Gỡ khó cho thẻ học nghề

Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 121/2009/QĐ-TTg và sau đó, Chính phủ ban hành Nghị định số 61/2015/NĐ-CP quy định rõ việc hỗ trợ dạy nghề cho một số đối tượng; trong đó, hạ sĩ quan, binh sĩ (HSQ, BS) hoàn thành NVQS tại ngũ nếu có nhu cầu học nghề sơ cấp mà chưa được hỗ trợ đào tạo nghề từ chính sách hỗ trợ đào tạo nghề khác có sử dụng ngân sách nhà nước thì được cấp thẻ học nghề có giá trị tối đa 12 tháng tiền lương cơ sở và sử dụng trong một năm kể từ ngày cấp... Tuy nhiên, việc đào tạo nghề cho đối tượng này đang gặp một số khó khăn, bất cập, cần sớm tháo gỡ.

Nhiều thẻ học nghề đành để làm... kỷ niệm (!)

Tìm hiểu về chính sách ưu đãi học nghề và thực tế đào tạo tại một số trường dạy nghề, chúng tôi được biết: Trong những năm qua, hàng trăm nghìn thanh niên thuộc đối tượng được cấp thẻ học nghề (trong đó, đại đa số là thanh niên hoàn thành NVQS) đã được đào tạo nghề miễn phí, có việc làm để ổn định cuộc sống, đồng thời đóng góp tích cực vào sự phát triển của các địa phương và đất nước.

Rất nhiều trường dạy nghề đã tạo điều kiện tối đa, thu hút bộ đội xuất ngũ được cấp thẻ học nghề vào cơ sở của mình. Không chỉ cam kết giới thiệu việc làm cho học viên sau khóa học, nhà trường còn hỗ trợ thêm kinh phí và nơi ăn ở miễn phí cho người có thẻ học nghề, như: Trường Dạy nghề Thanh Xuân (Hà Nội); Trung tâm Đào tạo nghiệp vụ giao thông vận tải Bình Định; Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Sài Gòn (TP Hồ Chí Minh)...

Tuy nhiên, vẫn còn không ít trường dạy nghề “ngại” nhận, thậm chí không nhận đào tạo đối tượng có thẻ học nghề. Ví dụ ở tỉnh Thừa Thiên Huế hiện có hàng trăm HSQ, BS xuất ngũ đầu năm 2022 được cấp thẻ học nghề nhưng đến ngày 11-8 vẫn không thể đăng ký học nghề. Theo Thượng tá Trần Đình Thăng, Chính trị viên Ban CHQS huyện Phong Điền, hầu hết HSQ, BS xuất ngũ năm 2021 và 2022 ở địa phương có thẻ học nghề, khi đi đăng ký học thì có trường nhận nhưng đến nay vẫn chưa khai giảng được, có trường không tiếp nhận nên "thẻ học nghề đành để làm kỷ niệm".

Bộ đội xuất ngũ học nghề tại Trường Cao đẳng nghề số 21 - Bộ Quốc phòng. Ảnh: THANH QUÝ

Trao đổi với ông Ngô Sĩ Các, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Giao thông Huế, chúng tôi được biết: Việc một số cơ sở dạy nghề trong tỉnh không tiếp nhận đối tượng có thẻ học nghề là do Trường Cao đẳng nghề số 23 của Bộ Quốc phòng đứng chân trên địa bàn có chủ trương giải thể năm 2022 nên nhiều người được cấp thẻ học nghề dồn về các trường dân sự, trong khi năm 2022, địa phương chưa dự trù đủ kinh phí đào tạo cho đối tượng phát sinh này. Hiện Trường Cao đẳng Giao thông Huế đã tiếp nhận hơn 200 hồ sơ của bộ đội xuất ngũ có thẻ học nghề đăng ký học lái ô tô và vận hành máy xúc, nhưng đến nay vẫn chưa thể khai giảng vì chưa được bố trí nguồn kinh phí đào tạo. Nhà trường đã báo cáo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) tỉnh Thừa Thiên Huế và tỉnh cũng đã đề nghị với Bộ Tài chính, Bộ LĐ,TB&XH để bổ sung kinh phí đào tạo cho đối tượng có thẻ học nghề tại địa phương, nhưng chưa được giải quyết. Thẻ học nghề chỉ có giá trị trong một năm, nếu không đào tạo kịp thì thẻ sẽ hết giá trị. Nhà trường sẵn sàng ứng trước để đào tạo, nhưng nếu đào tạo xong mà không được thanh toán thì biết lấy gì bù vào khoản chi phí này...

