Giáo dục pháp luật cho học sinh qua các phiên tòa giả định, lưu động

Học sinh Trường THPT Vĩnh Linh tham dự phiên tòa lưu động được tổ chức tại trường -Ảnh: TÚ LINH

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Quảng Trị, trong 2 năm 2022 và 2023, đã có 12 phiên tòa giả định, phiên tòa lưu động được ngành phối hợp cơ quan chức năng tổ chức tại các trường học, tập trung ở các trường THPT: Vĩnh Linh, Vĩnh Định, Đakrông, Cam Lộ, Hướng Hóa, Lê Lợi, chuyên Lê Quý Đôn...

Mới đây, vào ngày 11/11/2023, Trường THCS&THPT Đakrông, huyện Đakrông phối hợp với Đoàn thanh niên - Hội sinh viên, Phòng Công tác sinh viên, Hội Cựu chiến binh Trường Đại học Luật, Đại học Huế tổ chức chương trình tuyên truyền pháp luật về phòng, chống ma túy dưới hình thức phiên tòa giả định mô phỏng lại vụ án tàng trữ và sử dụng trái phép chất ma túy ở độ tuổi vị thành niên cho hơn 500 đoàn viên, thanh niên, học sinh nhà trường.

Chương trình đã mô phỏng thành công một phiên tòa hình sự theo đúng thủ tục và quy định pháp luật, giúp các đoàn viên, thanh niên, học sinh tiếp cận pháp luật một cách trực quan, sinh động và thấy được tính nghiêm minh của pháp luật. Từ đó, các bạn học sinh hiểu rõ hơn về tệ nạn ma túy cũng như hình phạt dành cho hành vi tàng trữ và sử dụng trái phép chất ma túy.

Phó Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Đakrông Nguyễn Khương Chinh cho biết, phiên tòa được xây dựng dựa trên vụ án có thật đã được tòa án xét xử bằng bản án có hiệu lực pháp luật. Việc tổ chức phiên tòa giả định là hình thức giáo dục pháp luật trực quan giúp học sinh dễ dàng tiếp cận các thông tin, kiến thức liên quan đến pháp luật mà hiệu quả giáo dục cũng được nâng cao, dễ dàng vận dụng pháp luật phục vụ cuộc sống.

Mới đây, TAND huyện Vĩnh Linh mở phiên tòa lưu động tại Trường THPT Vĩnh Linh, huyện Vĩnh Linh, xét xử vụ án liên quan đến hành vi buôn bán, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy. Bị cáo là 2 thanh niên tuổi đời còn rất trẻ, vì thiếu hiểu biết về pháp luật, kỹ năng sống còn hạn chế nên đã sa vào vòng lao lý.

Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Linh Nguyễn Hữu Thái, Hội thẩm nhân dân tại phiên tòa cho biết, toàn bộ học sinh lớp 12 và các thầy cô giáo của trường đã dự phiên tòa xét xử này. Bản án được tuyên với mức hình phạt 6 năm tù dành cho hai thanh niên phạm tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy” là lời cảnh tỉnh đối với tất cả mọi người về ý thức chấp hành luật pháp nói chung và học sinh nói riêng.

Với hình thức tuyên truyền trực quan, người thật, việc thật, mỗi cán bộ, giáo viên và học sinh sau khi theo dõi phiên tòa đã tự rút ra cho bản thân những kiến thức bổ ích về pháp luật, các kỹ năng sống cần thiết để tránh xa sự cám dỗ của ma túy cũng như các tệ nạn xã hội.

Bên cạnh đó, phiên tòa có tác dụng răn đe và phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật trong học đường, cũng như nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, giáo dục đạo đức, lối sống cho thanh thiếu niên.

Thực tế tình trạng các vụ bạo lực học đường, học sinh vi phạm pháp luật khi tham gia giao thông hay liên quan đến tội phạm ma túy... vẫn xảy ra với xu hướng ngày càng phức tạp hơn. Vì vậy, việc triển khai thực hiện mô hình phiên tòa giả định, phiên tòa lưu động rất cần thiết, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi các tệ nạn trong trường học.

Nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và phụ huynh về tuân thủ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định về giáo dục đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử, thời gian tới, Sở GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo các trường THPT trên toàn tỉnh duy trì và nhân rộng mô hình phiên tòa giả định để nâng cao hiệu quả công tác giáo dục và tuyên truyền pháp luật cho học sinh, góp phần nâng cao ý thức và hình thành chuẩn mực ứng xử đúng với quy định của pháp luật nhằm xây dựng môi trường học đường an toàn, lành mạnh, thân thiện.

Theo ông Lê Thiết Hùng, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, mặc dù các cơ quan chức năng nỗ lực để ngăn chặn nhưng tình trạng bạo lực, ma túy, tội phạm học đường vẫn xảy ra, trở thành nỗi bức xúc của toàn xã hội.

Các phiên tòa giả định, phiên tòa lưu động là hoạt động bổ ích giúp các em hiểu được trình tự diễn ra một phiên tòa, nắm được các văn bản, điều luật qua đó góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật.

Việc làm này còn giúp học sinh hiểu và có cách xử sự phù hợp, đúng quy định của pháp luật khi đối mặt với những mâu thuẫn trong cuộc sống và trong học đường; nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của mỗi học sinh, góp phần phòng ngừa tội phạm để xây dựng trường học hạnh phúc xã hội an toàn, văn minh.

Tú Linh