Hai cựu lãnh đạo Học viện Quân y nhận 'cảm ơn' từ Công ty Việt Á

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương vừa ban hành, truy tố Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ ệt Á; Vũ Đình Hiệp, Phó tổng giám đốc; Trịnh Thanh Hùng, cựu Phó vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành Kinh tế - kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ.

Cùng với đó, 4 cựu cán bộ Học viện Quân y bị truy tố và đưa ra xét xử gồm: Hồ Anh Sơn, cựu Thượng tá, cựu Phó giám đốc Viện Nghiên cứu y dược học quân sự, Học viện Quân y bị cáo buộc tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”;

Bị cáo Nguyễn Văn Hiệu, cựu Trưởng phòng Trang bị vật tư, Học viện Quân Y; Ngô Anh Tuấn, cựu Trưởng phòng Tài chính, Học viện Quân Y; Lê Trường Minh, Trưởng ban Hóa dược, Phòng trang bị - Vật tư, Học viện Quân Y bị cáo buộc tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.

Ông Đỗ Quyết thời điểm còn là lãnh đạo Học viện Quân y.

Trong vụ án này, Viện Kiểm sát cũng xác định, hành vi của một số cựu lãnh đạo Học viện Quân y có dấu hiệu tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo cáo trạng, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về triển khai lực lượng tham gia hỗ trợ tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh lấy mẫu xét nghiệm Covid-19, Trung tướng Đỗ Quyết (thời điểm này giữ chức vụ Giám đốc Học viện Quân y) đã ký các kế hoạch tổ chức trung tâm xét nghiệm dã chiến.

Để triển khai thực hiện kế hoạch, Đại tá Nguyễn Văn Hiệu, Trưởng phòng Trang thiết bị vật tư đã giao Lê Trường Minh, Trưởng ban Hóa dược liên hệ Thượng tá Hồ Anh Sơn, Phó giám đốc Viện Nghiên cứu y dược học quân sự nhờ ứng kit xét nghiệm của Công ty Việt Á.

Để có kinh phí mua vật tư y tế phòng chống dịch, Trung tướng Đỗ Quyết đã ký công văn đề nghị thủ trưởng Bộ Quốc phòng đảm bảo nguồn kinh phí hơn 19 tỷ đồng và đề nghị được mua sắm bằng hình thức chỉ định thầu. Thủ trưởng Bộ Quốc phòng đồng ý với đề nghị của Học viện Quân y.

Tuy nhiên, Học viện Quân y đã không thực hiện việc chỉ định thầu theo đúng quy định, mà ứng kit xét nghiệm trước từ Công ty Việt Á rồi hợp thức hồ sơ chỉ định thầu sau.

Để thanh toán số kit xét nghiệm đã ứng trước để sử dụng tại Bắc Ninh và Bắc Giang, Nguyễn Văn Hiệu đã chỉ đạo Lê Trường Minh soạn thảo 2 bộ hồ sơ hợp thức chỉ định thầu cho Công ty Việt Á.

Các hồ sơ này đều được ghi lùi ngày cho phù hợp thời gian Học viện Quân y ứng kit xét nghiệm của Công ty Việt Á, sau đó Hiệu mang trình lên Trung tướng Đỗ Quyết và Thiếu tướng Hoàng Văn Lương ký duyệt.

Cũng theo cáo trạng, sau khi được “lại quả” hàng tỷ đồng từ Công ty Việt Á, Nguyễn Văn Hiệu đưa cho cựu Thiếu tướng Hoàng Văn Lương, Phó giám đốc Học viện 50 triệu đồng với lý do là “quà do các công ty bán vật tư y tế bồi dưỡng”.

Một lần khác, sau khi nhận 3 tỷ đồng từ Vũ Đình Hiệp, Phó giám đốc Công ty Việt Á, Hiệu chia lại cho Hồ Anh Sơn hơn 2 tỷ đồng; cho cựu Trung tướng Nguyễn Viết Lượng 200 triệu đồng; cựu Thiếu tướng Hoàng Văn Lương 100 triệu; cho Ngô Anh Tuấn 300 triệu đồng.

Khi các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin Côn ty Việt Á đang bị điều tra, Hiệu đã báo cáo ông Đỗ Quyết và Ban Thường vụ Đảng ủy Học viện Quân y, tự nguyện nộp lại 3,699 tỷ đồng (trong đó có 300 triệu đồng của Ngô Anh Tuấn trả lại).

Cùng với đó, Trung tướng Nguyễn Viết Lượng và Thiếu tướng Hoàng Văn Lương cũng đã nộp lại số tiền Hiệu đưa.

Theo Viện Kiểm sát đánh giá, hành vi của ông Đỗ Quyết, Hoàng Văn Lương do tin tưởng cấp dưới trong nghiên cứu thực hiện đề tài và đấu thầu mua kit xét nghiệm, nên chưa kịp thời phát hiện, ngăn chặn vi phạm của cấp dưới.

Thêm vào đó, ông Hoàng Văn Lương vì tin tưởng, không xem biên bản bàn giao do Công ty Việt Á soạn thảo, Hồ Anh Sơn trình nên đã ký; Thiếu tướng Lê Bách Quang, Chủ tịch Hội đồng, do tin tưởng kết quả nghiên cứu của Học viện Quân y nên thông qua nghiệm thu giai đoạn 1 và nghiệm thu đề tài.

Tuy nhiên do thời hạn điều tra vụ án đã hết nên Cơ quan Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng tách hành vi sai phạm của ông Đỗ Quyết, Hoàng Văn Lương để thu thập thêm tài liệu, chứng cứ, đánh giá mức độ sai phạm.

Huệ Nguyễn