Giải pháp phát triển doanh nghiệp tư nhân Việt Nam

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thực trạng doanh nghiệp tư nhân Việt Nam

Một số nét về doanh nghiệp tư nhân Việt Nam

Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nghị quyết đã đề ra mục tiêu: Đến năm 2020, Việt Nam có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp (DN); đến năm 2025, có hơn 1,5 triệu DN; đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu DN; Tốc độ tăng trưởng của kinh tế tư nhân cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Đồng thời, đến năm 2020, tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt khoảng 50%, năm 2025 đạt khoảng 55% và đến năm 2030, đạt khoảng 60%-65%; năng suất lao động tăng khoảng 4%-5%/năm.

Nghị quyết cũng đề ra mục tiêu cần phải nâng cao chất lượng DN tư nhân Việt Nam, cụ thể là: Đẩy mạnh nâng cao trình độ lao động, chất lượng nguồn nhân lực, trình độ công nghệ và năng lực cạnh tranh của các DN tư nhân, từng bước thu hẹp khoảng cách giữa DN tư nhân Việt Nam với DN tư nhân ở các nước ASEAN, đặc biệt là DN tư nhân ở nhóm dẫn đầu ASEAN-4. Khuyến khích tạo điều kiện để ngày càng có nhiều DN tư nhân tham gia mạnh vào sản xuất chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

Đi liền với Nghị quyết số 10-NQ/TW, Đảng và Nhà nước đã ban hành chương trình hành động, chủ trương đổi mới, sáng tạo, thực hiện cam kết cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng bình đẳng, minh bạch, an toàn và thân thiện, tạo mọi điều kiện để DN, đặc biệt là các DN tư nhân, DN nhỏ và vừa, DN khởi nghiệp phát triển thuận lợi. Cụ thể, ngày 11/10/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1362/QĐ-TTg phê duyệt kế hoạch phát triển bền vững DN khu vực tư nhân đến năm 2025, tầm nhìn 2030; Tiếp đó, Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ sự cần thiết phải phát triển kinh tế tư nhân thành các tổng công ty và các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn…

Mặc dù, Đảng và Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy phát triển DN tư nhân, song 5 năm trở lại đây, thế giới liên tiếp xảy ra nhiều biến cố bất định, khó lường như: Đại dịch COVID-19, chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc, xung đột giữa Nga-Ukraine, thiên tai, hạn hán... làm cho kinh tế thế giới càng thêm khó khăn hơn. Việt Nam cũng bị ảnh hưởng đáng kể từ những diễn biến trên, tình trạng sản xuất kinh doanh của các DN tư nhân Việt Nam không được khả quan, mục tiêu của Nghị quyết số 10-QĐ/TW khó đạt được nếu không có các giải pháp đột phá. Hơn nữa, những khó khăn này làm cho các DN tư nhân Việt Nam khó trở thành các tổng công ty, tập đoàn kinh tế tư nhân lớn như Đại hội XIII của Đảng đặt ra và khó đạt được mục tiêu 1,5 triệu DN vào năm 2025.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, số DN tư nhân phá sản và giải thể có năm gần bằng số DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Năm 2022, số DN tăng thêm không nhiều, bình quân cứ 10 DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động thì có 7 DN phá sản và dừng hoạt động. Trong 4 tháng đầu năm 2023, số DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động là 78,9 nghìn DN, nhưng đi liền với đó có 77 nghìn DN giải thể. Như vậy, số DN giải thể, phá sản, rời khỏi thị trường bằng 97,6% số DN thành lập mới. Số DN tăng lên thực tế trong 4 tháng đầu năm 2023 chỉ là 1,9 nghìn DN, tức là chỉ bằng 2,4% số DN thành lập mới.

Qua Điều tra Xu hướng kinh doanh quý IV/2022 của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, các yếu tố ảnh hưởng xấu đến sản xuất của DN đều tăng hơn so với quý III/2022. Năm 2022, khi lãi suất ngân hàng tăng lên vào quý III/2022, đã có 37,5% DN tư nhân gặp khó khăn. Cuối năm 2022, có khoảng 33,4% DN tư nhân gặp khó khăn về tài chính trong quý IV/2022, các DN hầu như khó có khả năng tiếp cận nguồn vốn. Hơn nữa, trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, với nguồn lực tài chính hạn chế, các DN tư nhân Việt Nam có thể nói là gặp nhiều khó khăn để có thể ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số vào hoạt động và phát triển thành các tổng công ty, các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn trong thời gian tới.

