Lý do tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công ở Quảng Nam thấp

Ngày 23/6, Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Nam đã có báo cáo tình hình thực hiện, kết quả giải ngân vốn đầu tư công đến tháng 5/2023.

Theo đó, tổng vốn đầu tư công năm 2023 là hơn 9.200 tỷ đồng; trong đó, kế hoạch vốn năm 2023 là hơn 7.700 tỷ đồng, kế hoạch vốn năm 2022 kéo dài hơn 1.400 tỷ đồng.

Theo số liệu Kho bạc Nhà nước tỉnh Quảng Nam, tính đến ngày 31/5, vốn đầu công năm 2023 (không bao gồm các dự án do trung ương quản lý) giải ngân hơn 1.300 tỷ đồng, đạt 14,7%. Trong đó, nguồn vốn ngân sách trung ương giải ngân hơn 230 tỷ đồng, đạt 7,7%; vốn ngân sách địa phương giải ngân hơn 800 tỷ đồng, đạt 23,1%.

Lý giải việc giải ngân chậm, Sở Kế hoạch và Đầu tư những tháng đầu năm, các đơn vị và địa phương thực hiện các thủ tục đề nghị kéo dài kế hoạch vốn năm 2022 sang năm 2023 và tập trung hoàn chỉnh hồ sơ để thanh toán khối lượng.

Kế hoạch vốn năm 2022 kéo dài vừa được cấp thẩm quyền cho phép kéo dài vào tháng 5/2023 ảnh hưởng đến kết quả giải ngân 5 tháng đầu năm. Các dự án sử dụng kế hoạch vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài năm 2023 chỉ giải ngân đạt 3,6%. Lý do dự án đang triển khai thi công và thu hồi tạm ứng hợp đồng; đang tổ chức thiết kế bước vẽ thi công và dự toán; gặp vướng mắc triển khai thực hiện dự án; đang chờ ý kiến thống nhất về thủ tục xin gia hạn thỏa thuận vay lại dự án.

Sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị và địa phương có nơi còn thiếu chặt chẽ; công tác giải phóng mặt bằng chưa được giải quyết dứt điểm, công tác quản lý hiện trạng, thỏa thuận áp giá bồi thường giải phóng mặt bằng, xác nhận nguồn gốc sử dụng đất vẫn còn nhiều vướng mắc.

Nhiều dự án ở Quảng Nam giải ngân vốn đầu tư công chậm, trong đó có dự án phòng cháy chữa cháy cho khu phố cổ Hội An. Ảnh: Thanh Đức.

Trước đó, ngày 22/6, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cũng có báo cáo tình hình thực hiện, kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2022.

Theo đó, kế hoạch đầu tư công năm 2022 của UBND tỉnh hơn 5.800 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách trung ương hơn 1.400 tỷ đồng, ngân sách địa phương hơn 4.400 tỷ đồng. Kế hoạch vốn năm 2022 sau khi điều chỉnh bổ sung là hơn 7.700 tỷ đồng.

Tính đến 31/1, kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 (không bao gồm các dự án do trung ương quản lý) giải ngân 5.727 tỷ đồng, đạt 73,5% so với kế hoạch vốn sau điều chỉnh.

Lý giải tình hình trên, UBND tỉnh Quảng Nam cho hay việc giải ngân vốn đầu tư công chậm do tình hình thế giới biến động nhanh, phức tạp, khó lường, vượt dự báo.

Ngoài ra, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 vào những tháng đầu năm 2022; giá nguyên, nhiên vật liệu xây dựng tăng cao, giá thép, xăng dầu và việc thiếu các mỏ đá, mỏ đất làm vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh. Nguồn vốn kế hoạch năm 2022 bổ sung trong năm hơn 1.900 tỷ đồng.

Nhiều địa phương ở Quảng Nam chưa dứt điểm giải phóng mặt bằng khiến việc giải ngân vốn đầu tư công chậm. Ảnh: Thanh Đức.

Ngoài những nguyên nhân khách quan, UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng còn các nguyên nhân chủ quan như công tác dự báo, lập, xây dựng kế hoạch vốn chưa sát với thực tế và khả năng giải ngân.

Việc chuẩn bị dự án còn hạn chế, chất lượng hồ sơ chưa tốt nên vướng mắc khi triển khai, phải đề nghị cấp thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch vốn, chủ trương đầu tư nhiều lần; công tác chuẩn bị đầu tư, thẩm định, tư vấn còn chậm; thủ tục đầu tư, thanh quyết toán vốn đầu tư dự án còn bất cập; việc điều chuyển kế hoạch vốn năm 2022 được tập trung chỉ đạo quyết liệt, đến nay, đã điều chỉnh gần 900 tỷ đồng.

Công tác giải phóng mặt bằng chưa giải quyết dứt điểm, công tác quản lý hiện trạng, thỏa thuận áp giá đền bù, xác nhận nguồn gốc sử dụng đất vẫn còn nhiều vướng mắc. Năm 2022 là năm đầu tiên triển khai thực hiện thủ tục kéo dài kế hoạch vốn năm trước sang năm kế hoạch theo quy định tại Điều 68 Luật Đầu tư công Việc tổng hợp danh mục các dự án thuộc 7 trường hợp bất khả kháng được kéo dài kế hoạch vốn ngân sách địa phương.

Ngoài ra, sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, các địa phương có lúc, có nơi chưa chặt chẽ, hiệu quả chưa cao. Một số chủ đầu tư, nhà thầu còn yếu về năng lực. Một bộ phận cán bộ, công chức còn hiện tượng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.

Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát một số lĩnh vực chưa quyết liệt, kịp thời, hiệu quả... Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao, thiếu quyết liệt, cụ thể trong việc đôn đốc, triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công không đạt kết quả đề ra, chưa đạt tỷ lệ giải ngân theo yêu cầu.

Thanh Đức