Indonesia tìm cách thu hút nhân tài trở về

Chuyên gia tài chính Dewi Brewer sinh ra ở Padang và lớn lên ở Jakarta, tuy nhiên gần nửa cuộc đời lại sống ở nước ngoài: 20 năm tại Singapore trước khi sang Mỹ vào 7 năm trước. Năm ngoái bà trở thành công dân Mỹ và làm việc cho chính phủ liên bang.

Brewer giải thích lý do bỏ quốc tịch : “Chồng con tôi đều là người Mỹ nên đến Indonesia phải trình rất nhiều giấy tờ nhập cư. Sẽ dễ dàng hơn khi cả gia đình có cùng quốc tịch”.

Mặc dù vậy bà vẫn giữ mối liên kết chặt chẽ với văn hóa lẫn nguồn cội của mình. Brewer làm tình nguyện viên cho Trung tâm người Mỹ gốc Á tại thành phố Frederick (bang Maryland) nơi mình sinh sống đồng thời tham gia một nhóm chơi nhạc cụ angklung của người Java.

Do dự định trở về Indonesia lúc nghỉ hưu nên bà Brewer rất vui khi gần đây Bộ trưởng Luật và Nhân quyền Indonesia Yasonna Laoly cho biết chính phủ nước này muốn thu hút cộng đồng người Indonesia hải ngoại và cho phép họ giữ quốc tịch nước ngoài.

Trong chuyến thăm Washington tháng trước, ông Laoly tuyên bố Indonesia cân nhắc một kế hoạch tương tự Chương trình Công dân hải ngoại của Ấn Độ (OCI).

OCI cấp cho người Ấn đã di dân một thị thực trọn đời cho phép nhập cảnh nhiều lần bất kể mục đích, kèm theo hàng loạt lợi ích khác. Người gốc Ấn cùng vợ/chồng có thể trở thành thường trú nhân, sống và làm việc tại Ấn Độ vô thời hạn. Tuy nhiên họ không nhận được trợ cấp chính phủ, không có quyền chính trị, không thể đảm nhận công việc liên quan đến nhà nước, đóng thuế thu nhập cùng phí dịch vụ bằng mức người nước ngoài.

Ngày 13.6, Bộ trưởng Điều phối Chính trị, Pháp lý và An ninh Indonesia Hadi Tjahjanto xác nhận khả năng áp dụng mô hình OCI. Trước tiên họ sẽ tiến hành nghiên cứu đánh giá lợi ích về kinh tế lẫn đầu tư khi áp dụng, sau đó tham vấn rộng rãi. Nhóm phụ trách đánh giá dự kiến hoàn thành công việc vào cuối tháng 7 trước khi đưa ra khuyến nghị cho tổng thống.

Nhìn chung nỗ lực trên được hoan nghênh, nhưng giới chuyên gia lưu ý rằng Indonesia cần làm nhiều hơn để tăng sức hấp dẫn.

Kế hoạch thu hút người Indonesia hải ngoại

Tháng trước, Bộ trưởng Laoly cho biết kế hoạch áp dụng mô hình OCI đã được thảo luận nhiều lần với Tổng thống Joko Widodo và có khả năng được giới thiệu chính thức vào 2 tháng tới trước lúc chính trị gia Prabowo Subianto kế nhiệm (ngày 20.10).

“Điều quan trọng là tạo điều kiện giúp người Indonesia hải ngoại về sống và làm việc, cũng như tận hưởng quê hương một cách thoải mái hơn”, Bộ trưởng Laoly nhấn mạnh.

Theo giới phân tích, bước đầu chương trình sẽ tập trung gỡ khó về thị thực. Quốc gia vạn đảo có thể miễn thị thực hơn 30 ngày cho người Indonesia hải ngoại để họ ở lại du lịch, công tác, mua sắm hoặc quá cảnh.

Lý do khiến người Indonesia ra nước ngoài sống

Bộ Ngoại giao Indonesia xác định cộng đồng Indonesia hải ngoại có hơn 7 triệu người bao gồm người gốc Indonesia, lao động di cư hợp pháp lẫn phi pháp. Đa số sống ở Singapore, Malaysia, à Lan, Ả Rập Saudi, Đài Loan.

Lý do khiến họ chọn di cư là tìm kiếm cơ hội học tập hoặc làm việc, sự ổn định ở quốc gia muốn đến, kết hôn, quyền lực của hộ chiếu Indonesia còn thấp.

