Hà Nội: Siết chặt kỷ cương, đề cao trách nhiệm người đứng đầu

Quang cảnh buổi làm việc

Nội lực của nền kinh tế khá vững

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quý III và 9 tháng năm 2022. Theo đó, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý III tăng 15,71%, lũy kế 9 tháng tăng 9,69% so với cùng kỳ, là mức tăng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây (cả nước tăng 8,83%). Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thực hiện đạt 243.911 tỷ đồng, bằng 78,3% dự toán, bằng 112,3% so với cùng kỳ. Chi ngân sách địa phương thực hiện đạt 48.672 tỷ đồng, tương đương 45,5% dự toán, bằng 109,8% so với cùng kỳ năm 2021.

Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 9 tháng đạt 1,02 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ. Thành phố đã cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập cho gần 22.000 doanh nghiệp với số vốn đăng ký 241.700 tỷ đồng, tăng 25% về số lượng doanh nghiệp và tăng 2% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2021.

Về thực hiện phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ, Hà Nội đã hoàn thành công tác chi trả hỗ trợ cho 12/12 nhóm đối tượng khó khăn do ảnh hưởng bởi Covid-19; đã thẩm định hồ sơ và phê duyệt hỗ trợ cho 2,91 triệu lượt đối tượng với kinh phí gần 3.000 tỷ đồng. Thành phố thực hiện tốt các chính sách miễn, giảm thuế, lệ phí; có hơn 61.000 doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh đã được giảm thuế VAT với tổng số thuế được giảm hơn 10.000 tỷ đồng; có hơn 17.000 đơn vị đã được gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất với tổng số tiền 6.246 tỷ đồng.

Thay mặt UBND TP. Hà Nội, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh báo cáo, làm rõ thêm một số nội dung các đại biểu Quốc hội thành phố quan tâm.

Ông Trần Sỹ Thanh cho biết, 9 tháng đầu năm 2022, kinh tế của Thủ đô đã phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ. Thu ngân sách đạt nhiều kết quả tích cực, đặc biệt tỷ trọng thu nội địa đang tiệm cận dần với TP. Hồ Chí Minh, điều đó cho thấy nội lực nền kinh tế của Hà Nội, khả năng hứng chịu trước những biến động của thị trường, hay những biến động khác của Hà Nội là khá vững.

An sinh xã hội được đảm bảo, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. TP. Hà Nội vẫn kiểm soát tốt dịch Covid-19. Dưới sự lãnh đạo của Thành ủy, sự vào cuộc của ngành y tế và các ngành liên quan, thành phố đã chủ động được nguồn thuốc và các sinh phẩm y tế, không để tình trạng thiếu, đây là kết quả rất đáng được ghi nhận.

Ông Trần Sỹ Thanh khẳng định, đạt kết quả này do thời gian qua đồng chí Bí thư Thành ủy - Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố và các vị đại biểu Quốc hội thành phố đã luôn quan tâm chỉ đạo sâu sát, hiệu quả đối với hoạt động của UBND thành phố và các cơ quan, tổ chức liên quan. Đồng thời, Chủ tịch UBND thành phố mong muốn trong thời gian tới, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với UBND thành phố để triển khai thực hiện và hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch năm 2022 của thành phố.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu kết luận buổi làm việc

Thực hiện tốt chủ đề công tác năm “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển"

Sau khi nghe đại diện Tòa án Nhân dân, Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố báo cáo, nêu ý kiến thảo luận, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của thành phố trong bối cảnh khó khăn, nhờ đó, đạt kết quả tích cực trên các lĩnh vực, nhất là phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng, bảo đảm an sinh xã hội.

Kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đánh giá cao kết quả công tác phối hợp giữa Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố với Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án Nhân dân, Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố thời gian qua; đồng thời ghi nhận các báo cáo, nhất là ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhân dân và các cơ quan thành phố để tổng hợp, báo cáo với Quốc hội.

Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố đề nghị các đại biểu Quốc hội trong đoàn tiếp tục theo sát, nắm chắc tình hình thực tiễn của địa phương; tăng cường giám sát, đồng hành cùng thành phố. Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan tư pháp, sở, ngành thành phố tiếp thu nghiêm túc các ý kiến đại biểu Quốc hội nêu, tập trung khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, ông Đinh Tiến Dũng chỉ đạo tiếp tục triển khai thực hiện tốt các nghị quyết, chỉ thị của trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; thực hiện tốt chủ đề công tác năm “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”; siết chặt kỷ cương, kỷ luật; đề cao trách nhiệm cá nhân, nhất là trách nhiệm người đứng đầu.

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng yêu cầu phải thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án đầu tư; đôn đốc quyết liệt tiến độ các công trình trọng điểm, thiết yếu; thực hiện kế hoạch đầu tư 3 lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa.

Đặc biệt, đẩy mạnh thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, trước hết là công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư. Thành phố sẽ lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ này là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá cán bộ...

Trong 3 tháng cuối năm 2022, các sở, ban, ngành của TP. Hà Nội tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong tình hình mới theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 16/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao các chỉ số PCI, SIPAS, PAPI, trong đó, tập trung cải thiện các chỉ số thành phần làm các chỉ số PCI và PAR Index giảm bậc; đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối các sự kiện chính trị, văn hóa, thể thao trên địa bàn…

Nguyên Phương