Mở cửa thị trường mua bán nợ xấu để thu hút đầu tư vào Việt Nam

(Ảnh minh họa)

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho biết tính đến hết tháng 2/2024, tốc độ tăng trưởng tín dụng tiêu dùng giảm 2,5% so với thời điểm cuối năm 2023. Nguyên nhân tăng trưởng tín dụng tiêu dùng âm chủ yếu là cầu tín dụng tiêu dùng giảm trong bối cảnh tình hình tăng trưởng kinh tế khó khăn tác động tới thu nhập của cá nhân và hộ gia đình, làm tăng nhu cầu tiết kiệm để dự phòng cho tương lai và giảm nhu cầu vay tín dụng ngân hàng để mở rộng chi tiêu.

Trong khi đó, các loại hình cho vay qua app với điều kiện cho vay nới lỏng, thủ tục đơn giản nhanh gọn, dễ tiếp cận, cho vay dễ dàng, không cần tài sản thế chấp… đã thu hút người dân vay qua các app mà không cần đến ngân hàng.

Tính đến cuối năm 2023, tỷ lệ nợ xấu của tín dụng cho vay đời sống phục vụ tiêu dùng đạt 3,8% và gia tăng lên hơn 4% cho đến nay. Riêng nợ xấu tại các công ty tài chính dù giảm nhẹ từ mức 15% ở cuối năm 2023, nay chỉ còn khoảng 14,63% nhưng vẫn ở mức đáng báo động.

Bên cạnh những yếu tố khách quan với khó khăn chung của nền kinh tế, yếu tố chủ quan khiến nợ xấu tiêu dùng gia tăng là khách hàng cố tình không trả nợ.

"Nhiều công ty tài chính lâm vào tình trạng khó khăn, thậm chí thua lỗ do phải trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu tăng cao. Khả năng thu hồi nợ cũng rất khó khăn do khách hàng cố tình không trả nợ, thành lập các hội nhóm 'bùng nợ' trên mạng xã hội, chống đối, vu khống cán bộ thu hồi nợ, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh, uy tín của các ngân hàng, các công ty tài chính, ảnh hưởng lớn đến tâm lý của cán bộ thu hồi nợ", TS Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh.

Ông Darryl Dong, đại diện cấp cao IFC Việt Nam, khẳng định việc xây dựng một khuôn khổ mạnh mẽ để giải quyết nợ xấu với cách tiếp cận thực tế theo nguyên tắc thị trường là điều hết sức cần thiết để xoay chuyển tình thế nợ xấu.

Theo ông Darryl Dong, trong một môi trường đầy thách thức, với tình hình kinh tế toàn cầu có nhiều biến động và nợ xấu cho vay doanh nghiệp lẫn cho vay tiêu dùng đều đang có chiều hướng gia tăng, lĩnh vực cho vay tiêu dùng hiện đang trải qua giai đoạn rất khó khăn.

"Việc phát triển các công ty mua bán, xử lý nợ xấu chuyên nghiệp, hình thành một thị trường mua bán nợ xấu năng động và chuyên nghiệp đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong xử lý nợ xấu tiêu dùng hiệu quả", đại diện IFC Việt Nam nhấn mạnh.

Theo đó, IFC sẵn sàng hỗ trợ các cơ quan chức năng của Việt Nam, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và các doanh nghiệp tham gia thị trường chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm toàn cầu để xây dựng một thị trường nợ xấu năng động, tạo điều kiện cho các công ty mua bán, xử lý nợ xấu chuyên nghiệp có năng lực, có uy tín phát triển.

Trong bối cảnh đầy thách thức hiện nay, ông Darryl Dong khẳng định, các cơ quan chức năng có vai trò giải quyết nợ xấu cần nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng một khuôn khổ thể chế mạnh mẽ để giải quyết nợ xấu với cách tiếp cận thực tế theo nguyên tắc thị trường.

Nhiều chuyên gia quốc tế đã phân tích những thách thức trong quy định, thực thi, thực tiễn thu hồi nợ ở Việt Nam và chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, đưa ra các gợi ý mở cửa thị trường nợ xấu tiêu dùng. Việc mở cửa thị trường nợ xấu sẽ thu hút thêm đầu tư của khu vực tư nhân vào Việt Nam và hỗ trợ một hệ thống tài chính lành mạnh để công ty tài chính có khả năng chống chịu tốt hơn.

Ông Moon Young-so, Tổng giám đốc Công ty TNHH Mua bán nợ Welcome, đề xuất xây dựng "Bộ quy tắc ứng xử trong hoạt động thu hồi". Theo ông, bộ quy tắc ứng xử đóng vai trò quan trọng trong việc hướng tới tạo ra một khuôn khổ pháp lý chi tiết và có cơ chế rõ nét cho hoạt động thu hồi nợ.

Ngoài việc đưa ra các quy định, bộ quy tắc còn đưa ra các hướng dẫn mà nhân viên/công ty phải tuân thủ/thực hiện. Qua đó, bộ quy tắc này giúp đảm bảo rằng mọi giao dịch/giao tiếp với khách hàng đều được thực hiện tuân thủ theo đúng quy định pháp luật và chuẩn mực ứng xử trong xã hội.

"Bằng cách thiết lập ra các quy tắc và chuẩn mực ứng xử, bộ quy tắc này giúp tổ chức hoạt động trong phạm vi và giới hạn pháp luật cho phép, tạo ra một môi trường kinh doanh hiệu quả, công bằng, bền vững và an toàn", ông Moon Young-so nói.

Ông Lê Trung Kiên, đại diện Cơ quan Thanh tra giám sát, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, khẳng định cần hoàn thiện hành lang pháp lý bao quát hơn các chủ thể trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng và các vấn đề xử lý nợ xấu; đặc biệt, cần có các biện pháp hữu hiệu, chặt chẽ để bên đi vay phải thực hiện đúng nghĩa vụ, không thể chây ì. Các quy định hiện hành phải được hoàn thiện, đảm bảo cân bằng lợi ích, hạn chế tranh chấp; nghiên cứu xây dựng văn bản luật về tín dụng tiêu dùng...

Hải Đường