Doanh thu thuần và thu nhập trước thuế của doanh nghiệp tư nhân

Hiện nay, hơn 98% DN tư nhân Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ, trong đó, hơn 73% là DN tư nhân siêu nhỏ. Năm 2020, chỉ có 39,7% DN tư nhân làm ăn có lãi, có 18,8% DN tư nhân kinh doanh hòa vốn và có tới 41,5% thua lỗ. Đây là vấn đề báo động về kết quả hoạt động của các DN tư nhân Việt Nam và những khó khăn họ đang phải đối mặt là không ít.

Hình 1 cho thấy, tốc độ tăng doanh thu thuần của DN tư nhân có sự biến động theo chiều hướng giảm, đặc biệt, giảm mạnh trong 4 năm từ 2017, 2018, 2019 và năm 2020, chỉ khôi phục lại nhưng không đáng kể vào năm 2021 và năm 2022.

Hình 1: Tốc độ tăng (%) doanh thu thuần của doanh nghiệp tư nhân

Nguồn: Tổng cục Thống kê, Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2022 và tính toán của tác giả

Mức giảm doanh thu thuần đến 41,2% năm 2020 so với năm 2019, cho thấy tác động rất nặng nề của đại dịch COVID-19 đến hoạt động của DN tư nhân. Khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra đối với các DN tư nhân là rất lớn và khách quan của cả nền kinh tế thế giới, song cũng cho thấy sức chống chịu với các cú sốc lớn từ bên ngoài của DN tư nhân Việt Nam vẫn còn khá thấp.

Biểu hiện tiếp theo thể hiện hiệu quả hoạt động của DN tư nhân Việt Nam có thể kể đến là lợi nhuận trước thuế của các DN này. Số liệu Bảng 1 cho thấy, lợi nhuận trước thuế của DN tư nhân rất nhỏ bé so với thu nhập trước thuế của toàn bộ các DN trong nền kinh tế, chỉ chiếm khoảng từ 0,1%-1,2%, năm 2020 tỷ trọng này còn bị âm. Nếu tình trạng lợi nhuận quá thấp hoặc không có lợi nhuận kéo dài thì các DN sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động ở giai đoạn tiếp theo như: thực hiện tái sản xuất mở rộng, đầu tư khoa học, công nghệ, cải tiến kỹ thuật và nâng cao năng lực cạnh tranh. Với bức tranh lợi nhuận trước thuế nêu trên có thể khẳng định chất lượng sản xuất kinh doanh của DN tư nhân Việt Nam rất thấp, chưa đáp ứng được mong đợi của nền kinh tế.

Nguồn: Tổng cục Thống kê, Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2022 và tính toán của tác giả

Năng suất lao động của doanh nghiệptư nhân Việt Nam

Hình 2: Năng suất lao động bình quân của DN tư nhân và năng suất lao động bình quân của các DN trong nền kinh tế (triệu đồng/năm)

Nguồn: Tổng cục Thống kê, Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2022 và tính toán của tác giả

Theo Tổng cục Thống kê, năng suất lao động bình quân của các doanh nghiệp trong toàn xã hội tăng lên khoảng 5%-6% hàng năm. Tuy nhiên, nếu xem xét số tuyệt đối thì năm 2022, năng suất lao động của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam mới đạt khoảng 274 triệu đồng/người lao động/năm (tương đương khoảng 11.000-12.000 USD/người/năm) và năng suất lao động bình quân của các doanh nghiệp trong nền kinh tế đạt khoảng 467 triệu đồng/người lao động/năm (tương ứng 20.000 USD/người/năm). Năng suất lao động của toàn nền kinh tế đạt 188 triệu đồng, tương đương hơn 8.000 USD.

Nhìn chung năng suất lao động của DN tư nhân Việt Nam quá thấp không chỉ so với năng suất lao động của các DN trong nền kinh tế mà còn thấp so với năng suất lao động của DN tư nhân ở các nước trong khu vực và thế giới. Đây là một thước đo khá quan trọng cho biết sự phát triển và giàu có của một nền kinh tế. Nếu năng suất lao động của các DN tư nhân không được cải thiện thì đây là một thách thức rất lớn đối với sự phát triển không chỉ DN tư nhân mà còn đối với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.

Các chỉ số tỷ số lợi nhuận ròng trên tài sản, tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên doanh thu, tỷ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu

Nhìn tổng thể chỉ số tỷ số lợi nhuận ròng trên tài sản (ROA) của các loại hình DN khác vẫn cao hơn chỉ số ROA của các DN tư nhân Việt Nam. Hiện nay, DN tư nhân có chỉ số ROA thấp nhất trong các loại hình DN và cũng như so với mặt bằng chung toàn xã hội, chứng tỏ hiệu quả sử dụng tài sản của các DN tư nhân không cao bằng ở các loại hình DN khác trong nền kinh tế. Điều này cho thấy, sự yếu kém của DN tư nhân so với các DN khác trong việc sử dụng tài sản là rõ nét.

