Kết quả kinh doanh của doanh nghiệp sẽ cải thiện từ quý II

Khởi đầu gập ghềnh và có sự phân hóa giữa các ngành

Tính đến ngày 11/5, trên 3 sàn chứng khoán có 1.095 công ty, chiếm 94,3% vốn hóa thị trường đã công bố kết quả kinh doanh quý I/2023. Theo ước tính của Công ty Chứng khoán VNDIRECT (VNDIRECT), tổng lợi nhuận ròng quý I/2023 của các doanh nghiệp trên 3 sàn giảm -18,1% so với cùng kỳ, song mức giảm thấp hơn so với quý IV/2022 (-31,9% so với cùng kỳ).

Tuy nhiên, cũng theo dữ liệu từ VNDIRECT, trong quý đầu năm, mức độ suy giảm lợi nhuận có sự phân hóa, trong khi đó nhiều doanh nghiệp vẫn có kết quả tăng trưởng tích cực.

Theo ông Vũ Mạnh Hùng - Chuyên gia phân tích của VNDIRECT, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp vốn hóa vừa và nhỏ bị ảnh hưởng nặng nề hơn trong quý đầu năm. Cụ thể, lợi nhuận của nhóm vốn hóa trung bình và nhỏ giảm mạnh lần lượt -39,8% và -38,5% so với cùng kỳ, thấp hơn so với quý IV/2022 do tỷ giá hối đoái ổn định và lãi suất thấp hơn.

Trong khi đó, tổng lợi nhuận ròng các doanh nghiệp trong nhóm VN30 chỉ giảm -11,1% so với cùng kỳ, tích cực hơn so với nhóm vốn hóa lớn (-12,4%). Lợi nhuận của nhóm vốn hóa lớn sụt giảm nhiều hơn so với VN30 chủ yếu là do DPM (- 87,7%), DCM (-84,9%) và VGI (-68,8%). Cụ thể hơn trong rổ VN30, có 14 doanh nghiệp tăng trưởng lợi nhuận ròng khả quan so với cùng kỳ, dẫn đầu là VRE (+171% ), VHM (+162%) và PLX (+155%). Ngược lại, nhiều doanh nghiệp khác lợi nhuận ròng giảm mạnh, điển hình như: MWG -98,5%, HPG -95,2%...

Theo nhóm ngành, phân tích từ chuyên gia của VNDIRECT cho thấy, trong khi nhóm du lịch và giải trí, bất động sản là động lực tăng trưởng hàng đầu trong quý đầu năm, thì các doanh nghiệp ngành thép, hóa chất và chứng khoán trải qua một quý không khả quan.

Theo đó, trong giai đoạn khó khăn, các doanh nghiệp phát triển bất động sản vẫn đạt mức tăng trưởng lợi nhuận ròng +28,3% so với cùng kỳ trong quý I, chủ yếu nhờ đóng góp của VHM (+162,5%) khi ghi nhận các giao dịch bán buôn số lượng lớn. Tuy nhiên, nếu loại trừ VHM, lợi nhuận ròng của các nhà phát triển bất động sản đã giảm -40,4%. Đáng chú ý, ngành du lịch và giải trí đã dần quay trở lại đúng quỹ đạo, lần đầu tiên ghi nhận lợi nhuận ròng dương hơn 200 tỷ đồng kể từ sau dịch Covid-19. Ngành bất động sản, du lịch và giải trí cùng nhau đóng góp 4,9 điểm % vào tăng trưởng lợi nhuận ròng quý I của toàn thị trường.

Trong khi đó, lợi nhuận ròng của doanh nghiệp thép giảm -93,3%; ngành hóa chất kéo dài xu hướng giảm với -71,9%; và các công ty chứng khoán cũng giảm mạnh -96,6% so với cùng kỳ. Các công ty sản xuất thép, hóa chất và chứng khoán cùng nhau làm tăng trưởng lợi nhuận toàn thị trường giảm -13,5 điểm % trong quý đầu năm.

Lợi nhuận sẽ cải thiện trở lại từ quý II

Báo cáo thị trường tháng 4 của Dragon Capital vừa công bố cho biết, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết trong quý I/2023 sẽ đánh dấu mức tăng trưởng cùng kỳ năm trước thấp nhất, do mức nền cao từ sự hồi phục mạnh mẽ trong quý I/2022.

Tuy nhiên, với chi phí tài chính giảm, mức tăng trưởng dự kiến có thể được cải thiện trong quý II/2023 và sẽ đạt được đà tăng trưởng trong nửa cuối năm 2023 so với mức cơ sở thấp trong nửa cuối 2022. “Dự báo tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp năm 2023 của chúng tôi không thay đổi ở mức tăng trưởng khoảng 5-7%” - chuyên gia của Dragon Capital cho hay.

Trong báo cáo của VNDIRECT, chuyên gia của Công ty này cũng cho rằng, trong quý I/2023, mặc dù tỷ lệ đòn bẩy các doanh nghiệp tăng nhưng chi phí nợ lại giảm.

Theo đó, tỷ lệ đòn bẩy toàn thị trường (không bao gồm ngân hàng) lần đầu tiên tăng lên kể từ quý I/2022, do tổng nợ ngắn hạn tăng 2,3% trong khi tổng vốn chủ sở hữu giảm 2,% so với quý IV/2022. Tuy vậy, chi phí lãi vay trung bình trên thị trường giảm từ 6,% xuống 5,9% do lãi suất tiền gửi 12 tháng của các ngân hàng thương mại giảm 50 điểm cơ bản vào tháng 3/2023 từ mức đỉnh vào tháng 1/2023 và Ngân hàng Nhà nước cũng đã cắt giảm lãi suất tái chiết khấu, lãi suất tái cấp vốn lần lượt là 1% điểm và 0,5% điểm.

Một số chuyên gia còn cho biết thêm, xu hướng giảm lãi suất đã rõ nét hơn song cần thời gian để ngấm vào thực tiễn. Do đó, việc lãi suất giảm sẽ giúp doanh nghiệp tiết giảm được chi phí lãi vay, tăng hiệu suất lợi nhuận và xu thế đó sẽ thể hiện rõ hơn dần vào cuối năm. Cùng với đó, nhiều ý kiến cũng bày tỏ kỳ vọng, Quốc hội sẽ thông qua đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% của Chính phủ - đây cũng là một tín hiệu tích cực sẽ hỗ trợ cho lợi nhuận doanh nghiệp những quý cuối năm.

Hiệu quả từ chính sách hỗ trợ thường có độ trễ

Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, tuy nhiên, nhiều ý kiến bày tỏ kỳ vọng rằng, lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán sẽ dần được hồi phục và cải thiện nhờ các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ. Chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa mặc dù chưa thể phát huy tác dụng ngay tức thì, tuy nhiên, khi chính sách đi vào thực tiễn, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ tích cực hơn.

Thái Duy