phê.

Những video, bài viết này cũng thu hút hàng trăm nghìn lượt xem cũng như bình luận. Một số người chia sẻ thông qua bình luận về cảm giác của bản thân sau khi thử và cho rằng có lẽ không ai phải tới bệnh viện nếu mọi người đều biết và áp dụng.

Không có bằng chứng về tác dụng

Trên thực tế, detox thủy trị liệu hay detox đại tràng là vốn là một trong những phương pháp y khoa làm sạch đại tràng. Cách làm này được nhận định là có tác dụng loại bỏ tạp chất dư thừa trong cơ thể.

Để thực hiện phương pháp này, các bác sĩ sẽ đưa dòng nước đã được làm ấm từ hệ thống Colon Hydromat đi qua đường ống dẫn sử dụng một lần vào trực tràng.

Nước và chất thải được rút ra qua một ống dẫn để vào hệ thống Colon Hydromat và thải ra ngoài. Tất cả chất thải như phân, chất nhờn, hơi, thức ăn chưa được tiêu hóa cùng với các ký sinh trùng sẽ được tống ra ngoài trong quy trình này. Lượng nước đưa vào trực tràng khoảng 2-6 l. Tiến trình điều trị kéo dài 30-45 phút tùy theo kích thước vùng trực tràng và cân nặng của bệnh nhân.

Tuy nhiên, đến nay, chưa có bằng chứng khoa học chứng minh hoặc bác bỏ việc thụt rửa cà phê có hiệu quả trong điều trị bất cứ bệnh lý nào. Các bằng chứng ủng hộ hay phản bác việc thụt rửa cà phê hầu hết là giả thuyết.

Trong y học chính thống, việc làm sạch ruột được coi là không cần thiết vì hệ tiêu hóa của cơ thể có khả năng tự loại bỏ chất thải, độc tố cũng như vi khuẩn. Liên quan ý kiến cho rằng chất thải từ ruột kết là độc hại đối với cơ thể, một bài báo năm 2014 được đăng tải trên Tạp chí Bệnh viện Đa khoa Lancaster cho thấy chưa có bất kỳ bằng chứng nào chứng minh điều này.

Theo bác sĩ Bùi Văn Long, chuyên khoa Tiêu hóa, phương pháp thụt tháo chỉ dùng trong những trường hợp bị táo bón hoặc chuẩn bị trước cho một thủ thuật nào đó. Lúc này, dung dịch dùng để thụt tháo là nước ấm sạch hoặc nước muối, không phải cà phê.

Bác sĩ Long cho biết việc tự thụt tháo bằng cà phê cũng rất nguy hiểm, khi bơm nước (cà phê) vào sẽ thúc đẩy việc đi ngoài, gây tiêu chảy và mất nước, rối loạn điện giải. Nếu không được bù nước kịp thời, bệnh nhân có thể phải cấp cứu, chậm trễ sẽ ảnh hưởng tới tính mạng.

Thông thường với việc tháo thụt, ống thụt chỉ dài 5-7 cm, chỉ định cho những người hay bị táo bón cần được điều trị gấp hoặc trường hợp bị tắc ruột do phân cứng, người cần làm cho ruột sạch để nội soi tìm bệnh hoặc trước phẫu thuật... Khi được bác sĩ chỉ định tháo thụt, y tá, điều dưỡng sẽ thực hiện kỹ thuật này cho bệnh nhân.

Thụt rửa đại tràng thực tế là một phương pháp y khoa được áp dụng trong những trường hợp bệnh lý. Ảnh: FactDr.

“Bình thường, đại tràng của mỗi người sẽ tự bóp dịch bã thức ăn, khi đầy sẽ kích thích cơ thắt hậu môn mở ra và tống bã thức ăn ra ngoài (đi tiêu). Như vậy, việc bơm nước cà phê sẽ làm tăng khối lượng bã thức ăn ở trực tràng, đẩy nhanh việc kích thích tống phân ra chứ không phải cà phê giúp làm sạch lòng ruột như mọi người nghĩ", bác sĩ Long cho biết.

Chuyên gia cho hay việc tự tháo thụt không theo yêu cầu của bác sĩ có thể làm tổn thương cơ thắt hậu môn, viêm, chảy máu hoặc thủng rách trực tràng, chưa kể thành phần được bơm vào trực tràng có ảnh hưởng đến niêm mạc đại trực tràng hay không cũng chưa rõ.

Hơn nữa, thông thường, cơ chế phản xạ bình thường đầy phân trong đại tràng sẽ kích thích cơ thắt hậu môn mở ra, việc tháo thụt liên tục sẽ khiến cơ thắt hậu môn nhão, mất phản xạ và một thời điểm nào đó, có thể cơ thắt hậu môn không còn tự chủ được nữa, phân tự trào ra ngoài.

Theo Viện Ung thư Quốc gia Mỹ, cơ quan này đã ghi nhận 3 trường hợp tử vong có liên quan thụt rửa cà phê. Một trường hợp nghi ngờ nhiễm vi khuẩn, 2 ca còn lại bị mất cân bằng điện giải.

Healthline thông tin thụt rửa đại tràng bằng cà phê có thể mang lại một số tác hại gồm:

Bỏng trực tràng
Buồn nôn
Nôn
Chuột rút
Đầy hơi
Mất nước
Thủng ruột
Nhiễm trùng do thiết bị không được tiệt trùng đúng cách

Quốc Toàn