Khi đến Mỹ cách đây 18 năm, nhân viên công ty bảo hiểm Vivi Fajar chỉ dự định lấy bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh, ở lại làm việc lấy kinh nghiệm rồi về nước. Nhưng dần dần bà thấy công việc rất thú vị và làm quen được nhiều bạn tốt, nơi bà sống có cả đền thờ Hồi giáo. Fajar thường xuyên gặp gỡ bạn bè Indonesia, đến công viên hay bãi biển tận hưởng không khí trong lành – điều không thể có được ở Jakarta. Thủ đô của Indonesia nổi tiếng về ô nhiễm không khí.

Doanh nhân Monique Patricia sang Singapore sinh sống từ năm 1999, đến năm 2017 chuyển đến Hà Lan. Bà cho rằng phúc lợi là yếu tố thu hút. Dù phải đóng thuế thu nhập gần 50%, nhưng học phí từ tiểu học đến trung học cộng thêm bảo hiểm y tế của con gái bà được nhà nước chi trả đến 18 tuổi.

Nhà tâm lý học Florentina Anne (hiện sống tại Úc) thì coi trọng môi trường an toàn và ổn định: “Là cha mẹ, chúng tôi luôn muốn đảm bảo môi trường mà con cái trưởng thành không gặp phải bất ổn chính trị tiềm tàng nào cả”. Lúc sống tại Indonesia 20 năm trước, bà trải qua biến động kinh tế gây ra bởi khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 cùng bất ổn chính trị - xã hội năm 1998 khiến Tổng thống Suharto mất chức. Thời điểm đó hàng nghìn người Indonesia rời bỏ đất nước và không hề quay lại.

Nhà khoa học dữ liệu H.I. cho biết quyền lực của hộ chiếu Singapore là lý do khiến ông chọn từ bỏ hộ chiếu Indonesia.

“Tôi quyết định đổi quốc tịch để có thể đi nước ngoài mà không gặp rắc rối khi xin thị thực”, theo H.I. Ông cũng cân nhắc đến sự ổn định và các mối quan hệ mà mình xây dựng được sau hơn 20 năm.

Chuyên gia thần kinh học Irma Kurniawan kết hôn với một công dân Thụy Sĩ, sống ở Basel hơn 20 năm. Nhưng gia đình cùng nguồn cội thúc đẩy bà giữ lại quốc tịch Indonesia.

“Trong thời gian COVID-19 hoành hành, người nước ngoài không được phép nhập cảnh Indonesia. Đây là sự việc nhắc nhở tôi về lợi ích khi giữ quốc tịch Indonesia, khiến tôi chắc chắn rằng nên giữ quốc tịch”, Kurniawan chia sẻ. Cha mẹ bà hiện sống tại Jakarta.

Sở hữu hộ chiếu Indonesia cho phép cá nhân nhập cảnh, sinh sống, mua và thừa kế tài sản và đất đai ở quốc gia vạn đảo.

Indonesia cần làm gì?

Theo giới phân tích, Indonesia cần đem lại cơ hội việc làm chất lượng cao, phúc lợi tốt lẫn cơ sở hạ tầng phát triển. Nền kinh tế nước này chưa thể sánh bằng các nước phát triển, nên chính sách thu hút cộng đồng hải ngoại khó thu hút lượng lớn người trở về.

Chuyên gia luật Bilal Dewansyah (Viện nghiên cứu Van Vollenhoven) đề xuất không áp dụng chính sách rộng rãi mà nhắm vào nhóm nhân tài cụ thể, giống như Trung Quốc tập trung thu hút nhà khoa học.

Nhiều vấn đề cần giải quyết

Đầu tiên là vấn đề quốc tịch. Năm 2016, Tổng thống Widodo bổ nhiệm chính trị gia Arcandra Tahar làm Bộ trưởng Năng lượng, nhưng quan chức này lại bị phát hiện mang hai quốc tịch và nhà lãnh đạo Indonesia quyết định cách chức ông sau chưa đầy 1 tháng bổ nhiệm.

Chuyên gia nhân sự Dian Kurniawan chỉ ra nhân tài trở về sở hữu nhiều lợi thế, từ kỹ năng hiếm có hoặc cần thiết đến năng lực thích ứng, hiểu biết về văn hóa và ngôn ngữ Indonesia.

Cố vấn truyền thông Nur Rizqi Muharrama Isnaini tin rằng nhân tài trở về góp phần tạo ra việc làm mới, tuy nhiên giữa họ với công dân Indonesia sẽ tồn tại chênh lệch về lương thưởng đem đến nguy cơ làm bùng lên tâm lý bất mãn.

Giám đốc tiếp thị Jalu Satwiko cho rằng nhân tài trở về có thể ở lại làm việc, nhưng quyền sở hữu đất đai của họ nên tuân theo luật hiện hành (không cho người nước ngoài sở hữu đất).

Cẩm Bình