Nâng tầm kinh tế Việt Nam từ kỳ vọng đột phá những quyết sách mới

Nói về triển vọng của dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam (Thường trực Chính phủ vừa mới yêu cầu Bộ Giao thông vận tải khẩn trương hoàn thiện đề án, trình Thường trực Chính phủ, trình Bộ Chính trị trong tháng 3/2024 và khẩn trương hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư trong năm 2024), Ts. Majo George, chuyên gia ngành Quản lý chuỗi cung ứng và logistics thuộc Đại học RMIT, cho rằng sáng kiến có tầm nhìn xa này hứa hẹn sẽ định hình lại bức tranh kinh tế của Việt Nam.

Nhìn từ triển vọng đường sắt cao tốc Bắc – Nam

Theo ông George, năng lực di chuyển người và hàng hóa nhanh chóng trên mạng lưới đường sắt cao tốc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam. Sự đổi mới này không chỉ đơn thuần mang tính chất tiện lợi, mà còn là một nhu cầu kinh tế cấp thiết.

Việc tiếp tục thúc đẩy đầu tư công trong phát triển hạ tầng giao thông sẽ góp phần nâng tầm kinh tế của Việt Nam trong tương lai.

Ngoài ra, vị chuyên gia này nhận định khả năng phát triển bất động sản gần ga đường sắt là một tác động kinh tế khác, giúp gia tăng giá trị tài sản và cơ hội đầu tư. Việc người dân ngày càng ưa chuộng di chuyển bằng tàu cao tốc cũng góp phần giảm ùn tắc giao thông, giảm chi phí bảo trì đường cao tốc và tăng cường an toàn đường bộ.

Bên cạnh đó, theo ông George, từ góc độ môi trường, mạng lưới đường sắt tốc độ cao là một bước tiến trong hành trình phát triển bền vững ở Việt Nam. Việc cung cấp một phương thức vận tải thân thiện với môi trường và tiết kiệm năng lượng sẽ góp phần giảm lượng khí thải carbon của cả nước. Giảm số lượng ô tô lưu thông trên đường bộ cũng như nhu cầu bay nội địa chặng ngắn sẽ khiến lượng khí thải nhà kính thấp hơn.

Mặc dù dự án tuyến đường cao tốc được cho là sẽ ưu tiên vận chuyển hành khách, nhưng nhiều ý kiến cho rằng nếu tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam tham gia thêm vào việc vận tải hàng hóa thì có thể có đóng góp rất lớn.

Nhất là giúp cải thiện hiệu quả sản xuất và chuỗi cung ứng, tiết kiệm chi phí và nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu, đồng thời giúp cải thiện đáng kể khả năng kết nối của Việt Nam với các nước láng giềng. Điều này giúp mối liên kết thương mại và vận tải với Campuchia, Lào và Trung Quốc trở nên hiệu quả hơn, từ đó định vị Việt Nam là một trung tâm logistics và marketing của khu vực.

Hơn nữa, tàu cao tốc từ lâu đã đóng vai trò là huyết mạch của ngành logistics và vận tải ở nhiều quốc gia phát triển. Khả năng vận chuyển hành khách và hàng hóa nhanh chóng trên những cung đường xa, cũng như giúp giảm bớt tắc nghẽn đường cao tốc, chỉ là một vài trong số những lợi ích vô giá mà đường sắt cao tốc mang lại.

Như nhận định của Ts. Majo George, Việt Nam đang đứng trước bước đột phá to lớn với sự ra đời của mạng lưới đường sắt tốc độ cao giúp thu hẹp rào cản kết nối kinh tế giữa hai miền Bắc Nam, cũng như góp phần nâng tầm nền kinh tế Việt Nam.

