Kinh tế Việt Nam 2023: Kiên định mục tiêu tăng trưởng cao nhất

Việt Nam đạt kết quả tăng trưởng tương đối ấn tượng, giữa bối cảnh thế giới nhiều khó khăn. (Ảnh: Linh Chi)

Năm 2023, nền kinh tế Việt Nam đã đi qua ba quý phát triển trong bối cảnh tăng trưởng toàn cầu giảm tốc và một số xung đột trên thế giới đè nặng lên các hoạt động kinh tế.

Ngoại giao kinh tế khởi sắc

Số liệu từ Tổng cục Thống Kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, kinh tế tháng 10 và 10 tháng năm 2023 ghi nhận những điểm sáng trong hoạt động sản xuất công nghiệp, đầu tư, tiêu dùng…

Cũng theo Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong 9 tháng 2023 đạt 4,24% và có xu hướng tăng dần theo thời gian. Quý III đạt 5,33%, cao nhất so với quý I và II (tương ứng đạt 3,3%, 4,1%).

Với đà tăng trưởng như vậy, ân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo, cả năm nay, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt khoảng 5,8% năm 2023, cao nhất khu vực Đông Nam Á (Philipines: 5,7%, Indonesia: 5,0%, Malaysia: 4,5%, Thái Lan: 3,5%...).

Chia sẻ với phóng viên TG&VN về tình hình kinh tế Việt Nam, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), thành viên Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ ốc hội khẳng định, giai đoạn vừa qua đã cho thấy sự nỗ lực rất lớn của Quốc hội, Chính phủ và bộ máy chính quyền các cấp và cộng đồng doanh nghiệp.

Ông Đậu Anh Tuấn nhận định: “Có lẽ, thành công lớn nhất và quan trọng nhất khi nói về năm 2023 đó là duy trì được tình hình kinh tế vĩ mô ổn định. Tốc độ tăng trưởng ở mức khá, lạm phát thấp, tỷ giá được kiểm soát tốt, các cân đối vĩ mô của nền kinh tế được giữ vững có lẽ là một thành công lớn của năm 2023 khi thế giới có quá nhiều biến động.

Lạm phát cao tại nhiều nền kinh tế trên thế giới đã ảnh hưởng cực lớn tới người dân. Việc duy trì lạm phát thấp đã tạo ra sự tin cậy của cộng đồng nhà đầu tư trong và ngoài nước về triển vọng kinh doanh rất tích cực của Việt Nam trong giai đoạn trung và dài hạn sắp tới”.

Theo Phó Tổng Thư ký VCCI, năm 2023 là một năm nhiều hứng khởi khi Việt Nam có sự khởi sắc trong hoạt động đối ngoại nói chung và công tác ngoại giao kinh tế nói riêng. Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đánh giá rất cao về chính sách đối ngoại của Việt Nam, đặc biệt là việc Việt Nam đã nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ lên quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Không chỉ thế, Việt Nam cũng tiếp tục nâng cao hơn nữa quan hệ với Trung Quốc. Mỹ và Trung Quốc là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và là những thị trường làm ăn quan trọng.

Song song với đó, Việt Nam đã ký kết và đang triển khai đến 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA). “Ít có quốc gia nào như Việt Nam khi doanh nghiệp có thể làm ăn, dễ dàng xuất khẩu sản phẩm của mình sang cả châu Âu, các nước Đông Bắc Á, Trung Quốc, Nga…”, ông Đậu Anh Tuấn nói.

Tiềm ẩn tín hiệu đáng lo

Cùng với khó khăn chung của thế giới, không thể phủ nhận, 2023 là năm có tỷ lệ doanh nghiệp rời khỏi thị trường rất cao, xuất nhập khẩu giảm, sản xuất công nghiệp có chiều hướng giảm.

Ông Đậu Anh Tuấn dẫn chứng, 10 tháng đầu năm 2023, có đến 146,6 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Cũng trong 10 tháng, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 557,95 tỷ USD, giảm 9,6% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, 2023 báo hiệu một năm rất thành công trong thu hút đầu tư nước ngoài nhưng cũng đã tiềm ẩn nhiều tín hiệu đáng lo ngại. Điểm nổi bật là tình hình thiếu điện vào tháng 5-6/2023 ở miền Bắc của Việt Nam. Việc thiếu nguồn điện đã dẫn tới tình trạng cắt điện các nhà máy, các khu công nghiệp và cơ sở sản xuất tại khu vực phía Bắc, tạo ra thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp.

