IMF: Triển vọng về năng lực vượt trội của châu Á

Báo cáo Triển vọng kinh tế khu vực của IMF nhận định, châu Á-Thái Bình Dương sẽ là khu vực năng động nhất trong các khu vực lớn trên thế giới vào năm 2023.

Dự báo kinh tế châu Á sẽ tăng trưởng 4,6% trong năm 2023, cao hơn 0,3% so với dự báo đưa ra hồi tháng 10/2022, đóng góp khoảng 70% vào tăng trưởng toàn cầu.

Giống như phần còn lại của thế giới, nhu cầu nội địa dự kiến vẫn là động lực tăng trưởng lớn nhất trên khắp châu Á trong năm 2023. Trung Quốc và Ấn Độ sẽ là những động lực chính, với mức tăng trưởng lần lượt là 5,2% và 5,9%. Tác động đối với khu vực châu Á từ những căng thẳng trong lĩnh vực tài chính của Mỹ và châu Âu cho đến nay đã được kiềm chế tương đối.

Trước đó, Ngân hàng Morgan Stanley ngày 12/4 đưa ra dự báo, đến cuối năm 2023, tốc độ tăng trưởng của châu Á có thể bỏ xa các nước phát triển tới 5%. Các chuyên gia của Morgan Stanley cho biết, đây là mức tăng trưởng mạnh nhất kể từ năm 2017, chủ yếu nhờ Trung Quốc mở cửa trở lại sau dịch Covid-19 và nhu cầu khu vực được duy trì, lãi suất phần nào được nới lỏng.

Morgan Stanley đánh giá, áp lực từ ngành ngân hàng ở Mỹ và châu Âu càng cho thấy năng lực vượt trội của châu Á. Nhu cầu nội địa vững chắc giúp khu vực có thể tạo ra động lực cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng mạnh. Ba nền kinh tế lớn khác là Nhật Bản, Ấn Độ và Indonesia đều có những nhân tố kinh tế đặc biệt để thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng nội địa.

Ngày 4/4, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nâng dự báo tăng trưởng năm 2023 của các nền kinh tế châu Á lên 4,8%, cao hơn mức 4,6% trong dự báo hồi tháng 12/2022.

ADB đánh giá, sau kết quả ấn tượng trong năm 2022, tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự báo sẽ giảm nhẹ xuống mức 6,5% trong năm nay và tăng lên 6,8% trong năm 2024.

Năm 2022, Việt Nam tăng trưởng GDP đạt 8,02%, quy mô GDP vượt 400 tỷ USD, đứng thứ tư trong ASEAN, kim ngạch thương mại vượt 730 tỷ USD, nằm trong nhóm 30 nước, vùng lãnh thổ có giá trị xuất khẩu hàng hóa lớn nhất toàn cầu.

Chu Văn