Khủng hoảng Biển Đỏ đe dọa cắt giảm 20% năng lực vận tải toàn cầu

Đây có thể là một “đòn giáng” mới vào chuỗi cung ứng hàng hóa thế giới, làm gia tăng áp lực lạm phát vốn đang ở mức cao trên toàn cầu.

Biển Đỏ của Ai Cập. Ảnh: Pixabay

Ít nhất đã có 121 tàu container chuyển sang tuyến đường dài hơn, cung đường chạy qua Mũi Hảo Vọng ở nam châu Phi, để tránh Kênh đào Suez và Biển Đỏ, nơi lực lượng Houthi đang đẩy mạnh các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (drone) và tên lửa vào các tàu thuyền qua lại trong khu vực này.

Các tàu container chiếm 30% tổng lượng vận chuyển toàn cầu với lượng hàng hóa trị giá lên đến 1.000 tỷ USD mỗi năm. Trong số đó, ước tính khoảng 10% khối lượng hàng hóa được vận chuyển qua Kênh đào Suez.

Theo thông tin do tạp chí Nikkei (Nhật Bản) tổng hợp từ dữ liệu vận chuyển của Tập đoàn giao dịch chứng khoán London (LSEG), khoảng 300 tàu thuyền đã ghé qua New York và Savanna, hai thành phố cảng thuộc bang Georgia của Mỹ.

Hầu hết các tàu này là tàu container đi từ Singapore và một số cảng ở Đông Á. Một số lượng lớn các con tàu này đã được định tuyến lại và đang đi vòng quanh Mũi Hảo Vọng ở cực nam châu Phi thay vì xuyên qua Kênh đào Suez.

Công ty hậu cần Kuehne + Nagel của Thụy Sĩ cho biết, tính đến ngày 20/12 việc 121 tàu container đi đường vòng tránh qua khu vực Biển Đỏ đã ảnh hưởng đến 1,6 triệu container.

Theo công ty này, so với các tuyến đường đi qua Kênh đào Suez, chuyến đi giữa châu Á và châu Âu vòng quanh Mũi Hảo Vọng sẽ kéo dài thời gian vận chuyển thêm ba đến bốn tuần nữa. Các tuyến đường đến Bờ Đông Mỹ dự kiến bị trễ thêm khoảng 5 ngày.

Kuehne + Nagel nhận định thời gian di chuyển kéo dài sẽ làm giảm 20% công suất của đội tàu container toàn cầu, dẫn đến sự chậm trễ tiềm tàng về nguồn lực vận chuyển sẵn có. Tác động dây chuyền thậm chí còn lớn hơn với khoảng 40% tàu container đang gặp phải tình trạng chậm trễ.

Chuyên gia Chris Rogers tại tổ chức S&P Global cho biết: “Chi phí vận chuyển trên tuyến đường nối trục Á-Âu có thể sẽ tăng khoảng 15%, khi tính chi phí nhiên liệu trừ phí Kênh đào Suez, đồng thời cũng sẽ có thêm chi phí bảo hiểm tăng”.

Ông Rogers tính toán phí vận chuyển cao hơn và sự chậm trễ trong việc giao hàng sẽ ảnh hưởng đến khoảng 47% giá các mặt hàng đồ chơi, khoảng 40% giá cả thiết bị gia dụng và khoảng 40% hàng may mặc được vận chuyển giữa các nền kinh tế châu Á và phương Tây.

Bên cạnh đó, nguồn cung hàng hóa công nghiệp cũng có khả năng bị chậm trễ. Việc định tuyến lại đường đi của các con tài sẽ ảnh hưởng đến việc vận chuyển 24% hóa chất, cũng như 22% thép cán phẳng được sử dụng trong ngành ô tô và 22% dây cách điện và pin cho ô tô.

Theo Nikkei, có những dấu hiệu cho thấy sự chậm trễ đã ảnh hưởng đến giá bán lẻ ở Mỹ. Ông Jon Gold, Phó Chủ tịch chuỗi cung ứng và chính sách hải quan của Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia (Mỹ), ngày 21/12, chia sẻ sự gián đoạn vận tải biển đang khiến thời gian vận chuyển của các nhà bán lẻ tăng thêm từ hai tuần trở lên. Chúng dẫn đến giá cước tăng và giá hàng hóa cuối cùng sẽ tăng theo.

Diệu Linh (Theo Nikkei)