Được biết, không riêng tỉnh Thừa Thiên Huế có tình trạng trên. Ngày 11-8, trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân (QĐND), ông Đào Trọng Độ, Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ,TB&XH) cũng bày tỏ trăn trở trước thực tế một bộ phận thanh niên được cấp thẻ học nghề theo chính sách ưu đãi của Nhà nước nhưng không được đào tạo nghề.

Theo ông Đào Trọng Độ, có 4 nguyên nhân chính: Một là, trong việc lập kế hoạch và dự toán ngân sách, một số địa phương chưa lập kế hoạch, dự toán kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp cho thanh niên để tổng hợp chung trong kế hoạch, dự toán chi ngân sách nhà nước của đơn vị gửi cơ quan tài chính; hoặc có lập kế hoạch, dự toán nhưng xác định chỉ tiêu, bố trí ngân sách thiếu so với nhu cầu thực tế, nhất là những tỉnh, thành phố trung tâm của vùng, có nhiều trường dạy nghề uy tín nên người học nghề ở những địa phương khác tìm đến đăng ký học, trong khi các trường dạy nghề không thể nhận đào tạo vượt chỉ tiêu được giao. Hai là, thời hạn sử dụng thẻ học nghề chỉ một năm nên những người được cấp thẻ mà bận việc gì đó do nguyên nhân khách quan, không thể đi học kịp thời thì sẽ thiệt thòi. Ba là, năm 2021, dịch Covid-19 khiến nhiều trường không tổ chức đào tạo được, dẫn đến rất nhiều người có thẻ học nghề không thể đi học và bị quá hạn. Bốn là, việc quyết toán tại nhiều địa phương còn vướng mắc về bố trí nguồn kinh phí, thủ tục, nên khá nhiều trường dạy nghề chưa được thanh toán chi phí đào tạo cho học viên có thẻ học nghề từ những năm trước, dẫn đến tâm lý ngại tiếp nhận người có thẻ học nghề.

Cần sớm “gỡ khó”...

Mỗi năm, cả nước có số lượng lớn HSQ, BS xuất ngũ (chưa kể lực lượng công an xuất ngũ và thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội cũng được cấp thẻ học nghề). Đây là lực lượng lao động đông đảo và có chất lượng tốt bởi họ không chỉ ở độ tuổi trẻ khỏe nhất, mà còn được học tập, rèn luyện trong môi trường quân đội nên có nhiều phẩm chất, năng lực cần thiết, như: Nhận thức chính trị, đạo đức, lối sống tốt, sức chịu đựng trong môi trường hoạt động cường độ cao, tính tự giác, đoàn kết, kỷ luật và phương pháp tổ chức thực hiện các nhiệm vụ... Vì vậy, nếu việc dạy nghề, tạo việc làm cho bộ đội xuất ngũ được tổ chức hiệu quả thì sẽ là nguồn lực to lớn để phát triển địa phương và đất nước.

Theo đại diện Phòng Quân số, chính sách (Cục Quân lực, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam): Thực hiện chủ trương của cấp trên, hiện nay, cơ bản các trung tâm dạy nghề và trường trung cấp nghề trong quân đội đã giải thể. Nắm được những khó khăn, bất cập trong tổ chức đào tạo nghề cho quân nhân xuất ngũ được cấp thẻ học nghề tại các cơ sở ngoài quân đội, Bộ Quốc phòng đã có văn bản đề nghị Bộ LĐ,TB&XH chủ trì, báo cáo, đề xuất Chính phủ xem xét gia hạn sử dụng thẻ học nghề năm 2021 nói riêng và kéo dài thời hạn sử dụng của thẻ học nghề nói chung, cũng như đề nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định số 61/2015/NĐ-CP của Chính phủ trong thời gian tới.

Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo các trường dạy nghề và cơ quan chức năng đều bày tỏ mong muốn Bộ LĐ,TB&XH cùng với Bộ Tài chính cần sớm tham mưu, đề xuất với Chính phủ sửa đổi các quy định không còn phù hợp để “gỡ khó” cho đào tạo nghề đối với các đối tượng được cấp thẻ học nghề. Ngoài kéo dài thời hạn sử dụng thẻ học nghề lên 2 đến 3 năm (trước mắt là gia hạn sử dụng cho thẻ học nghề cấp năm 2021), cần xem xét tăng mức hỗ trợ học nghề để có thể học những nghề phù hợp với yêu cầu phát triển, việc làm trong tình hình mới. Đặc biệt, cần cho phép dùng thẻ học nghề để học cả bậc trung cấp, cao đẳng nghề, nếu giá trị của thẻ còn thiếu so với chi phí đào tạo ở những bậc này thì người học phải nộp thêm tiền (quy định hiện hành chỉ được dùng thẻ để học nghề trình độ sơ cấp).

Quá trình tìm hiểu viết bài này, chúng tôi còn nhận thấy, việc các địa phương yêu cầu các trường dạy nghề phải báo cáo trước số lượng người học nghề bằng thẻ học nghề để lập kế hoạch phân bổ kinh phí, chỉ tiêu từ đầu năm là không phù hợp, bởi các trường rất khó dự đoán đúng số lượng người đăng ký học, nhất là HSQ, BS hoàn thành NVQS thường xuất ngũ vào tháng 1 hoặc tháng 2 và người được cấp thẻ học nghề có quyền chọn trường học ở địa phương khác. Phương án hợp lý hơn là cho các trường báo cáo dự toán và tạm ứng kinh phí đào tạo, rồi thanh quyết toán vào cuối năm theo số lượng học viên được cấp thẻ học nghề. Làm như vậy sẽ tránh được tình trạng người có thẻ học nghề bị các trường từ chối đào tạo vì đã đủ chỉ tiêu được phân bổ.

Theo ông Đào Trọng Độ, Bộ LĐ,TB&XH đã gửi văn bản đề nghị các địa phương rà soát, báo cáo rõ kết quả thực hiện chính sách và những khó khăn, vướng mắc trong việc đào tạo, sử dụng thẻ học nghề để tổng hợp đầy đủ, có số liệu cụ thể, làm cơ sở đề nghị Chính phủ xem xét, có biện pháp khắc phục.

Hy vọng những vướng mắc, bất cập nêu trên sẽ sớm được tháo gỡ để bảo đảm quyền lợi cho hàng vạn thanh niên được cấp thẻ học nghề.

Nhiều trường dạy nghề và đối tượng được cấp thẻ học nghề kiến nghị: Nhà nước cần nghiên cứu làm “thẻ tín dụng học nghề” cấp cho đối tượng được ưu đãi học nghề để bảo đảm tiện dụng hơn. Khi đi học, thẻ tín dụng sẽ chuyển luôn chi phí đào tạo cho nhà trường. Nếu chi phí đào tạo không hết hạn mức của thẻ, hoặc trong thời hạn của thẻ, người được ưu đãi học nghề không đi học thì khoản hỗ trợ đó sẽ tự động chuyển trả vào ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, cần có chính sách hỗ trợ hợp lý đối với thanh niên đã tự học nghề hoặc học cao đẳng, đại học trước khi nhập ngũ để những người này nếu không học nghề nữa thì cũng không bị thiệt thòi, nhất là khi nước ta đang khuyến khích công dân có trình độ cao nhập ngũ.

HUY QUANG - DUY HIỂN