Ngoài việc thúc đẩy đầu tư dự án đầy triển vọng như nêu trên, theo giới quan sát, đầu tư công được kỳ vọng là động lực chính để duy trì tốc độ tăng trưởng GDP cho năm nay. Trong năm 2024 này Chính phủ sẽ tiếp tục thúc đẩy đầu tư công nhờ dư địa tài khóa dồi dào. Nợ công ước khoảng 37% GDP vào cuối năm 2023 (so với năm 2022: 37,1%), thấp hơn nhiều so với mức trần 60% do Quốc hội quy định.

Mạnh dạn thay đổi tích cực hơn

Theo Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán VnDirect, Việt Nam vẫn còn dư địa để mở rộng tài khóa nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho năm nay nhờ các yếu tố như: Nợ công thấp giúp đẩy mạnh chính sách kích thích tài khóa để hỗ trợ phục hồi kinh tế; lợi suất trái phiếu Chính phủ Việt Nam giảm mạnh kể từ đầu năm 2023; chi phí vay nước ngoài thấp hơn do lãi suất USD có thể quay đầu giảm trong năm 2024 và xếp hạng tín dụng quốc gia của Việt Nam được nâng lên.

Bên cạnh đó, phải kể thêm các chính sách tài khóa mở rộng bao gồm giải ngân đầu tư công duy trì ở mức cao, giảm thuế và phí (giảm 2% thuế Giá trị gia tăng, giảm thuế bảo vệ môi trường,…), thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2024 (trị giá 3,1 tỷ USD trong năm 2024, tổng gói trị giá 20,5 tỷ USD giai đoạn 2024-2026).

Hơn thế nữa, trong năm nay Việt Nam được dự báo vẫn là điểm đến thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Theo đó, Việt Nam sẽ áp dụng mức thuế tối thiểu toàn cầu từ ngày 1/1/2024. Để duy trì khả năng cạnh tranh trong thu hút FDI, Việt Nam tiếp tục thực hiện cơ chế ưu đãi đầu tư đặc biệt đối với các dự án thuộc lĩnh vực đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển (R&D), công nghệ cao.

Và một trong những động lực dài hạn cho thu hút dòng vốn FDI chính là việc đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng và các chính sách hỗ trợ, cũng như cam kết hướng tới mức phát thải carbon bằng 0 vào năm 2050.

Trao đổi với VnBusiness, Ts. Nguyễn Tấn Bình, Viện trưởng Viện nghiên cứu Khoa học Lãnh đạo và Quản trị Doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp Tp.HCM, cho rằng cùng với những quyết sách mới thì việc tiếp tục thúc đẩy đầu tư công trong phát triển hạ tầng giao thông nhằm giúp tiết kiệm chi phí vận chuyển, hạ giá thành sản phẩm, thu hút dòng vốn FDI chính là một trong những đột phá để nâng tầm nền kinh tế của Việt Nam.

Mặt khác, theo ông Bình, thông qua chính sách tiền tệ và đầu tư của Chính phủ cũng là một cách thức để kích thích tiêu dùng. Ngay trong chuyện này, các nhà hoạch định chính sách đang đi những bước đi tuy đôi chút còn dè dặt nhưng cũng khá mạnh dạn.

“Tôi cho rằng kinh tế của Việt Nam trong năm 2024 sẽ tốt hơn năm vừa rồi sau khi chúng ta đã rút được những kinh nghiệm vừa qua. Cụ thể là chỗ nào chậm, không như kỳ vọng, chậm là do điều gì, khâu chính sách có trục trặc gì hay không để từ đó có sự cải thiện, đưa ra các quyết sách mới nhằm thay đổi tích cực hơn”, ông Bình nói.

Tuy vậy, như lưu ý của vị chuyên gia này, đây là thời điểm vẫn còn đầy thách thức để có được các quyết sách mới mang tính đột phá. Như việc ứng xử trong chính sách tài chính tiền tệ, chính sách về đầu tư vẫn là điều khá “đau đầu” cho các nhà hoạch định chính sách vốn được ví như là “làm dâu trăm họ”.

Thế Vinh