Khách hàng được miễn phí trung chuyển hàng hóa qua hầm đường sắt sạt lở

Không để gián đoạn lâu

Những ngày qua, có mặt tại ga Hòa Huỳnh (TX Ninh Hòa, Khánh Hòa), PV ghi nhận công tác trung chuyển hàng hóa giữa các ga qua điểm tắc nghẽn hầm Bãi Gió (Đại Ninh, Vạn Ninh, Khánh Hòa) tập trung cao độ.

Trên sân ga, khi có một đoàn tàu chở container vừa dừng hẳn, hai cần cẩu và 3 xe đầu kéo đã chờ sẵn.

Chỉ trong vòng chưa đầy 10 phút, chiếc xe đầu kéo đã rời ga chở theo một container hàng.

Ông Trần Phước Tuệ đã vận chuyển nhiều container từ ga Hòa Huỳnh ra ga Diêu Trì và ngược lại.

Ông Trần Phước Tuệ (52 tuổi, ở TP Nha Trang, lái xe đầu kéo BKS 79H-015.36) cho biết, ông lái xe chở hàng bắt từ ngày 15/4.

Mỗi ngày chạy một chuyến, mỗi chuyến chở 2 container (cả chiều đi lẫn về) ra ga Diêu Trì (Bình Định) và kết hợp chở hàng từ Diêu Trì về ga Hòa Huỳnh.

Hàng hóa về ga được bốc dỡ lên xe tải vận chuyển trong thời gian sớm nhất.

"Đường chở từ Hòa Huỳnh ra đến Diêu Trì xa gần 200km, quãng đường khá xa. Tuy nhiên, những ngày qua, tôi thấy sự nỗ lực của ngành đường sắt trong khắc phục sự cố sụt hầm để hàng hóa không bị dồn ứ.

Vì vậy, bản thân mình cũng phải có trách nhiệm cố gắng hơn trong chạy xe đảm bảo an toàn, giao hàng cho kịp các chuyến tàu để tiếp tục vận chuyển", tài xế Tuệ nói.

Xe đầu kéo thay nhau vào nhận hàng trung chuyển.

Dừng máy, đi từ ca bin xuống, lái cẩu Nguyễn Đình Việt (37 tuổi, ở Phước Đồng, Nha Trang) cho biết: "Do lở hầm đèo, hàng hóa phải trung chuyển bằng xe tải tại ga này nên tôi đã tham gia ngay từ ngày đầu tiên.

Trung bình mỗi ngày cả cẩu lên và cẩu xuống khoảng 30 container. Đến nay, xe cẩu của tôi đã cẩu khoảng 150 container lên xuống xe tải để kịp tàu tiếp tục vào Nam".

Thông tin từ Chi nhánh Vận tải đường sắt Nha Trang cho biết, sau sự cố sụt lở hầm đường sắt qua đèo Cả, từ ngày 13/4, ngành đường sắt đã tạm ngưng nhận hàng hóa tuyến Sài Gòn - Hà Nội để đợi khắc phục, tránh ùn ứ.

Nhân viên đường sắt tích cực bốc dỡ hàng hóa dưới nắng trời nắng gắt.

Các chuyến tàu hàng từ phía nam không đi qua ga Hòa Huỳnh, phía bắc không đi qua ga Hòa Đa (huyện Tuy An, Phú Yên) vẫn hoạt động bình thường.

Một cán bộ ga Hòa Huỳnh cho biết, trong ngày có tới 5-6 đôi tàu nên số lượng tàu hàng cần chuyển tải khá nhiều.

Các đơn vị tham gia vận chuyển đang tích cực bốc chuyển các container từ các toa tàu sang xe tải để kịp giao cho khách hàng. Toàn bộ chi phí đều do ngành đường sắt chi trả, chủ hàng không chịu chi phí phát sinh nào.

Mỗi nốt buộc dây cáp cẩu hàng đều gắn trách nhiệm của nhân viên phục vụ vận tải hàng hóa ở ga Hòa Huỳnh.

"Nhà ga đang huy động xe tải ưu tiên vận chuyển những container chứa hàng hóa dễ hư hỏng trước.

Đối với các container lạnh, bên vận tải đường sắt đã bốc dỡ từ nhiều ga để vận chuyển bằng đường bộ cho khách hàng kịp thời tránh hư hỏng", người này cho biết.

Khách hàng không phải bỏ kinh phí

Trao đổi với PV báo Giao thông, ông Đồ Đình Dược, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết, sau sự cố sụt lún hầm đường sắt đèo Cả, có 9 đoàn tàu chở hàng của công ty phải nằm tại các ga: Giáp Bát, Phù Cát, Phù Mỹ, Chí Thạnh, Sóng Thần.

Doanh nghiệp đã huy động nhân lực, máy cẩu, xe tải chở container kịp thời chuyển tải hàng hóa trên nhiều đoàn tàu để kịp thời bàn giao cho chủ hàng.

Đến ngày 19/4, Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn đã trung chuyển bằng xe tải được 33 toa container, tương đương với 881 tấn hàng hóa.

Công tác kiểm tra đảm bảo an toàn trước khi xe tải rời ga được chú trọng.

"Dù khó khăn, tốn kém đến mấy, doanh nghiệp cũng phải trung chuyển hàng hóa để đảm bảo thời gian, chất lượng hàng hóa.

Đây là sự cố không may cho ngành đường sắt nên chúng tôi phải cố gắng hết mình vì quyền lợi của các chủ hàng", ông Dược nói.

Tưởng Cao Sơn