Kỳ vọng thị trường tiêu dùng nội địa sẽ thúc đẩy sản xuất

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2022 tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 5.679,9 nghìn tỷ đồng, tăng 19,8% so với năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 15,6% (năm 2021 giảm 6,7%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 tăng 15% so với năm 2019 – năm trước khi xảy ra dịch Covid-19.

Dù thắt chặt hầu bao nhưng “sân nhà” vẫn hấp dẫn

Từ số liệu nêu trên có thể thấy, hiện tại thị trường tiêu dùng nội địa vẫn tích cực khi mà tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng trưởng tốt. Mặc dù vậy, khi bước vào năm 2023, các doanh nghiệp (DN) vẫn cần chuẩn bị cho giai đoạn người tiêu dùng có dấu hiệu thắt chặt hầu bao trong bối cảnh có sự suy yếu của các ngành thâm dụng lao động (như da giày, dệt may, đồ gỗ…).

Dù hầu bao thắt chặt trong giai đoạn ngắn hạn, độ hấp dẫn của thị trường tiêu dùng nội địa được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sản xuất trong năm mới 2023.

Như dự báo của bộ phận phân tích Công ty chứng khoán VnDirect, chi tiêu của người tiêu dùng đang chậm lại dự kiến đến Quý 3/2023 trong bối cảnh xuất khẩu tăng trưởng chậm, lãi suất tăng và đồng VND yếu.

Tuy nhiên, với nhóm hàng hóa xa xỉ được cho là có thể ít rủi ro hơn trong bối cảnh nhu cầu suy giảm. Dù vẫn còn ở giai đoạn sơ khởi, nhưng thị trường xa xỉ Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng đáng kể nhờ sự gia tăng của tầng lớp người dân thu nhập cao ngày càng có nhu cầu lớn hơn đối với các mặt hàng xa xỉ.

Theo đánh giá của Công ty tư vấn quản trị Mckinsey, dự kiến tới năm 2030, Việt Nam sẽ có thêm khoảng 37 triệu người vào tầng lớp tiêu dùng, giúp tăng tầng lớp tiêu dùng lên gần 74% so với mức 40% năm 2020 và chưa đầy 10% năm 2000 nhờ vào việc tăng tỷ lệ đô thị hóa nhất là ở các đô thị cấp 2 và gia tăng nhanh tầng lớp trung lưu.

Thông thường, những tầng lớp giàu có thường là nhóm cuối cùng cảm nhận được tác động tiêu cực vào tiêu dùng do quy mô tài sản nắm giữ của họ thường rất lớn. Do đó, giới phân tích kỳ vọng các công ty bán lẻ có các mảng kinh doanh với phân khúc cao cấp có thể gặp ít rủi ro hơn từ việc cắt giảm hầu bao.

Còn theo nhận định của bộ phận phân tích Công ty chứng khoán VCBS nhân bàn về triển vọng của ngành bất động sản khu công nghiệp trong Quý 1/2023, đó là tiêu dùng nội địa sẽ thúc đẩy sản xuất. Theo đó, bên cạnh ưu đãi cho xuất khẩu, thị trường nội địa đang trở nên hấp dẫn với các DN sản xuất khi thu nhập người dân gia tăng kéo theo tăng trưởng nhu cầu tiêu dùng. Đặc biệt, tỷ lệ tầng lớp tiêu dùng gia tăng mạnh trong những năm gần đây.

Cụ thể, GDP/đầu người tăng nhanh với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) đạt 6,8%/năm. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tăng nhanh hơn tốc độ tăng GDP/đầu người với CAGR đạt 11,5%/năm trong giai đoạn 2010 – 2022.

Còn theo dữ liệu của Google, xu hướng di chuyển đến cửa hàng bán lẻ và giải trí của Việt Nam đã vượt mức trước dịch 4,6% và xu hướng di chuyển đến cửa hàng tạp hóa và hiệu thuốc đã tăng 27,5% so với trước dịch.

Nắm bắt chiến lược số

Chuyên gia phân tích của VnDirect cho rằng tiêu dùng Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng mạnh trong nửa đầu năm 2023 và dần phục hồi đà tăng trưởng kể từ Quý 3/2022. Điều này nhờ vào tốc độ tăng lãi suất sẽ chậm lại trong năm 2023 khi lãi suất điều hành Fed dần hạ nhiệt. Biến động vĩ mô tại Việt Nam đang dần ổn định, giúp nâng cao niềm tin tiêu dùng của người dân.

Bên cạnh đó, vào tháng 11/2022, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 với thông tin kể từ 23/7, lương cơ sở sẽ tăng 20,8% so với hiện hành lên mức 1,8 triệu đồng/tháng, có thể làm tăng thu nhập của cán bộ, công chức Việt Nam.

Xét về xu hướng tiêu dùng tại thị trường nội địa, cũng cần để ý thêm về xu hướng mua hàng trực tuyến (online) gia tăng thúc đẩy nhu cầu nhà xưởng hay trung tâm phân phối. Doanh thu hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) tăng trưởng cao. Dựa theo báo cáo của SYNC Đông Nam Á, giá trị giao dịch TMĐT Việt Nam có thể đạt tới gần 40 tỷ USD năm 2025, với CAGR đạt trên 30%.

Các chuyên gia ở đại học RMIT đánh giá, người tiêu dùng Việt Nam đã thể hiện rằng họ rất sẵn sàng chuyển sang hình thức mua sắm trực tuyến. Theo số liệu khảo sát, hiện nay có gần 60% người dân Việt Nam cân nhắc mua sắm trực tuyến vì sự tiện lợi của nó.

Và đều quan trọng không kém là các DN trong nước đã thích ứng với những hành vi tiêu dùng mới này bằng cách đẩy mạnh chuyển đổi số các quy trình và thậm chí cả mô hình sản xuất kinh doanh. Các công ty cũng dần nhận ra sự cần thiết của việc thực hiện chiến lược số hiệu quả nhằm duy trì tính cạnh tranh ngay trên “sân nhà”.

Ts. Burkhard Schrage (đại học RMIT) cho rằng, một trong những lợi ích chính của chiến lược số đối với các DN Việt là khả năng tiếp cận nhiều đối tượng hơn. Điều này tạo cơ hội cho các công ty kết nối với người tiêu dùng và tương tác với họ theo những cách mới và sáng tạo.

Ngoài ra, Ts. Schrage giải thích rằng với chiến lược số thì DN có thể thu thập thông tin giá trị, bao gồm cả sở thích, hành vi và thói quen mua sắm, về khách hàng của mình. Sau đó, DN có thể dùng dữ liệu này để cải thiện sản phẩm và dịch vụ của công ty. Chiến lược số còn giúp các công ty vận hành trôi chảy, quản lý tốt chuỗi cung ứng và giảm chi phí.

Nhìn chung, khi hầu bao thắt chặt trong giai đoạn ngắn hạn thì yếu tố hấp dẫn về lâu dài của thị trường tiêu dùng nội địa vẫn luôn hiển hiện. Chính điều này được kỳ vọng sẽ là động lực thúc đẩy sản xuất trong nước cũng như nắm bắt chiến lược số khi mà thị trường xuất khẩu trong năm 2023 còn nhiều thách thức phía trước.

Thế Vinh