Hiến kế tháo gỡ 'nút thắt', thúc đẩy tăng trưởng

Phó trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình ĐẶNG BÍCH NGỌC:
Chủ động, đồng hành trong tiến trình phục hồi và phát triển

Qua 2 lần tổ chức từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tôi thấy rằng, với sự chuẩn bị công phu, bài bản, kỹ lưỡng, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2021, Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2022 đã thể hiện tinh thần đổi mới, chủ động đi trước một bước của Quốc hội; luôn sẵn sàng đồng hành với Chính phủ, các địa phương trong tiến trình phục hồi và phát triển. Qua đó, đã cung cấp những thông tin quan trọng, ý tưởng mang tính đột phá, làm căn cứ cho việc hoạch định các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cả trong ngắn hạn và dài hạn.

Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023 với chủ đề: “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững” có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thể chế hóa chính sách để giải quyết các vấn đề cấp bách, cũng như đề ra định hướng trung và dài hạn trong phát triển kinh tế - xã hội. Nhất là trong bối cảnh 2023 là năm giữa nhiệm kỳ 2021 - 2025; đồng thời, cũng là năm thứ hai thực hiện Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Với việc lựa chọn “trúng và đúng” 4 nhóm nội dung chính để tập trung thảo luận, tôi mong rằng, Diễn đàn năm nay sẽ là kênh thông tin quan trọng để Quốc hội làm tốt hơn nhiệm vụ lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước tại Kỳ họp thứ Sáu sắp tới.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hưng Yên TRẦN THỊ TUYẾT HƯƠNG:
Kiểm chứng tính “đúng - trúng” của các dự báo

Khép lại năm 2022, nhiều chuyên gia, nhà quản lý cho rằng Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức trong năm 2023. Đó là tình trạng khan hiếm đơn hàng từ các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… do tình hình lạm phát và nhu cầu mua sắm giảm. Song song với đó, các chuyên gia cũng nhận định, kinh tế Việt Nam năm 2023 cũng sẽ đứng trước trước ba “cơn gió nghịch” cần vượt qua đó là: chính sách thắt chặt tiền tệ, chiến tranh giữa Nga và Ukraine và kinh tế Trung Quốc giảm tốc… Với việc nhận diện các yếu tố thách thức, khó khăn cả khách quan lẫn chủ quan, Việt Nam đã đưa ra kịch bản ứng phó, chủ động linh hoạt nào để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đã được giao; kết quả của việc thực hiện theo kịch bản đó như thế nào? Đó là một trong những nội dung tôi đặc biệt quan tâm tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023…

Tôi cho rằng, việc đánh giá đầy đủ, toàn diện bức tranh kinh tế - xã hội trong 9 tháng qua sẽ góp phần “kiểm chứng” lại những dự báo, nhận định cũng như những giải pháp trong kịch bản tăng trưởng đã được đưa ra trước đó có “đúng - trúng” hay không? Với những “con số biết nói” tại diễn đàn sẽ là minh chứng rõ nét nhất cho nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong việc vượt qua những “cơn gió nghịch”. Đồng thời, với những mảng “sáng - tối” đan xen trong bức tranh kinh tế - xã hội của đất nước 9 tháng qua cũng sẽ là cơ sở để nhận diện được những nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan của những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Chỉ khi “bắt đúng bệnh” thì mới đưa ra được phương thuốc hữu hiệu để nền kinh tế vĩ mô của đất nước thực sự phục hồi sau những cơn “bạo bệnh” và có sức đề kháng để vượt qua những rủi ro, thách thức bủa vây.

Tôi tin rằng, Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023 sẽ bật ra được nhiều giải pháp thiết thực khơi thông nguồn lực, kiến tạo các động lực thúc đẩy tăng trưởng… Như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm 2023 phải phục vụ cho mục tiêu trước mắt, nhưng vẫn phải đảm bảo vấn đề căn cơ, lâu dài. Các giải pháp đưa ra phải hợp lý, khả thi và toàn diện, phải tác động tới cả tổng cung và tổng cầu…

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Giang NGHIÊM XUÂN HƯỞNG:
Góp sức đưa kinh tế vĩ mô “cán đích”

Tôi rất ấn tượng với chủ đề "Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững" của Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023. Tại kỳ họp thường kỳ giữa năm vừa qua của Quốc hội, chúng ta vui mừng vì khép lại 6 tháng đầu năm, nền kinh tế vĩ mô duy trì ổn định. Tuy nhiên, những băn khoăn, trăn trở vẫn còn hiện hữu khi hầu hết các động lực tăng trưởng suy giảm; thị trường tiền tệ, tài chính, bất động sản tiềm ẩn không ít rủi ro; hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn; việc làm, thu nhập của người lao động bị cắt giảm, bảo hiểm xã hội chịu nhiều áp lực…

“Biết mình biết ta, trăm trận trăm thắng”, đó là bài học được đúc kết. Với việc nhận diện đầy đủ các khó khăn, thách thức, để cộng đồng doanh nghiệp nói chung, cũng như các trụ cột của nền kinh tế vĩ mô của đất nước sẽ chủ động, linh hoạt trước mọi kịch bản tăng trưởng. Điều tôi cũng như cử tri và Nhân dân trong cả nước kỳ vọng lớn nhất đó chính là thông qua Diễn đàn sẽ tìm kiếm các giải pháp, chính sách để tháo gỡ "nút thắt", khơi thông nguồn lực, kiến tạo các động lực thúc đẩy tăng trưởng. Đồng thời, sẽ góp phần để Chính phủ có thể tìm ra được phương thức, cách thức điều hành, chèo lái “con thuyền” kinh tế vĩ mô vượt qua khó khăn, phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng, phát triển bền vững, phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ theo các nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 cũng như giai đoạn 2021 - 2025 và các nghị quyết khác của Quốc hội…

T. TÂM, N. ÁNH, B. HỢP thực hiện