Ứng phó nguy cơ thiếu điện

Cảnh báo cao điểm nắng nóng

ập đoàn Điện lực Việt Nam dự báo, nhu cầu sử dụng điện tiếp tục tăng cao, dự báo bình quân 9%/năm, tương ứng công suất tăng 4.000- 4.500 MW/năm. Trong khi đó, nguồn điện dự kiến đưa vào vận hành năm 2024 chỉ là 1.950MW và năm 2025 là 3.770MW, tập trung chủ yếu tại khu vực miền Trung và miền Nam.

Công suất dự phòng của hệ thống điện miền Bắc thấp nhưng nhu cầu điện tăng trưởng tới 10%/năm. Do vậy, miền Bắc có khả năng thiếu công suất đỉnh vào cao điểm nắng nóng tháng 6 - 7/2024.

Ông Nguyễn Đức Thiện, Tổng giám đốc Tổng Công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) cho biết, hiện nay ở khu vực miền Bắc có rất nhiều khu công nghiệp, doanh nghiệp, khách hàng lớn đăng ký với quy mô lớn kéo theo mức tăng trưởng điện sử dụng của tổng công ty từ 8,7% - 13,7%.

Đại diện tổng công ty đưa ra 2 kịch bản cấp điện năm 2024. Theo đó, với kịch bản kiểm tra và với phương án cao dự báo phụ tải, EVNNPC có thể thiếu từ 1.200 - 2500 MW vào cuối tháng 5 đến tháng 7.

Công nhân điều khiển tại trạm biến áp 500 KV Nghi Sơn. Ảnh: TTXVN phát

Trong các tháng cuối năm, dự kiến nhu cầu sử dụng điện cũng ở mức cao và nguy cơ thiếu nguồn từ 200 - 400MW. Năm 2024, theo tính toán của EVN, việc cân đối cung - cầu điện được tính toán với dự báo tăng trưởng phụ tải điện cơ sở 8,96%. Trong cả 2 kịch bản lưu lượng nước về bình thường (tần suất nước về 65%) hoặc cực đoan (tần suất nước về 90%), hệ thống điện miền Bắc vẫn phải đối mặt với tình trạng căng thẳng về công suất đỉnh tại một số thời điểm nắng nóng, đặc biệt có thể xuất hiện tình trạng thiếu công suất (khoảng 420 - 1.770MW) trong một số giờ cao điểm các tháng 6 và 7.

Trước đó, Bộ Bộ Công Thương cũng đưa ra dự báo, năm nay trường hợp lưu lượng nước về các hồ thủy điện bình thường, hệ thống điện quốc gia cơ bản đủ điện. Song, miền Bắc vẫn phải đối mặt với tình trạng căng thẳng về công suất đỉnh tại một số thời điểm (từ 13 - 16 giờ, 19 - 22 giờ) trong các ngày nắng nóng.

Trường hợp cực đoan, nước về hồ thủy điện thấp, việc cung ứng điện cho miền Bắc khó khăn hơn. Dự báo miền Bắc có thể thiếu 420 -1.770 MW công suất điện trong một số giờ cao điểm các tháng 6 và 7.

EVN vẫn báo lỗ

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, hai năm qua, EVN gặp khó khăn về cân đối tài chính và thách thức lớn nhất năm 2024 vẫn là đảm bảo tài chính, cung ứng điện. Năm nay dự báo sản lượng điện thương phẩm tối đa 269,3 tỷ kWh. EVN lên kế hoạch yêu cầu đảm bảo đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội với GDP tăng 6 - 6,5%.

Lãnh đạo EVN nhìn nhận, cung ứng điện vẫn khó khăn do phụ thuộc diễn biến bất thường thời tiết, mất cân đối cung cầu giữa các miền. Chẳng hạn, miền Bắc không có dự phòng về nguồn nhưng lại là nơi có nhu cầu sử dụng điện tăng 9 - 10% mỗi năm.

Các tập đoàn Nhà nước chỉ quản lý trên 47% nguồn điện, trong đó EVN là 37,5%, còn lại phụ thuộc vào các nguồn điện bên ngoài. Điều này gây khó khăn trong quản lý vận hành hệ thống điện. Cùng đó, việc đầu tư xây dựng các dự án nguồn, lưới điện vẫn khó khăn về thủ tục, vốn, bố trí quỹ đất và bồi thường giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng.

Về tình hình tài chính, ông Tuấn cho biết sau hai lần được tăng giá bán lẻ điện bình quân vừa qua (thêm 7,5%), vẫn không đủ bù đắp chi phí sản xuất do các thông số đầu vào duy trì ở mức cao. EVN lỗ sản xuất kinh doanh điện năm thứ hai liên tiếp.

Tổng giám đốc EVN kiến nghị Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp xem xét cho tập đoàn này loại trừ một số yếu tố khỏi khoản lỗ, để có nguồn trả lương cho người lao động. Ông Tuấn cũng kiến nghị Bộ Công Thương xem xét, đánh giá lại thị trường điện để điều chỉnh, có thị trường điện minh bạch hơn thời gian tới.

Trước nhiều khó khăn về tài chính, cung ứng điện của EVN, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, Bộ Công Thương đang rà soát chính sách, đề xuất sửa Luật Điện lực và dự kiến trình Quốc hội thông qua trong năm nay. Trong đó, các kiến nghị của EVN về cơ chế phát triển năng lượng, thị trường, giá sẽ được ghi nhận trong quá trình sửa luật, các văn bản hướng dẫn để EVN hoạt động thuận lợi hơn. EVN cần chuẩn bị kịch bản, nhất là kế hoạch cung ứng điện mùa khô, để đảm bảo tuyệt đối không thiếu điện như năm 2023, theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Ở góc độ chuyên gia, PGS.TS Bùi Xuân Hồi, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Điện lực miền Bắc nhìn nhận, ngành vẫn còn nhiều bất cập từ quy hoạch đến tổ chức quy hoạch ở cả 3 khâu: Sản xuất, truyền tải và phân phối. Trong bối cảnh giá dầu, giá xăng, giá khí đốt đều tăng nhưng giá điện chỉ điều chỉnh tăng 7,5% trong 4 năm qua dẫn tới tình trạng ngành điện hoạt động tương đối khó khăn. Do đó, cần “trả” giá điện về đúng theo cơ chế thị trường, có sự điều tiết của Chính phủ.

PGS.TS. Bùi Xuân Hồi cũng đề xuất, để bảo đảm cung ứng điện năm 2024, Chính phủ và
Bộ Công Thương cần có các kịch bản khác nhau để ứng phó với những biến động khó lường về sản xuất, cung ứng điện. Ngoài nỗ lực đẩy nhanh tiến độ các công trình nguồn, lưới điện trọng điểm, đưa vào vận hành những nguồn điện mới, cần bảo dưỡng, sửa chữa, vận hành tối ưu các nguồn điện hiện có; dự phòng phương án nhập khẩu điện. Đồng thời, công tác dự báo cũng cần chuẩn xác hơn để khai thác hài hòa nguồn thủy điện và nhiệt điện.

Thu Trang/Báo Tin tức