Hòa Bình: Hàng hóa ổn định sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024

Hàng hóa dồi dào sau Tết

Ngày 26/2, ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương tại một số siêu thị và chợ truyền thống trên địa bàn TP. Hòa Bình, hầu hết các chợ, siêu thị đã hoạt động trở lại, khách hàng ra vào tấp nập. Trên các quầy kệ có đủ các sản phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng thiết yếu với nguồn hàng phong phú, đa dạng.

Sau Tết Nguyên đán, các siêu thị, chợ truyền thống ở tỉnh Hòa Bình đã hoạt động trở lại với nguồn hàng dồi dào, đa dạng, giá cả bình ổn

Cụ thể, tại siêu thị Hoàng Sơn Plaza (phường Đồng Tiến, TP. Hòa Bình), chị Bùi Thái Ninh (phường Quỳnh Lâm) chia sẻ: “Dịp trước Tết do công việc bận rộn nên tôi không chuẩn bị được nhiều thực phẩm và tôi cũng không còn thói quen trữ nhiều đồ trong tủ lạnh mỗi dịp Tết nữa. Bởi lẽ các chợ truyền thống, siêu thị, tạp hóa thường hoạt động trở lại ngay từ mùng 2 - 4 Tết, đáp ứng đầy đủ nhu cầu về thực phẩm tươi sống cũng như các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu".

Hoạt động mua bán tại các chợ, siêu thị đã trở lại bình thường ngay từ chiều mùng 2 Tết

Còn chị Nguyễn Lan Hương, tiểu thương tại chợ Vồ (TP. Hòa Bình) cho biết, hoạt động mua bán đã trở lại bình thường ngay từ chiều mùng 2 Tết. Các mặt hàng người dân chọn mua chủ yếu là thực phẩm tươi sống, rau xanh, hoa quả tươi và đồ lễ phục vụ nhu cầu ăn uống, đi lễ chùa đầu Xuân của người dân.

Giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm trở về mức như giá ngày thường

Theo chị Hương, giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm trở về mức như giá ngày thường. Cụ thể, thịt bò có giá 250 - 280 nghìn đồng/kg; thịt lợn 100 - 150 nghìn đồng/kg tùy từng loại; cá trắm dao động từ 80 - 100 nghìn đồng/kg; tôm 230 - 300 nghìn đồng/kg… Các loại rau xanh phổ biến như: Su hào, bắp cải có giá 10 - 15 nghìn đồng/kg; cải thảo 20 nghìn đồng/kg; giá gạo tăng nhẹ từ 2 - 5 nghìn đồng/kg.

Theo thống kê của Sở Công Thương Hòa Bình, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 2/2024 ước đạt 7.389 tỷ đồng

Ngoài ra, hoa quả, trái cây được các tiểu thương nhập về với số lượng lớn, phong phú về chủng loại. Mặt khác, thời điểm này người dân đi lễ chùa khá đông, nhu cầu mua hoa quả, trái cây, bánh kẹo, đồ hàng mã… rất lớn. Do đó, nhiều loại trái cây, bánh kẹo vẫn giữ giá so với thời điểm sát Tết Nguyên đán.

Cùng với chợ, siêu thị, từ ngày 14/2, hầu hết các hàng quán đã mở cửa trở lại. Khảo sát tại trung tâm thành phố, các huyện trong tỉnh, lượng cửa hàng hoạt động chiếm trên 90%. Đặc biệt, tại tuyến phố đi bộ (TP. Hòa Bình), 100% hàng quán đã mở cửa, thu hút đông thực khách... Theo thống kê của Sở Công Thương Hòa Bình, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong tháng 2/2024 ước đạt 7.389 tỷ đồng.

Kiên quyết xử lý tình trạng “chặt chém” người dân, du khách

Thực hiện đợt cao điểm phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2024, ngay sau Tết, Cục Quản lý thị trường và các ngành chức năng liên quan như: Công Thương, Công an, thuế… tăng cường kiểm tra, xử lý các cơ sở kinh doanh, sản xuất có dấu hiệu thiếu minh bạch trong giá cả, nguồn gốc sản phẩm. Kiên quyết xử lý dứt điểm các tình trạng chặt chém du khách, người dân, thiếu minh bạch trong kinh doanh.

Ông Đỗ Mạnh Dũng, Trưởng phòng Nghiệp vụ tổng hợp - Cục Quản lý thị trường ỉnh Hòa Bình thông tin, trong đợt cao điểm, Ban chỉ đạo 389 tỉnh đã kiểm tra, phát hiện, xử lý 110 vụ, tổng số tiền xử phạt, truy thu thuế trên 327,9 triệu đồng; khởi tố 4 vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép pháo nổ, thu giữ gần 500 quả pháo nổ, 89 ống pháo hoa, 600 viên đạn chì, 3 kg nguyên liệu làm pháo; riêng lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra 91 cuộc, xử lý 68 vụ, tổng số tiền xử phạt và truy thu thuế trên 194 triệu đồng.

Các doanh nghiệp tham gia bình ổn giá cam kết duy trì giá bán, mặt hàng, điểm bán hàng trong suốt thời gian bình ổn giá từ ngày 3/1/2024 đến ngày 29/2/2024

Đặc biệt, trong nhiều giải pháp kiểm soát thị trường thì chương trình bình ổn giá được xem là một giải pháp quan trọng góp phần ổn định giá cả thời điểm Tết Nguyên đán. Năm nay, toàn tỉnh Hòa Bình có 5 doanh nghiệp tham gia chương trình gồm: Công ty CP đầu tư Anh Sơn, Công ty CP Định Nhuận, Công ty TNHH Anh Phong, Công ty CP dịch vụ thương mại tổng hợp Vincomere (chi nhánh Hòa Bình), Công ty CP thương mại Tuấn Khánh.

Tổng số tiền 5 doanh nghiệp tự bình ổn giá là 48 tỷ đồng. Các doanh nghiệp tham gia bình ổn giá cam kết duy trì giá bán, mặt hàng, điểm bán hàng trong suốt thời gian bình ổn giá từ ngày 3/1/2024 đến ngày 29/2/2024. Trong đó chủ yếu là các hàng hóa tiêu dùng thiết yếu như: Gạo, dầu ăn, mì chính, bánh kẹo, mứt, nước giải khát, xăng dầu.

Dần Thanh