Hàng xuất khẩu Việt Nam thăng hạng độ phức tạp: Chưa vui...

Theo Chỉ số Độ phức tạp Kinh tế (ECI) năm 2019 mới cập nhật của Growth Lab thuộc Trung tâm Phát triển Quốc tế, Đại học Harvard, tỷ trọng hàng hóa xuất khẩu có hàm lượng công nghệ cao của Việt Nam tăng mạnh so với năm trước đó.

Chỉ số ECI đo lường sự đa dạng và mức độ tinh vi về công nghệ của các loại hàng hóa xuất khẩu của một quốc gia cũng như khối lượng hàng hóa xuất khẩu.

Việt Nam đứng thứ 56 trong bảng xếp hạng gồm 133 quốc gia trên thế giới, tăng 4 bậc so với năm 2018. Thứ hạng của Việt Nam đã tăng 14 bậc so với năm 2010 và 51 bậc so với năm 1995.

So với các quốc gia trong khu vực, Việt Nam hiện xếp cao hơn Indonesia (vị trí 61), Campuchia (88), Lào (92) và Myanmar (114). Tuy nhiên, Việt Nam xếp sau khá xa so với Singapore (vị trí 5), Thái Lan (23), Malaysia (24) và Philippines (28).

Xếp hạng về mức độ phức tạp hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tăng đều đặn trong nhiều thập kỷ qua. Ảnh: ECI

Sẽ vui hơn nếu như sự thăng hạng của Việt Nam trong xếp hạng về độ phức tạp, tinh vi của hàng hóa thuộc về doanh nghiệp Việt Nam. Đằng này, trong nhiều năm qua, doanh nghiệp FDI vẫn bao trọn xuất khẩu các mặt hàng này. Đó là điện thoại; máy vi tính, sản phẩm điện tử; máy móc, thiết bị phụ tùng...

Từ năm 2012, ngành điện tử đã vượt qua ngành dệt may để trở thành ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Trong vòng 10 năm từ năm 2010 đến năm 2019, thứ hạng của Việt Nam trên thế giới xét về giá trị xuất khẩu ngành điện tử cũng liên tục tăng và vươn lên vị trí thứ 8 thế giới năm 2019.

Năm 2019, Việt Nam xuất khẩu 117 tỷ USD hàng điện tử, chiếm tỷ trọng lớn nhất lớn nhất trong tổng kim ngạch xuất khẩu (350 tỷ USD) với 33,4%. Tỷ trọng của mặt hàng này năm 2018 là 36,7% và 9,6% vào năm 2010, theo ECI.

Trong khi đó, theo Tổng cục Thống kê, nhờ tốc độ tăng trưởng ấn tượng, điện tử, máy tính và linh kiện đã vượt qua dệt may trở thành nhóm hàng xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam kể từ năm 2019.

Năm 2020, doanh nghiệp FDI chiếm 95% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng điện tử trong năm 2020. Tỷ lệ nội địa hóa ngành công nghiệp điện tử hiện nay rất thấp, chỉ khoảng 5-10%.

Trong khi đó, doanh nghiệp Việt ghi nhiều dấu ấn trong xuất khẩu nông sản. Việt Nam là một trong những cường quốc xuất khẩu nông sản của thế giới với mức độ tăng trưởng hằng năm 5-7% tính từ 2015 đến nay. Thế nhưng, phần lớn nông sản xuất đi là ở dạng thô hoặc được sơ chế có giá trị gia tăng thấp, còn lượng hàng có chế biến sâu, mang lại giá trị gia tăng cao còn hạn chế.

Trong một hội nghị về chế biến và phát triển thị trường nông sản diễn ra hồi cuối tháng 4/2021 tại Cần Thơ, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đã đưa ra con số chứng minh điều này. Theo đó, sản phẩm sơ chế có giá trị gia tăng thấp chiếm 70-80%, trong khi sản phẩm chế biến sâu có giá trị gia tăng cao chỉ chiếm 15-30% (tùy theo cơ cấu mặt hàng).

Cho nên, gia tăng sản phẩm chế biến là một trong những mục tiêu lớn của ngành nông nghiệp Việt Nam. Có làm được điều này mới tạo ra được giá trị gia tăng cao hơn, đồng thời giải quyết được điệp khúc “nông sản vào mùa dẫn đến cung vượt cầu, rớt giá”, “được mùa, rớt giá”.

Minh Thái