Trong năm qua cũng có một số vấn đề nóng ảnh hưởng lớn đến cộng đồng doanh nghiệp và hoạt động đầu tư, kinh doanh. Đơn cử như vấn đề tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy khiến rất nhiều dự án đầu tư, công trình xây dựng bị chậm trễ, phát sinh nhiều chi phí hay vấn đề hoàn thuế VAT chậm trễ khiến các doanh nghiệp nhiều ngành như gỗ, cao su, sắn, điện tử… gặp nhiều khó khăn, chật vật thiếu dòng tiền.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), thành viên Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Nguồn: Quốc hội)

Thời gian tới, để giảm thiểu những khó khăn nêu trên và tiếp tục tăng sức cạnh tranh của môi trường kinh doanh Việt Nam, theo ông Đậu Anh Tuấn, đất nước cần phải tiến hành nhiều giải pháp như tiếp tục nâng cao chất lượng hạ tầng, chất lượng nhân lực, thúc đẩy sản xuất công nghiệp nội địa… Trong đó, tập trung vào hai nhóm giải pháp chính là giải pháp giảm chi phí kinh doanh và cải cách chất lượng quy định pháp luật, thực thi pháp luật.

Phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao nhất

Về mục tiêu tăng trưởng kinh tế, tại kỳ họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2023, Thủ tướng Chính phủ ạm Minh Chính đã phát đi thông điệp rõ ràng trong chỉ đạo điều hành nhằm phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đề ra.

Báo cáo của Chính phủ do Thủ tướng Chính phủ trình bày tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 cũng xác định, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023 đạt trên 5%. Để đạt được mục tiêu này thì quý IV/2023 tăng trưởng kinh tế cần đạt được từ 7% trở lên.

GS.TS Ngô Thắng Lợi, Giảng viên cao cấp Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhận định, mức tăng trưởng trên là áp lực rất lớn cho nền kinh tế. Để hoàn thành mục tiêu này, Việt Nam cần chú trọng những điểm chính như tốc độ phục hồi sản xuất công nghiệp nhất là công nghệ chế biến, chế tạo; gia tăng nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu lớn, chủ lực của Việt Nam; sự bứt phá của hoạt động du lịch và đẩy mạnh tiêu dùng trong nước.

Để đạt được sự bứt phá trên, GS.TS Ngô Thắng Lợi nhận thấy, Chính phủ cần tiếp tục giữ ổn định tình hình kinh tế, chính trị, xã hội, tạo niềm tin cho người đầu tư, phát huy hiệu quả các chính sách tài khóa (hỗ trợ doanh nghiệp và người dân như: giãn, hoãn, giảm thuế…); chính sách tiền tệ (cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất, phí dịch vụ, các gói tín dụng ưu đãi) nhằm hỗ trợ doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng; chính sách thúc đẩy đầu tư công, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các thị trường đất đai, bất động sản, xây dựng, du lịch, vốn..

Về giải pháp cụ thể, theo GS.TS Ngô Thắng Lợi, thứ nhất, cần đẩy mạnh sản xuất, tiêu dùng trong nước bằng cách kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc doanh nghiệp, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp thiếu vốn, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, có giải pháp hỗ trợ một số ngành, lĩnh vực chịu tác động bất lợi do nhu cầu của thị trường thế giới suy giảm như: da giày, dệt may, sản xuất và chế biến gỗ.

Thứ hai, triển khai hiệu quả các giải pháp thúc đẩy xuất nhập khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các FTA đã ký kết, tăng tốc độ thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu biên giới Việt Nam-Trung Quốc.

Thứ ba, tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và khuyến khích các phương thức đầu tư, mô hình kinh doanh mới, xanh, ít phát thải, có sự tham gia của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, đầu tư tư nhân.

Thứ tư, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, ưu tiên các dự án sắp hoàn thành, sớm đưa vào sử dụng các dự án có quy mô, có tiềm năng nhằm duy trì và mở rộng năng lực sản xuất kinh doanh.

Linh Chi