Tương tự, chỉ số tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên doanh thu (ROS) ở các DN tư nhân vẫn còn thấp so với mức bình quân của các DN trong toàn xã hội và thấp hơn nhiều so với tỷ số ROS của các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và DN nhà nước. Điều này là hợp lý vì lợi nhuận trước thuế của các DN tư nhân khá thấp nên lợi nhuận sau thuế của các DN lại càng thấp hơn và kết quả là tỷ số ROS của các DN tư nhân là thấp nhất so với tỷ số ROS của các DN thuộc các thành phần kinh tế khác.

Một chỉ tiêu khác có thể phản ánh khá rõ nét chất lượng hoạt động của DN chính là tỷ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE). Tỷ số ROE là tỷ số quan trọng nhất đối với các cổ đông, đo lường khả năng sinh lợi trên mỗi đồng vốn của cổ đông thường là các khoản lãi được tạo ra từ lượng vốn đầu tư của DN tư nhân. Thực tế cho thấy, tỷ số ROE xủa DN tư nhân thấp hơn DN FDI, cao hơn của DN nhà nước và xấp xỉ bằng mức bình quân của toàn xã hội.

Chuyển dịch cơ cấu doanh nghiệp tư nhân theo hướng hiện đại

Những năm gần đây, một số DN tư nhân đang phát triển và chuyển dịch mạnh mẽ về cơ cấu, ngành nghề theo hướng công nghệ cao, đã và đang trở thành động lực quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Nhiều tên tuổi của các tập đoàn tư nhân của Việt Nam, như: Vingroup, Sun Group, T&T Group, Thaco, Vietjet, TH True Milk, Masan... đã được thế giới biết đến. Kim ngạch xuất khẩu của nhiều DN tư nhân đạt hàng triệu USD, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách và giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh, xã hội cho đất nước. Hiện nay, cả nước có 29 DN tư nhân có giá trị vốn hóa trên thị trường chứng khoán lớn hơn 1 tỷ USD... Một số DN tư nhân có quy mô tài sản khá lớn, hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao, hoặc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất kinh doanh như: Công ty TNHH phần mềm FPT, Công ty TNHH hệ thống thông tin FPT, Công ty TNHH sản xuất và kinh doanh Vinfast, Công ty cổ phần Dược Hậu Giang, Công ty cổ phần xây dựng Coteccons, Công ty cổ phần thực phẩm sữa TH… Các DN tư nhân này có tốc độ gia tăng tài sản rất cao, tăng bình quân khoảng 15,4%/năm, doanh thu tăng khoảng 11,7%/năm, năng suất lao động tăng khoảng 5,3%/năm. Nhìn chung, thời gian qua, các DN tư nhân đã có sự phát triển về số lượng nhưng DN tư nhân có quy mô lớn vẫn còn khá hạn chế, chưa đạt được như mong đợi.

Hội nhập quốc tế

Trong những năm qua, nhiều DN tư nhân Việt Nam đã có nhiều hoạt động hội nhập kinh tế thế giới không chỉ trên lĩnh vực hoạt động xuất- nhập khẩu mà còn đầu tư ra nước ngoài. Theo Tổng cục Thống kê, thời gian qua, DN tư nhân đã chiếm tỷ trọng lớn trong xuất khẩu, là động lực tăng trưởng chính của Việt Nam. Tuy nhiên, xu hướng chung thì tỷ trọng tổng kim ngạch xuất–nhập khẩu của các DN tư nhân Việt Nam đang có dấu hiệu giảm sút. Tỷ trọng đóng góp của các DN tư nhân và DN nhà nước trong tổng kim ngạch xuất khẩu đã giảm nhanh từ 45,8% năm 2010 xuống còn 28,5% năm 2016 và còn 25,6% năm 2022 (95,09 tỷ USD/371,85 tỷ USD của cả nền kinh tế). Nếu trừ đi phần xuất khẩu của các DN nhà nước, thì tỷ trọng xuất khẩu của các DN tư nhân Việt Nam còn khá thấp hơn, chỉ khoảng trên 18% trong tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2022, khoảng 65-67 tỷ USD. Điều này cho thấy, vị thế của các DN tư nhân Việt Nam khiêm tốn trong hoạt động thương mại quốc tế.

