Một doanh nghiệp Việt lên sàn, lập tức tạo ra 200 triệu phú USD

Theo bà Kiều Thị Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần MOCAFUND, số lượng doanh nghiệp tham gia thị trường chứng khoán tại Việt Nam đang chậm 30 năm so với Thái Lan và Singapore. Trong đó, số lượng công ty được thiết kế niêm yết bài bản như các thương hiệu lớn ở Việt Nam như , FPT chỉ chiếm chưa tới 1%.

Bà Thành đánh giá, trong nguy có cơ, đây có thể là cơ hội để Việt Nam thu hút được nguồn vốn đầu tư nước ngoài, cũng là cơ hội để các doanh nghiệp chưa niêm yết đi theo con đường bài bản.

Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp không thực hiện tái cấu trúc nguồn vốn và chờ đợi thêm 10 năm nữa sẽ tiến tới thời điểm trăm hoa đua nở, nguồn vốn bão hòa. Do đó, bà Thành nhận định thời điểm tái cấu trúc và IPO tốt nhất là 5 năm trước hoặc ngay bây giờ.

“Doanh nghiệp càng phát triển, càng có nhu cầu tăng trưởng trở thành 'vua' trong danh mục thì càng cần lượng vốn lớn. Nếu chỉ dùng duy nhất đòn bẩy từ ngân hàng, quỹ tài chính thì nguồn vốn hữu hạn này không thể thỏa mãn được khát vọng vô hạn. Do đó doanh nghiệp phải huy động thêm nguồn lực vô tận trong xã hội thông qua IPO và lên sàn chứng khoán”, bà Kiều Thị Thành cho biết.

Bà Kiều Thị Thành, Chủ tịch MOCAFUND

Theo bà, khi doanh nghiệp phát tín hiệu vốn hóa, kêu gọi vốn thì lập tức các nguồn vốn vô hạn sẽ đổ về nếu doanh nghiệp có 1 lộ trình bài bản. Khi vốn đổ về đồng nghĩa với việc doanh nghiệp có thể thu hút đc người tài đầu quân để hấp thụ đc nguồn vốn vô tận này trong xã hội.

Đơn cử như khi lên sàn, Chủ tịch Trương Gia Bình đã ngay lập tức tạo ra 200 triệu phú USD, đến từ những nhân viên của doanh nghiệp, từ những người đi cùng doanh nghiệp thông qua hoạt động phát hành ESOP (cổ phiếu ưu đãi phát hành theo chương trình lựa chọn cho người lao động).

Chủ tịch MOCAFUND cho rằng, nếu doanh nghiệp tiếp tục hoạt động theo mô hình truyền thống thì không thể tạo ra những triệu phú USD.

“Nếu doanh nghiệp chỉ loanh quanh trong vấn đề lo sợ pha loãng tỷ lệ sở hữu và mất công ty thì sẽ không thể phát triển bền vững và lâu dài. Chúng ta đã xây dựng doanh nghiệp, đã xin giấy phép kinh doanh thì nên có chiến lược thoát ra, để trở thành bóng ma quản trị. Chúng ta không cần làm việc, nhưng doanh nghiệp vẫn có thể tạo ra giá trị”, bà Kiều Thị Thành cho hay.

Theo đó, IPO là cuộc chơi được thiết kế dành cho những chủ doanh nghiệp có tầm nhìn lớn để tái cấu trúc toàn diện doanh nghiệp.

Bà Kiều Thị Thành kỳ vọng những đơn vị như MOCAFUND sẽ truyền cảm hứng cho doanh nghiệp, tạo ra cơ hội, niềm tin cho Việt Nam để sẵn sàng tham gia thị trường chứng khoán với mục tiêu tái cấu trúc toàn diện, qua đó khẳng định vị thế, niềm tin của Việt Nam trên bản đồ IPO quốc tế. Theo bà, đây là cách tốt nhất để Viết Nam tăng trưởng GDP thông qua tăng trưởng xuất siêu cổ phiếu.

Năm 2024, quy mô GDP của Việt Nam được IMF dự báo đạt khoảng 465,8 tỷ USD, xếp thứ 5 trong khu vực, sau các quốc gia như Indonesia (1,47 nghìn tỷ USD), Thái Lan (548,89 tỷ USD), Singapore (525,22 tỷ USD) và Philippines (471,5 tỷ USD). Nếu xét trên toàn ế giới, thứ hạng quy mô kinh tế của Việt Nam năm 2024 có thể tăng thêm 1 bậc, ở vị trí thứ 34.

TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết, tình hình vĩ mô đang thuận lợi hơn cho thị trường chứng khoán và các doanh nghiệp có kế hoạch thực hiện IPO. Tuy nhiên, với kinh nghiệm IPO ở thị trường chứng khoán Mỹ, vị chuyên gia này cho rằng việc IPO không dành cho tất cả doanh nghiệp.

Doanh nghiệp phải có mục tiêu lớn, muốn phát triển và mở rộng quy mô mới nên cân nhắc việc IPO huy động nguồn lực xã hội. Nếu chỉ hoạt động trong quy mô nhỏ, cần nguồn vốn nhỏ, doanh nghiệp có thể sử dụng các nguồn vốn từ tiết kiệm, từ ngân hàng vì hoạt động IPO có thể tốn chi phí lớn khi cần thuê luật sư, thuê công ty tư vấn.

Thu An