Màu áo mới của du lịch cộng đồng ấp đảo Thiềng Liềng giai đoạn 2

Theo chân đoàn của Sở Du lịch .HCM và Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế và Du lịch TP.HCM đến với Thiềng Liềng, tôi (PV) cảm nhận được những đổi thay mạnh mẽ của ấp đảo này sau gần ba năm chưa chạm chân đến.

Từ diện mạo hoang sơ với cánh đồng muối trắng xóa, giờ đây Thiềng Liềng đã mang diện mạo mới của du lịch cộng đồng, đặc biệt nhiều hộ dân đã tham gia vào mô hình này. Mỗi hộ dân tham gia chuỗi sản phẩm đều có nét đặc trưng riêng có.

"Tắm rừng, tham gia cuộc đua F1 bạch tuộc"

Lần này đoàn di chuyển bằng cano để đến với Thiềng Liềng. Ấn tượng khi vừa bước chân lên ấp đảo là hình ảnh những người dân đến tận "Cổng chào Thiềng Liềng" đón khách với nụ cười, hình ảnh chiếc áo bà ba duyên dáng, nón lá và các stiker chào đón du khách vô cùng dễ thương và thân thiện.

Người dân chào đón đoàn khách đến với Thiềng Liềng.

Trước đó, ngày 28-12-2022, mô hình du lịch cộng đồng Thiềng Liềng giai đoạn 1 chính thức được công bố. Trong không khí bận rộn của những ngày cuối năm 2023, điểm đến du lịch cộng đồng Thiềng Liềng (xã Thạnh An, huyện Cần Giờ) giai đoạn 2 đã chính thức được giới thiệu với du khách trong và ngoài nước vào ngày 29-12.

TS Dương Đức Minh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế và Du lịch TP.HCM cho biết, nếu giai đoạn 1 tập trung vào văn hóa hằng ngày và văn hóa sinh kế thì giai đoạn 2 tập trung vào văn hóa sinh thái, thêm màu áo mới cho hoạt động du lịch cộng đồng ở ấp đảo.

Lãnh đạo Sở Du lịch và địa phương thực hiện nghi thức công bố giai đoạn 2 của mô hình du lịch cộng đồng Thiềng Liềng.

So với giai đoạn trước, giai đoạn 2 gia tăng sự trải nghiệm cho du khách và kéo dài thời gian lưu trú nên các đơn vị đã vận động bà con xây dựng thêm homestay Hoàng Tử Nhím, homestay view sông Ba Huyền, không gian hội tụ Út Ngọc ...

Đặc biệt, mở rộng không gian du lịch cộng đồng đến khu vực Núi Giồng Chùa, hộ giữ rừng Út Đẹp hay trải nghiệm cung đường Hiking, đạp xe đạp quanh Thiềng Liềng. Đoàn thưởng thức ẩm thực địa phương như sương sâm, chanh muối, nước siro từ quả siro tự trồng...

Đạp xe đạp trên con đường xanh mát trên ấp đảo Thiềng Liềng.

Check-in nồng nàn Thiềng Liềng.

Bà Trịnh Thị Ngọc Kiều, hộ dân thực hiện thức uống xứ biển chia sẻ: "Lúc trước làm nghề muối rất vất vả, nay chúng tôi được hướng dẫn làm du lịch, vừa vui lại có thêm nguồn thu nhập."

"Ngày xưa làm muối được 6 tháng chỉ rút lại 4 tháng vì mưa nhiều. Bây giờ vừa làm muối vừa nhận tour đón khách. Mỗi tháng đón được 40-50 khách, cả khách lẻ và khách đoàn" - bà Trịnh Thị Ngọc Kiều chia sẻ.

Đến với Thiềng Liềng, điều ấn tượng với tôi là hệ sinh thái xanh, không khí trong lành giúp bản thân tôi kết nối với thiên nhiên. Sự đón tiếp nhiệt tình của bà con, sự hỗ trợ của chính quyền địa phương tạo nên môi trường du lịch xanh, sạch và mến khách.

Du khách Đặng Đình Đoan Nghi

Theo lời của TS Dương Đức Minh, đến Thiềng Liềng lần này du khách sẽ có nhiều trải nghiệm đặc biệt như tắm rừng, cuộc đua F1 của bạch tuộc...

Du khách hào hứng với trải nghiệm cuộc đua F1 của những chú bạch tuộc.

Cung đường Hiking Thiềng Liềng.

Trên cung đường hiking, du khách đi bộ tận hưởng không khí xanh mát giữa rừng cùng với nước uống từ trái siro hộ Mười Giạ.

Từ 16 điểm nâng lên 24 điểm đến

Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM chia sẻ: "Sau khi hoàn thành giai đoạn 2, chúng tôi đã nâng tổng số điểm đến từ 16 ở giai đoạn 1 lên thành 24 điểm đến."-

Theo bà Hiếu, sau một thời gian triển khai, ngành du lịch nhận thấy sự hứng khởi và quyết tâm của bà con, nhất là các hộ trực tiếp tham gia vào chuỗi điểm đến của mô hình. Đây là nguồn động lực to lớn để cơ quan quản lý có thể vượt qua mọi khó khăn, thử thách để được thành quả như ngày hôm nay.

"Nếu như trước đây, một hộ dân có thể ngập ngừng chia sẻ món ăn, đời sống văn hóa của mình thì bây giờ chính người dân đã trở thành hướng dẫn viên cho sản phẩm du lịch cộng đồng Thiềng Liềng chứ không phải một sản phẩm riêng nào. Tôi cho rằng đây là điều thành công lớn nhất."

Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM

Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM phát biểu.

Ông Nguyễn Ngọc Xuân, Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ xúc động nhớ lại quá trình chuẩn bị để có được sản phẩm du lịch từ chuyến đi thực tế đến các tỉnh, thành bạn để học hỏi kinh nghiệm, thực hiện các chuyến khảo sát cùng Sở Du lịch, Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế và Du lịch.

Sau một năm, Thiềng Liềng đã đón hơn 3000 lượt khách trong và ngoài nước, doanh thu khoảng 600 triệu đồng. Một niềm vui khác là điểm đến Thiềng Liềng được bình chọn là 100 điều thú vị của TP.HCM.

Ông Nguyễn Ngọc Xuân, Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ phát biểu tại lễ công bố.

Ông Xuân cho biết, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của huyện trong thời gian sắp tới, chiếm hơn 20% tỉ trọng các ngành. Điểm khó của du lịch Thiềng Liềng là cách biệt với đất liền và du khách chỉ di chuyển bằng đường thủy. Hiện chưa có tuyến đò cố định hàng ngày, chỉ đón khách đoàn có tour đặt trước với hợp tác xã còn khách lẻ thì chưa có.

Khi đến với Thiềng Liềng, mấy ai bỏ qua được trải nghiệm nghề cào muối.

Món sương sâm do chính hộ dân tự làm.

"Huyện đang lên kế hoạch kêu gọi xã hội hóa xây dựng tuyến đò cố định hàng ngày, phục vụ đưa đón người dân qua lại và khách du lịch. Đồng thời, huyện đầu tư đường sá, tạo không gian tự nhiên như trồng cây xanh và hoa phục vụ đón khách" - ông Xuân nói.

Điểm đến du lịch cộng đồng Thiềng Liềng giai đoạn 2 đi vào hoạt động vào dịp cuối năm 2023 được kỳ vọng sẽ là một điểm đến mới, thu hút khách trong dịp Tết Dương lịch và đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 sắp tới.

Trải nghiệm ngâm chân với muối thảo dược tại hộ Năm Tuyết.