Ứng dụng công nghệ cao trong Cách mạng công nghiệp 4.0

Thách thức lớn nhất đối với DN tư nhân Việt Nam trong ứng dụng công nghệ của Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 là máy móc thiết bị khá cũ kỹ, lạc hậu và không theo kịp xu hướng hiện đại, nếu muốn “số hóa” công nghệ cũng phải mất nhiều thời gian, công sức và chi phí. Nhiều DN tư nhân có máy móc, thiết bị từ những năm 1960, máy móc của CMCN 2.0 (chiếm khoảng trên 60%), số DN tư nhân có công nghệ, máy móc của CMCN 3.0 (khoảng 25%) và rất ít DN tư nhân có công nghệ, máy móc hiện đại. Hơn nữa, trong tư duy và nhận thức của phần đông lãnh đạo DN tư nhân còn ở mức chậm đổi mới, không có nhận thức rõ ràng về ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, kinh doanh.

Theo khảo sát của Bộ Thông tin và Truyền thông, có đến 79% DN tư nhân trả lời là chưa làm gì để đón sóng CMCN 4.0; 55% DN tư nhân cho biết đang tìm hiểu, nghiên cứu; có 19% DN đã xây dựng kế hoạch và chỉ có 12% DN đang triển khai.

Giải pháp phát triển doanh nghiệp tư nhân trong bối cảnh mới

Để đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế đất nước, trong thời gian tới, cần triển khai đồng bộ một số giải pháp sau:

Một là, gỡ bỏ rào cản gây khó khăn cho DN tư nhân phát triển. Cụ thể, tiếp tục hoàn thiện thể chế, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính theo hướng hiện đại và hội nhập. Tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các DN thuộc các thành phần kinh tế khác nhau. Quyết liệt chống tham nhũng, tiêu cực và lợi ích nhóm.

Hai là, hỗ trợ mạnh mẽ DN tư nhân ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số vào sản xuất kinh doanh thông qua các biện pháp miễn giảm thuế, phí, hỗ trợ mặt bằng sản xuất kinh doanh, đào tào nguồn nhân lực chất lượng cao. Có biện pháp tích cực hỗ trợ các DN tư nhân phát triển trong các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí, chế tạo, chế biến và công nghệ cao. Lấy chủ trương nuôi dưỡng nguồn thu, cắt giảm tất cả các loại thuế và phí để các DN tư nhân từng bước lớn mạnh. Có chính sách miễn, giảm thuế cho các DN ứng dụng công nghệ cao và hỗ trợ DN tư nhân nhận chuyển giao công nghệ cao từ nước ngoài. Đồng thời, hỗ trợ thiết thực cho các DN tư nhân giải quyết vấn đề mặt bằng cho sản xuất kinh doanh, cho ứng dụng công nghệ cao cho đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Nhà nước hỗ trợ nguồn lực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các DN tư nhân.

Ba là, tạo điều kiện thuận lợi để DN tư nhận tiếp cận các nguồn vốn ngân hàng và nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước. Tháo bỏ các rào cản gây khó khăn cho các DN tư nhân tiếp cận nguồn vốn của các ngân hàng thương mại cổ phần. Đồng thời, Nhà nước tiến hành bảo lãnh để DN tư nhân có thể vay vốn của các ngân hàng để đầu tư vào sản xuất kinh doanh, thành lập quỹ bảo lãnh và quỹ cho vay ưu đãi để hỗ trợ các DN tư nhân có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh.

Bốn là, tạo thuận lợi để các DN tư nhân khởi nghiệp và hội nhập quốc tế. Đơn giản hóa các thủ tục khởi nghiệp, đăng ký kinh doanh. Tạo điều kiện thuận lợi tối đa để các DN tư nhân có thể hoạt động xuất-nhập khẩu trên các thị trường quốc tế. Tháo bỏ các rào cản để các DN tư nhân thuận lợi đầu tư ra nước ngoài và mở rộng sản xuất kinh doanh trên thị trường thế giới. Hỗ trợ thiết thực cho các DN tư nhân nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Tài liệu tham khảo:

Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội Đảng khóa XII, NXB Chính trị quốc gia;Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội Đảng khóa XIII, tập 1,2, NXB Chính trị quốc gia;Tổng cục Thống kê (2022), Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2022, NXB Thống kêTạ Thị Đoàn (2021), Giải pháp phát triển DN tư nhân của Việt Nam trong bối cảnh mới, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 31/2021;Nguyễn Ngọc Hà (2016), Phát triển DN Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, Tạp chí tài chính, kỳ II, tháng 10/2016.

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 7/2023

ThS, NCS. Lê Quốc - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh