New Zealand cấm sử dụng các hóa chất tồn tại bền vững trong mỹ phẩm

Theo đó, các hóa chất tồn tại bền vững, hay hóa chất vĩnh cửu (PFAS) đôi khi được sử dụng trong các sản phẩm như sơn móng tay, kem cạo râu, kem nền, son môi và chuốt mi. Chúng được bổ sung để làm mịn da hoặc làm cho mỹ phẩm bền hơn, trơn hơn và chống nước.

Ông Shaun Presow-chuyên gia về các chất độc hại của EPA nhấn mạnh, các chất này không dễ bị phân hủy, chúng có thể tích tụ trong cơ thể và một số gây độc ở mức cao. Ngoài ra, theo ông Presow, nghiên cứu quốc tế cho thấy PFAS chỉ được tìm thấy trong một số lượng nhỏ sản phẩm.

Tuy nhiên, New Zealand có cách tiếp cận thận trọng với nguy cơ tiềm tàng từ PFAS. Quyết định về PFAS là một trong số ít cập nhật được đưa ra đối với tiêu chuẩn nhóm mỹ phẩm nhằm đảm bảo mỹ phẩm an toàn và các quy định phù hợp hơn với chuẩn mực quốc tế.

PFAS được sử dụng trong các sản phẩm như sơn móng tay, kem cạo râu, kem nền, son môi, chuốt mi... Ảnh: Unsplash

Bên cạnh đó, nhandan.vn cho biết, Giáo sư Allan Blackman-Khoa Khoa học Đại học Công nghệ Auckland cho hay, một lệnh cấm PFAS trong mỹ phẩm sẽ được thực hiện để việc nhập khẩu và sản xuất mỹ phẩm chứa PFAS sẽ chấm dứt vào cuối năm 2026 và nguồn cung mỹ phẩm chứa PFAS sẽ chấm dứt vào cuối năm 2027.

Tuy nhiên, ông cho rằng cần theo dõi xem có biện pháp nào đối với các nguồn PFAS khác như các đồ nhà bếp chống dính và vải chống thấm.

MINH TIẾN (tổng hợp)