Giữ trọn ý nghĩa tủ sách pháp luật

Số người đọc còn hạn chế

Được gọi với cái tên "lò tiến sĩ xứ Đông", "Làng khoa bảng" do truyền thống ham học và có nhiều người giỏi, làng Mộ Trạch, xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương đã có nhiều cách làm để khuyến khích việc học và đọc sách của các thế hệ. Vào năm 2009, làng Mộ Trạch tổ chức lễ ra mắt Tủ sách họ Vũ (Võ) với rất nhiều đầu sách, nhiều thể loại như sách pháp luật, sách lịch sử, văn học, y học, khuyến học, khuyến nông…

Thời gian đầu ra mắt, số lượng sách tăng nhanh đáng kể, bởi thành viên họ Vũ ở các nơi trong nước và những người làng Mộ Trạch xa quê khi biết dòng họ, quê hương có tủ sách đã gửi về góp vào tủ sách. Bình quân có khoảng 30 người đến đọc, mượn sách mỗi ngày. Tuy nhiên, sau 15 năm hoạt động, tủ sách dần bị "lãng quên" khi số lượng người đến đọc rất hạn chế, nhiều cuốn sách đã rất lâu không có người sử dụng.

Theo ông Vũ Huy Cường, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tân Hồng, hiện nay, số lượt người đến khai thác, sử dụng tủ sách pháp luật chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ bởi mọi người yêu thích việc sử dụng điện thoại thông minh hơn. Do vậy, việc duy trì tủ sách pháp luật cần nhiều tâm huyết, công sức.

Các đại biểu trải nghiệm mô hình “Tủ sách pháp luật số” tại phường Cầu Tre, quận Ngô Quyền, TP. Hải Phòng. Nguồn: ITN

Tương tự như tại xã Trung Phúc, Trùng Khánh, Cao Bằng, tủ sách pháp luật cũng được đặt tại phòng làm việc của cán bộ công chức Tư pháp - Hộ tịch xã, song, trung bình hàng năm lượt người dân đến tìm đọc, tham khảo tài liệu tại tủ sách pháp luật của xã không đáng kể. Mặc dù UBND xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, lồng ghép với các buổi họp xóm về mục đích, ý nghĩa khai thác, sử dụng tủ sách pháp luật nhưng người dân chưa thật sự "mặn mà".

Tình trạng này cũng diễn ra tương tự tại xã vùng cao Lũng Nặm (Hà Quảng, Cao Bằng). Mặc dù tủ sách pháp luật của xã được hỗ trợ cấp phát, bổ sung hàng trăm đầu sách các loại nhưng đối tượng mượn đọc chủ yếu là cán bộ, công chức, các chức danh ở xóm; số người tìm đến với tủ sách ngày một ít đi, một tuần chỉ có vài người đến mượn sách.

Để người dân dễ tiếp cận, dễ tìm hiểu

Thực tế cho thấy, hiện nay, tại các xã, phường, thị trấn đều có tủ sách pháp luật đặt tại trụ sở UBND cấp xã, nhưng đều trong tình trạng vắng người đọc. Trung bình mỗi tủ sách pháp luật có trên 100 đầu sách pháp luật các loại, bảo đảm đúng 4 bộ phận sách theo quy định. Bao gồm: văn bản quy phạm pháp luật; sách pháp luật phổ thông; báo chí pháp luật của Trung ương và địa phương; sách hướng dẫn nghiệp vụ công tác chính quyền, công tác tư pháp cơ sở… Đồng thời, niêm yết nội quy hoạt động của tủ sách pháp luật.

Tuy nhiên, trước thực trạng người dân chưa có thói quen tự tìm hiểu pháp luật thông qua tủ sách pháp luật, không ít ý kiến cho rằng, cần phải tìm hướng đi mới. Theo đó, Bộ Tư pháp cần tham mưu Thủ tướng Chính phủ ra cơ chế, chính sách rõ ràng trong việc duy trì tủ sách pháp luật từ cấp tỉnh, cấp huyện đến cấp xã, thôn như nghiên cứu mô hình mới, nguồn kinh phí, cơ sở vật chất, đầu sách hấp dẫn, chế độ cho người trông coi, tập huấn về theo dõi, quản lý tủ sách pháp luật…

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, cần chiến lược dài hơi hơn để có thể duy trì tủ sách pháp luật như tăng cường tuyên truyền, lồng ghép việc khai thác tủ sách pháp luật với các hoạt động ngoại khóa, đặt tủ sách pháp luật tại vị trí thuận lợi, có sổ sách theo dõi đầy đủ, tập huấn công tác thư viện… Cùng với đó, tiếp tục duy trì tủ sách pháp luật theo cơ chế rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm.

Mô hình "Tủ sách pháp luật số" vừa được UBND phường Cầu Tre (quận Ngô Quyền, Hải Phòng) cho ra mắt là một điển hình trong việc tìm ra hướng đi mới để nâng cao hiệu quả tủ sách pháp luật. Tủ sách pháp luật số được treo tại khu vực một cửa UBND phường Cầu Tre, niêm yết tại phòng tiếp dân UBND phường và các bảng tin của các Tổ dân phố trên địa bàn phường, cũng như công khai trên Cổng thông tin điện tử của phường.

Theo đó, tủ sách được thiết kế bao gồm 11 mã QR Code; trong đó có 1 mã QR Code là tổng hợp chung các lĩnh vực; 10 mã QR Code các danh mục, bao gồm: Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; Hành chính; Lao động; Bảo hiểm; Dân sự; Hình sự; Cư trú hộ tịch; Đất đai; Thanh tra; Thanh niên và được mã hóa bằng mã QR Code, được cập nhật thường xuyên, liên tục theo các văn bản có hiệu lực hiện hành.

Với mô hình "Tủ sách pháp luật số", người dân có thể dễ dàng tiếp cận, tìm hiểu, nghiên cứu các văn bản pháp luật một cách nhanh nhất, chính xác nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chấp hành pháp luật, áp dụng pháp luật, giám sát thực thi pháp luật của cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân. Đây cũng là cẩm nang, cung cấp tư liệu cho cán bộ ở cơ sở nghiên cứu sử dụng, giải quyết công việc.

Đỗ Quyên