'Mách nước' doanh nghiệp tránh 'bẫy ngoại thương'

Doanh nghiệp Việt cần thận trọng khi giao dịch thương mại quốc tế. (Nguồn ảnh: Bộ Công Thương).

Lưu ý điều khoản “lưu hàng tại cảng”

Ông Nguyễn Duy Hưng - Thương vụ Việt Nam tại Ai Cập cho biết, qua các vụ việc tranh chấp thương mại giữa DN Việt Nam với DN Ai Cập trong thời gian qua, cho thấy đã xuất hiện tình huống tranh chấp thương mại có phần yếu tố khách quan tại thị trường.

Theo ông Hưng, đây là tranh chấp khá phổ biến, chủ yếu liên quan đến vấn đề chậm thanh toán của các ngân hàng do thiếu ngoại tệ. Đa phần DN xuất khẩu (XK) không có nhiều lựa chọn khi hàng cập cảng bởi bên mua không thể thanh toán tiền hàng theo hợp đồng. Cùng với đó, hầu như cũng không có được bất kỳ cam kết nào của ngân hàng về thời hạn thanh toán.

Hàng hóa khi đó phải nằm chờ tại cảng dài ngày, phát sinh chi phí lưu kho bãi, chất lượng hàng hóa xuống cấp chưa kể đến giá cả thay đổi trên thị trường dẫn đến tranh chấp về chia sẻ thiệt hại. Nhiều trường hợp DN XK phải chấp nhận giao hàng trước (nếu không muốn kéo hàng về hoặc bị hải quan phát mãi do quá thời hạn cho phép) và chuyển sang hình thức thanh toán trả chậm nhằm giảm thiểu tổn thất với hy vọng sẽ nhận được thanh toán đúng hạn.

Do đó, Thương vụ Việt Nam tại Ai Cập khuyến cáo DN Việt xem xét kỹ các điều khoản hợp đồng về điều kiện giao nhận hàng, hình thức thanh toán và bổ sung điều khoản xử lý các phát sinh như trường hợp hàng hóa phải lưu tại cảng dài ngày do vấn đề chậm thanh toán từ phía đối tác nhằm giảm thiểu rủi ro khi thực hiện hợp đồng.

Cùng tình huống, Thương vụ Việt Nam tại Algeri lưu ý, khi hàng vào cảng, nếu khách hay ngân hàng Algeria chậm thanh toán 1 tuần, DN cần thông báo ngay cho các cơ quan chức năng như Thương vụ để được tư vấn, hỗ trợ giải quyết kịp thời, tránh tình trạng để hàng kéo dài tại cảng dẫn tới phát sinh chi phí kho bãi, tiền phạt. Chưa kể hải quan sở tại sẽ bán đấu giá sung công quỹ bởi theo quy định, sau khi hàng nằm tại cảng 81 ngày kể từ khi được dỡ khỏi tàu, hải quan Algeria sẽ tiến hành bán đấu giá.

Xuất hiện nhiều hình thức ừa đảo mới

Tham tán thương mại tại Canada Trần Thu Quỳnh thông tin, thời gian gần đây, số lượng các vụ lừa đảo DN Việt Nam có liên quan đến Canada đang gia tăng nhanh chóng. Phức tạp hơn là hiện nay, một số cá nhân tự tiếp cận hồ sơ đăng ký kinh doanh của các DN lớn, có uy tín cao, có danh tiếng của Canada, sử dụng đăng ký kinh doanh và dùng tên chủ DN, vỏ bọc của DN này để đi lừa đảo các DN Việt Nam.

Hình thức lừa đảo này khá tinh vi khi đối tượng có thể gửi cả chứng nhận ngân hàng (tài khoản, số dư); chứng nhận nộp thuế… để xác nhận uy tín; sau đó trao đổi đặt hàng, gửi hợp đồng, đóng dấu đầy đủ. Khi DN Việt Nam đề nghị chuyển tiền đặt cọc, các đối tượng sẽ yêu cầu một số loại chứng nhận (thường là không tồn tại), khẳng định đây là yêu cầu bắt buộc phải thực hiện của phía Canada trước khi chuyển tiền và DN Việt thường “dính bẫy” nộp tiền để làm chứng chỉ.

“Tinh vi hơn, các đối tượng lừa đảo còn chấp nhận ký hợp đồng với phương án xử lý tranh chấp tại Việt Nam theo pháp luật Việt Nam, thanh toán trước 50% và thanh toán nốt khi có giấy tờ chứng nhận hàng đã xếp lên tàu; chấp nhận gửi thư ưng thuận của ngân hàng… nhưng đa phần là giả. Có vụ việc, đối tượng ở Canada sau khi làm giả gửi thư ưng thuận của ngân hàng, còn cung cấp số điện thoại của ngân hàng để DN Việt Nam kiểm tra” - bà Quỳnh nói.

Bà Dương Phương Thảo - Tham tán thương mại tại Italia cho biết thêm, ngoài hình thức lừa đảo phổ biến mà DN Việt đã gặp phải, thời gian qua còn phát sinh một loại hình lừa đảo kiểu thủ thuật. Tức là DN Italia nhập khẩu (NK) 1 - 2 lần đầu số lượng ít, thanh toán đầy đủ nhưng sau đó ký hợp đồng lớn hơn và chậm thanh toán, gây sức ép giảm giá. Khi gian lận xảy ra, mặc dù có sự đồng hành của nhiều bên nhưng thiệt hại của DN rất lớn. Do vậy, DN cần lưu ý, chủ động phòng tránh rủi ro.

Đáng chú ý, hầu hết Thương vụ Việt Nam tại các nước đều cho biết, dấu hiệu đơn giản nhất để nhận diện hiện tượng lừa đảo thương mại quốc tế là các đối tượng đều sử dụng các địa chỉ email miễn phí, hợp đồng ký kết rất sơ sài, không chấp nhận các cuộc gọi video…

Do đó, trước khi thực hiện giao dịch, DN cần làm động tác xác minh đối tác thông qua các kênh. Cùng với đó, cần soạn thảo hợp đồng chặt chẽ, cần có điều khoản giám định hàng hóa trước khi giao hàng; yêu cầu đặt cọc ít nhất 15 - 20% tùy vào mức rủi ro của cảng đến và cảng trung chuyển; cân nhắc sử dụng công ty tư vấn chuyên ngành để bảo đảm an toàn trong giao dịch.

Ngoài ra, hầu hết các Thương vụ đều lưu ý DN Việt cần hạn chế tối đa việc giao dịch qua môi giới. Bởi ngoài chuyện lừa đảo “đã cũ”, gần đây, đã xảy ra nhiều tình huống người môi giới giả danh thư của bên NK gửi cho DN Việt đề nghị chuyển các lô hàng sớm nhưng DN NK không đồng ý nhận hàng do sai so với tiến độ giao hàng theo hợp đồng, buộc DN Việt phải giảm giá gây thiệt hại không nhỏ. Trong khi hợp đồng ký với người môi giới không chặt chẽ, không có ràng buộc trách nhiệm về mặt thu hồi đủ tiền hàng nên tranh chấp phát sinh và DN Việt luôn phải gánh chịu phần thiệt hại.

Hoàng Tú