Hoàn thiện quy định pháp luật về thẩm quyền, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND trong hoạt động giám sát

Trình bày tóm tắt Tờ trình đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân tại Phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (chiều 15/4), Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm nhấn mạnh sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (gọi tắt là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật HĐGS) với cơ sở chính trị gồm một số chủ trương lớn trong các văn bản của Đảng:

Thứ nhất, Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; thứ hai, Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; thứ ba, Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Cũng theo ông Y Thanh Hà Niê Kđăm, về thực tiễn, trong hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (HĐND) có những khó khăn, vướng mắc mà nguyên nhân chủ yếu là do một số quy định của Luật hiện hành không còn phù hợp với thực tiễn hoặc trong thực tiễn triển khai phát sinh các vấn đề cần được quy định cụ thể trong Luật.

Quang cảnh phiên họp.

Dự kiến Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND sẽ sửa đổi, bổ sung 35 khoản tại 26 điều, bổ sung mới 17 Điều, 12 khoản trên tổng số 91 điều 334 khoản của Luật hiện hành.

Theo đó, Hội đồng Dân tộc đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật tập trung vào 05 chính sách lớn, cụ thể là:

Chính sách 1: Bổ sung quy định nguyên tắc của hoạt động giám sát; các quy định về tiêu chí lựa chọn vấn đề chất vấn, chuyên đề giám sát, vấn đề được giải trình để gắn kết hoạt động giám sát với hoạt động xây dựng pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương.

Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, việc bổ sung các quy định trên nhằm bảo đảm sự gắn kết hoạt động giám sát với việc thực hiện các nhiệm vụ xây dựng pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương, giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra. Có cơ sở pháp lý xác định rõ ràng, rành mạch nội dung, phạm vi của các hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Nâng cao hiệu quả sử dụng kinh phí của Nhà nước cho hoạt động của Quốc hội và HĐND và các cơ quan, tổ chức khác có liên quan.

Chính sách 2: Sửa đổi, bổ sung các quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của Quốc hội, cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, HĐND, cơ quan của HĐND, đại biểu HĐND và thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan trong hoạt động giám sát.

Nội dung tập trung sửa đổi, bổ sung về: Hoàn thiện quy định pháp luật về thẩm quyền, trách nhiệm của Quốc hội, cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, HĐND, cơ quan của HĐND, đại biểu HĐND trong hoạt động giám sát, thực hiện đúng, đầy đủ thẩm quyền giám sát các VBQPPL trong hệ thống pháp luật theo quy định của Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020). Nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động giám sát, hiệu lực, hiệu quả của Hiến pháp và pháp luật, nghị quyết, kết luận, yêu cầu, kiến nghị giám sát.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm nhấn mạnh các cơ sở để sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Chính sách 3: Sửa đổi, bổ sung các quy định về phương thức, trình tự, thủ tục, thời gian, thời hạn thực hiện hoạt động giám sát.

Nội dung tập trung sửa đổi, bổ sung về: Quy định đầy đủ, cụ thể, hợp lý về quy trình, thủ tục, thời gian, thời hạn thực hiện các hoạt động giám sát còn thiếu, chưa quy định cụ thể trong Luật hiện hành; sửa đổi một số quy định về phương thức, quy trình, thủ tục, thời gian, thời hạn thực hiện hoạt động giám sát không phù hợp hoặc không thống nhất với quy định của các VBQPPL khác có liên quan nhằm tạo thuận lợi, thống nhất, nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND trong thời gian tới.

Chính sách 4: Sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến bảo đảm thực hiện nghị quyết, kết luận, yêu cầu, kiến nghị giám sát.

Nội dung tập trung sửa đổi, bổ sung quy định về: nội dung cơ bản, yêu cầu của nghị quyết, kết luận giám sát theo hướng yêu cầu, kiến nghị giám sát phải rõ ràng, cụ thể, lượng hóa chỉ tiêu bằng định lượng đối với những nội dung có thể lượng hóa được, thời gian hoàn thành, trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện nghị quyết, kiến nghị giám sát; giám sát việc thực hiện các nghị quyết, kết luận, yêu cầu, kiến nghị giám sát của cơ quan chức năng (giám sát lại) như chất vấn và xem xét trả lời chất vấn việc thực hiện nghị quyết chất vấn,…; hoàn thiện các quy định về báo cáo, thông báo, công khai kết quả giám sát, kết quả việc thực hiện nghị quyết, kết luận giám sát.

Chính sách 5: Sửa đổi, bổ sung các quy định về trao đổi, sử dụng thông tin của hoạt động giám sát có liên quan và các hoạt động khác; ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa trong hoạt động giám sát.

Nội dung tập trung sửa đổi, bổ sung về: cung cấp, chia sẻ, trao đổi, xử lý, sử dụng, quản lý, bảo quản thông tin từ các tài liệu, dữ liệu, hoạt động giám sát có liên quan, các hoạt động khác của cơ quan chức năng để phục vụ kiểm chứng, đưa ra nhận định, đánh giá, kết luận về các vấn đề liên quan trong hoạt động giám sát; bổ sung quy định về ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa trong hoạt động giám sát.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng.

Thẩm tra đề nghị về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Ủy ban Pháp luật nhất trí bổ sung dự án Luật vào Chương trình năm 2024, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8, thông qua tại kỳ họp thứ 9 như đề nghị của Hội đồng Dân tộc;

Đồng thời, Ủy ban Pháp luật đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung, thể chế hóa đầy đủ hơn một số quan điểm về nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND được nêu tại Văn kiện Đại hội XIII, Đề án đổi mới hoạt động giám sát, Kết luận số 843-KL/ĐĐQH15 của Đảng đoàn Quốc hội và một số cải tiến, đổi mới đã được áp dụng hiệu quả trong thời gian qua;

Cùng với đó, bảo đảm việc sửa đổi, bổ sung Luật không làm hạn chế quyền giám sát của các chủ thể cũng như không quy định quá chi tiết về quy trình, thủ tục nhằm tạo dư địa cho việc tiếp tục đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát trong quá trình tổ chức thực hiện.

Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung đối với hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND, đại biểu HĐND trên cơ sở tổng kết việc thực hiện Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND và Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15.

Quốc Trần